Những người đàn bà trên sóng dữ biển khơi

Những người đàn bà trên sóng dữ biển khơi

(GD&TĐ) - Tiếng sóng vọng rì rầm dào dạt xô vào bờ cát, hoàng hôn làm một góc biển đỏ rực. Tiếng cười tinh nghịch của trẻ con bên những người mẹ tảo tần. Gương mặt của những người đàn bà không giấu hết nỗi nhọc nhằn dù đã nở nụ cười thật tươi, cật lực mưu sinh với biển. đó là những người phụ nữ đi đánh cá ngoài khơi ở Cù Lao Chàm, TP Hội An, Quảng Nam mà chúng tôi đã thấy…

Những mảnh đời lặn lội cùng biển cả

Tại Cù Lao Chàm (TP. Hội An), chẳng phải riêng đàn ông theo nghề biển, mà còn có rất nhiều người đàn bà cũng ra khơi bám biển, không chịu quẩn quanh với công việc nội trợ. Theo các chị, các mẹ thì đi biển không chỉ góp phần phát triển kinh tế gia đình mà còn thể hiện tình yêu thiết tha với biển. Cũng như đàn ông đi biển, tất cả họ đều coi “đảo là nhà, biển là quê hương”. Dù mưa gió, bão dập và muôn vàn khó khăn phải đối mặt mỗi lần đi biển, nhưng những phụ nữ ở xứ đảo này vẫn đoàn kết thành lập từng nhóm để ra khơi, sẵn sàng hỗ trợ lẫn nhau giữa đại dương mênh mông sóng biếc không thua gì những người đàn ông nơi ngọn sóng hát ru ghềnh.

Chị Thu trên một chuyến biển.
Chị Thu trên một chuyến biển.

Chúng tôi đi vòng hết dải đất cù lao chàm. Đảo nhỏ không đủ làm người thấm mệt. Những hẻm nhỏ, cồn nhỏ, những con đường ngoằn ngoèo lẫn bê tông và cát biển gợi lên trong lòng nhiều cảm giác mơ hồ. Những loài thủy sinh nơi sóng nước thẳm xanh ngoài khơi xa chừng như cũng đã dạt về đây. Đợi những chiếc thuyền từ ngoài âu thuyền đang mang cá vào, gió lồng vị mặn của biển thổi vào ràn rạt thịt da. Gặp chị Huỳnh Thị Thu, 43 tuổi khi chị đang chạy chiếc ghe vào bờ. Sau một hồi tất bật với công việc, chị Thu nói với chúng tôi như tự sự với chính mình: “chúng tôi từ bé đã biết đi biển. chẳng những đàn ông, mà đàn bà cũng vậy. biển là nhà để chúng tôi sống và lặn lội cùng những nguy hiểm để mưu sinh. Biết rồi mai này biển cũng sẽ cạn nguồn tài nguyên. Cuộc sống chúng tôi sẽ trở nên khó khăn hơn. Nhưng chúng tôi vẫn cứ phải ra biển…”. Ở xã đảo này có ít thuyền lớn, người ta chỉ đi biển bằng thúng hoặc thuyền nhỏ, nơi họ đánh bắt xa nhất là vùng biển khoảng 17 hải lý tính từ đảo này. Nhưng không vì vậy mà vơi đi những nỗi đau mất mát. Nhiều năm về trước, biển đã cướp đi nhiều sinh mạng của ngư dân. Dù cho nghề đi biển là thế mạnh của người dân xã đảo, nhưng họ vẫn không thể chống chọi lại những cơn giận dữ bất chợt của biển. Và rồi, người dân cù lao giữa biển Đông này vẫn phải sống tiếp cùng biển như đã là định mệnh. Thanh niên đến 18 tuổi sức vóc đã đủ để cùng cha ông lặn biển như chính cuộc sống của họ…

Chị Hải và chị Hồng chuẩn bị ra khơi.
Chị Hải và chị Hồng chuẩn bị ra khơi.

