Gượng về tình tiết
“Những ngày không quên” ban đầu thu hút người xem bởi tính thời sự khi kể câu chuyện về dịch Covid-19. Phim của hai đạo diễn NSƯT Danh Dũng - Trịnh Lê Phong, được các biên kịch Trịnh Khánh Hà, Nguyễn Thu Thủy chắp bút.
Đặc biệt, phim có sự lồng ghép của hai bộ phim ăn khách trước đó là “Về nhà đi con” và “Cô gái nhà người ta”.
Bối cảnh phim tái hiện không gian sống điển hình là thành phố và nông thôn khi dịch bệnh Covid-19 ập đến. Phim phản ánh nhiều vấn đề thời sự xung quanh dịch bệnh, như tích trữ thực phẩm, găm hàng, tăng giá, tin giả, trốn cách ly… Trong đó, nổi bật là tình người, ý thức trách nhiệm của cá nhân với cộng đồng, sự đoàn kết và tri ân với những lực lượng tuyến đầu.
Tất cả đều được chuyển tải một cách sống động, nhiều chi tiết đắt giá, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm cộng đồng.
Với tiếng vang mà “Về nhà đi con” trong năm 2019, sự trở lại này của “bố con ông Sơn” được khán giả mong chờ. Đặc biệt, phim còn lồng ghép khéo léo về tình hình dịch bệnh và cuộc sống đời thường, cũng như dàn diễn viên hùng hậu.
Phim đã tập hợp được rất nhiều diễn viên của các bộ phim ăn khách mà Trung tâm Sản xuất phim truyền hình (VFC), Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện trong thời gian gần đây.
Không chỉ có dàn diễn viên đình đám như NSND Trung Anh, Thu Quỳnh, Bảo Thanh, Bảo Hân, Quang Tèo, Phương Oanh, Đình Tú… mà còn có sự lồng ghép của các diễn viên nổi tiếng như Thanh Hương, Hồng Đăng, Hồng Diễm… Mỗi tập phim gói gọn nhiều nội dung, phản ánh rõ nét tâm lý và ứng phó của người dân giữa dịch bệnh và trong các mối quan hệ gia đình, khu phố, làng xóm.
Thế nhưng, việc ghép quá nhiều diễn viên của các phim vào nhau khiến người xem cảm thấy sự gượng gạo. Chị Hồ Thanh Thủy (Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Ban đầu, tôi rất hào hứng đón chờ bộ phim này bởi sự trở lại của dàn diễn viên “Về nhà đi con”. Thế nhưng, càng những tập tiếp theo, phim xuất hiện quá nhiều nhân vật của các bộ phim khác. Mặc dù rất yêu quý dàn diễn viên mà VFC hợp tác nhưng để họ đóng hết vào một phim như vậy khiến tôi thấy gượng không chỉ hình thức mà còn ở tình tiết phim”.
Trên fanpage của “Những ngày không quên”, rất nhiều khán giả từng thắc mắc về nội dung phim không thống nhất với hai bộ phim từng phát sóng.
Khán giả Linh Bùi chia sẻ: “Theo như tập cuối cùng của bộ ngoại truyện “Về nhà đi con”, Thư và Vũ vui vẻ thông báo với cả gia đình là Bon có em, chắc hẳn lúc ý Bon đã cai sữa rồi. Nhưng khi xem đến “Những ngày không quên”, ta lại thấy Bon bắt đầu cai sữa và không có sự xuất hiện của em bé kia, thậm chí là còn không được nhắc tới”. Đồng thời, cũng bởi xây dựng hình tượng Quốc quá khác so với “Về nhà đi con” nên phim vấp phải sự phản ứng gay gắt từ phía khán giả, thậm chí nhiều người còn đòi tẩy chay.
“Càng ngày càng nhàm”
Chuyện tranh cướp hàng hóa mùa dịch, tung tin giả để câu view, like, lên kế hoạch tập trung đông đúc dù đã có quy định hạn chế tụ tập hay kể cả việc người dân châu Âu “kỳ thị” những người đeo khẩu trang ra đường... đều được nhắc khéo trong phim.
Tuy nhiên, những tình tiết này khi phim phát sóng đã không còn nóng, hấp dẫn người xem. Thế nên dù đây là bộ phim tuyên truyền nhưng hiệu quả không như mong đợi. Bởi ở Việt Nam, việc nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong những ngày cách ly do dịch đã được nói rất nhiều lần trên mọi phương tiện thông tin đại chúng.
Vẫn biết phim tuyên truyền thì khó tránh khô cứng. Nhưng nếu để lời thoại trở nên gần gũi hơn, thay vì đậm tính báo cáo, giống như một bản tin thời sự thì có lẽ các nhân vật sẽ mềm hơn rất nhiều. Dù vậy, trong bối cảnh dịch, để làm được bộ phim dài tập công chiếu đúng thời điểm, chạy theo từng bản tin thời sự đòi hỏi đóng góp lớn của cả một ê-kíp. Nó không chỉ là hoàn thành phim mà còn bảo đảm nguyên tắc an toàn cho cả đoàn.
Trên trang fanpage của phim, nhiều khán giả đã tỏ ra khó chịu khi phim đang bị lê thê, nhạt nhẽo và rối rắm. Đặc biệt, việc để các mối quan hệ trở nên phức tạp một cách không cần thiết, gây nhàm chán cho người xem.
Nhiều khán giả bình luận rằng: “Càng ngày càng nhàm, ngán không buồn xem nữa”, “Phim bắt đầu dài dòng không hay rồi đấy”, “Khai thác kiểu này không cẩn thận thành nồi lẩu, thực khách không thể nuốt trôi”…
Có khán giả thẳng thắn cho rằng, phim đang lan man và không còn hấp dẫn. Dịch bệnh đã được kiểm soát có lẽ nên dừng lại để có một ấn tượng đẹp trong lòng khán giả.
Diễn viên Bảo Thanh khi nhận được kịch bản cũng từng tâm sự: “Lo lắng là cảm xúc chung của tất cả ê-kíp “Những ngày không quên” khi “nhận nhiệm vụ”. Nhưng mỗi khi ngồi xem thời sự, đọc báo, nghe tin về dịch bệnh thì lòng mình lại chùng xuống, bao nỗi niềm!
Rồi khi nhìn thấy sự quyết tâm của Ban lãnh đạo VTV - của Giám đốc VFC - và quan trọng hơn là nhận thấy ý nghĩa tốt đẹp sẽ được lan tỏa từ phim đến xã hội, cộng đồng... để mỗi người có thể tự trang bị thêm cho mình sự hiểu biết, hành vi tích cực hơn trước trận chiến chống dịch thì bản thân lại cố gắng gạt mối lo đi mà tập trung làm tốt nhất công việc của mình”.