Đây là một vụ lừa đảo ngân hàng tệ hại, nhưng trong lịch sử ngành ngân hàng thế giới, vẫn còn những vụ việc khác bê bối hơn nhiều.
Trong khi người dân tin tưởng gửi tiền vào các ngân hàng, thì những kẻ tham nhũng sẵn sàng “múa tay trong bị” để làm giàu bằng bất kỳ giá nào.
Dưới đây là một số vụ bê bối mà các ngân hàng đã gây ra do dính líu vào các hoạt động phạm pháp.
Ngân hàng ngầm ở Trung Quốc
Mới đây, các nhà điều tra Trung Quốc đã phát hiện một nền công nghiệp ngân hàng của thế giới ngầm, chuyên thực hiện các giao dịch có giá trị lớn tới 200 tỷ NDT (tương đương với 30 tỷ USD).
Một trong những ngân hàng kiểu này có vỏ ngụy trang là một công ty thương mại, chuyên chuyển tiền cho những kẻ buôn lậu và các đường dây buôn bán ma túy.
Vụ việc này chỉ là một phần trong các hoạt động chuyển tiền bất hợp pháp với tổng số tiền lên tới 800 tỷ NDT tính từ tháng 11/2015. Tháng 8/2016, 450 người bị lực lượng đặc biệt bắt giữ do liên quan đến các hoạt động ngân hàng bất hợp pháp trong 158 trường hợp chuyển tiền ngầm và rửa tiền cho các hoạt động tội phạm và các chính trị gia tham nhũng.
Theo Tạp chí Kinh tế Trung Quốc, tháng 2/2017, các nhà chức trách Trung Quốc đã điều tra và phá 380 “ngân hàng ngầm”, với số tiền hơn 900 tỷ NDT (tương đường 131 USD).
Bộ Công an nước này cho biết hơn 800 nghi phạm đã bị bắt giữ từ mạng lưới các ngân hàng ngầm đang phát triển tràn lan khắp đất nước rộng lớn này nhờ vào mạng Internet và phương thức thanh toán trực tuyến.
Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực về vốn rất lớn khi các nhà đầu tư tìm cách chuyển tiền ra nước ngoài bằng các hình thức hợp pháp và cả bất hợp pháp, trong khi tỷ giá đồng NDT rất yếu ớt so với đồng USD. Dự trữ ngoại hối của đất nước này đã bị thu hẹp khoảng 1.000 tỷ USD kể từ giai đoạn cao điểm tháng 6/2014.
Cơ quan quản lý ngoại hối của Trung Quốc là Cục Quản lý ngoại hối đã siết chặt việc giám sát tiền chuyển ra nước ngoài và đình chỉ các khoản đầu tư của Trung Quốc vào bất động sản ở nước ngoài.
Điều này khiến nhiều doanh nghiệp và người dân tìm cách chuyển tiền ra nước ngoài thông qua các biện pháp bất hợp pháp nhờ các ngân hàng ngầm.
“Các giao dịch qua ngân hàng ngầm thường không rõ ràng và khó ước tính số tiền cũng như quy mô” người phát ngôn của Bộ Công an cho biết - “Một số lượng lớn các giao dịch xuyên biên giới tồn tại ngoài sự giám sát của chính phủ, tạo nên một lỗ đen lớn trong hệ thống tài chính của Trung Quốc. Các ngân hàng ngầm này đang bóp méo các nguyên tắc quản lý tài chính và gây nguy hiểm cho nền kinh tế quốc gia”.
Qiu, một trong các ông chủ ngân hàng ngầm khai báo đã điều hành một công ty luật làm vỏ bọc cho hoạt động ngân hàng trái phép của mình. Lợi nhuận thu được từ hoạt động chuyển tiền dựa trên sự khác biệt giữa tỷ giá chính thức và tỷ giá do chính họ đặt ra.
Ông chủ này cùng đồng sự của mình đều có tài khoản ngân hàng ở cả Trung Quốc lẫn nước ngoài. Vì vậy, hầu hết các giao dịch đều không bị coi là chuyển tiền qua biên giới.
(Còn tiếp)