Chúng tôi gặp chị Đỗ Thị Hải, tối qua biển động, mưa gió nên chị không ra khơi. Sáng sớm nay người phụ nữ nhỏ nhắn này cùng một nguời khác mới chèo chiếc thuyền thúng bé xíu ra biển giăng lưới. Chị bảo bình thường chị vẫn bơi đi như thế, chỉ với chiếc thuyền thúng và những tấm lưới. Những tấm lưới dài tới 1,5km, nặng hàng chục cân được chị bủa ra trong lộng một cách khéo léo. Một tay cầm mái chèo giữ cho con thuyền khỏi lật trên con sóng lớn, tay kia nhịp nhàng bung từng đoạn lưới xuống biển. Trên đường theo một chiếc ghe ra biển cách bờ chừng 2 hải lý chúng tôi gặp nhiều người đàn ông bơi thuyền, nhưng thật không có một hình ảnh nào sinh động, lạ lùng và đẹp như hình ảnh nhưng xmái tóc dài theo gió biển tung lên như thế. Không chỉ cánh đàn ông đi biển ăn sóng nói gió, các chị tóc dài, khẩu trang bịt mặt che nắng, uyển chuyển bơi chèo như không cần dùng sức, giọng nói vẫn nhẹ nhàng nữ tính, với nước da mịn màng rám nắng, chỉ có đôi bàn tay của các chị là chai sần với những vết cắt của lưới, là minh chững của sự vật lộn cùng những con sóng dữ…

Sau mỗi chuyến biển, những người phụ nữ này lại trao đổi các sản phẩm với các ghe bạn.
Sau mỗi chuyến biển, những người phụ nữ này lại trao đổi các sản phẩm với các ghe bạn.

Muốn theo nghề phải có một tình yêu

Theo chị Hải cho biết, hằng đêm, cứ 1 giờ đêm hay từ lúc 4 giờ chiều là phụ nữ lại chèo thuyền ra biển, rồi lênh đênh đến 8-9 giờ sáng mới về. Mỗi thuyền chỉ có cây đèn, một tấm tre đan làm chỗ ngủ và những tấm lưới. Mỗi đêm như thế các chị thu được từ 70-80 ngàn đồng, có bữa trúng đậm thì vài trăm ngàn là ít. Hỏi chị Hải làm thế nào mà lưới được cá, chị cười rất tươi: “Thì tui cũng làm việc như họ thôi: bủa lưới, vớt cá, lại lo cả cơm nước. Cậu thấy cánh đàn bà chúng tôi bơi lội đâu kém gì đàn ông! Chỉ cần ra khơi mấy chuyến là quen với sóng gió nên thấy cũng không vấn đề gì. Đi miết rồi cũng quen.” Chị Hải chỉ sang người phụ nữ đi cùng là chị Đặng Thị Hồng. Chị Hồng kể lại: “Lúc đầu chỉ dám đi gần bờ thôi. Những đêm ngồi lênh đênh một mình một thúng trên biển sợ lạnh cả sống lưng, nhưng nghĩ đến mấy đứa con ở nhà nên rồi cũng qua được”. Người đàn bà hơn 50 tuổi này ngồi mân mê cây đèn hột vịt, người bạn duy nhất của chị trong những đêm trường giữa biển cả. Những khi giữa biển đêm mênh mông sợ nhất là đèn tắt, bị ghe đụng rách luới. Một tấm lưới 250.000 đồng, mà mỗi lần đi các chị mang có khi tới 12-15 tấm. Vậy nhưng chuyện bị ghe đụng rách lưới là thường xuyên. Có những lần đi bị rách lưới, phải vá mất cả ngày, đã không được cá mà có khi mất cả lưới…

Thành quả sau những chuyến biển
Thành quả sau những chuyến biển

Tôi nghe mang máng đâu đó lời người dân ở xã đảo này nói rằng khi được sinh ra là đàn bà thì cực lắm rồi, nhưng đàn bà trên bờ cực một, đàn bà trên biển cực gấp trăm. Và những người đàn bà đi biển của xứ đảo Cù Lao Chàm này là những mảnh đời biển như thế. Chị Hải, chị Hồng, chị Thu và còn rất nhiều những người phụ nữ khác cũng đã theo nghề được mấy mươi năm. Con cái của các chị có đứa đang học đại học, có đứa học trung cấp, có đứa đã đi làm nhưng các chị vẫn gắn bó với nghề biển dẫu bao khốn khó tưởng chùng có lúc không thể vượt qua. Các chị kể có lần ra biển, lưới rách hết mà không biết, đến lúc kéo lên thì chẳng còn cá, mất không một chuyến biển, ngồi thừ không muốn vào bờ nữa. Nhưng nghĩ đến mấy đứa con đang ngóng mẹ lại bơi vào. Có lần ra biển, nghe tin báo bão gần kề, lại tất tả chèo thuyền vào bờ bỏ cả lưới lại giữa biển khơi mà tiếc đứt ruột… khó khăn là thế nhưng chỉ cần thấy biển yên là các chị lại lao ra biển như một sự kích thích khó cưỡng lại. Các chị bảo có yêu biển, yêu những con sóng mới có được nghị lực như thế. Nếu không có lẽ đã bỏ biển mà đi lâu rồi…

Cứ thế, những người phụ nữ trong ngôi làng nằm trong một vùng biển xinh đẹp, thuyền bè đậu ở bến san sát không chỉ ở nhà lo cơm nước, vá lưới hay đi chợ bán cá. Họ cũng xông ra biển luôn vì thấy mình chẳng có gì kém phái mạnh cả. chúng tôi lên bờ khi các chị còn tay năm tay mười với những mẻ cá, với những tấm lưới cần được vá lại, với những câu chuyện về biển cả trong tâm tâm trí chỉ riêng các chị thấu hiểu. Biển mùa này động nên dậy mùi rong rêu, nhiều ngư dân phải ngồi bờ. Một lão ngư vẫn xách lưới ra biển, xâu lại và đám trẻ con xã đảo xúm quanh ông hay nghịch bên những chiếc thúng. Trong đôi mắt ngư ông trọn đời bám biển, chỉ có những vệt sáng tươi khi nghĩ về cuộc đời sắp nhỏ. Dáng người rắn chắc, da đã bắt đầu nhăn lại nhưng không ai nhận thấy ở ông vẻ mệt mỏi của tuổi già. Ông cười vang át cả tiếng sóng: “Lũ trẻ con chừ giỏi! Nói tiếng Tây nghe như gió. Mong tụi nó lớn lên làm du lịch ở khu du lịch chứ đừng đi biển, cực lắm!” Một  giai điệu bả trạo đặc trưng của người vùng biển vang lên bằng cái giọng trẻ con làm người khách lạ ngơ ngác. Những bước chân tí xíu rung theo từng giai điệu của câu hát xưa. Sóng vẫn rền rĩ vỗ vào bãi cát. Ngày mai, ngày kia nhịp sống vẫn sẽ bình lặng trôi trên những con sóng biển, đời nhũng người phụ nữ đi biển đánh cá chắc chắn sẽ bớt nhọc nhằn hơn. Và ở ngoài khơi xa, những con thuyền rẽ nước chầm chậm trôi…

Bài và ảnh: Bùi Hữu Cường 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân cao huyết áp nên ăn ít muối. (Ảnh: ITN)

Những cách tự nhiên giúp hạ huyết áp

GD&TĐ - Khi già đi, chúng ta cần đặc biệt chú ý đến huyết áp. Theo giới chuyên gia, chế độ ăn uống chắc chắn có hiệu quả trong việc kiểm soát huyết áp.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.