Những mầm sống băng qua bão AIDS

Những mầm sống băng qua bão AIDS

(GD&TĐ) - Có một thời người ta hoang mang với cái suy nghĩ rằng ma túy và HIV/AIDS sẽ xóa sổ những bản nghèo vùng cao ở huyện nghèo miền núi, biên giới của Thanh Hóa. Nhưng rồi cũng chính ở cái nơi được coi là nghèo nhất trong những huyện nghèo của cả nước ấy, sự hồi sinh của con người sau cơn bão AIDS lại vô cùng mạnh mẽ.

Những trẻ em ở bản Poọng này được học hành ngay tại bản
Những trẻ em ở bản Poọng này được học hành ngay tại bản

Bão tố đổ bản nghèo

Men theo con đường độc đạo, gập ghềnh sỏi đá, lắt léo ven những chân núi đá cao chót vót chúng tôi vào thăm bản Poọng của xã Tam Chung, huyện nghèo Mường Lát (Thanh Hoá). Đến Mường Lát, nói về Poọng người ta sẽ ngay lập tức gắn cho cái bản nghèo này khá nhiều biệt danh, như: “bản HIV/AIDS”, “bản mồ côi”, “bản góa chồng”…

Sở dĩ như vậy bởi cùng với bản Lát, bản Poọng là hai bản có số người nhiễm HIV, chết vì AIDS cao nhất xã Tam Chung. Cái vẻ đìu hiu của bản Poọng bắt đầu hiện ra khi chúng tôi đi qua những ngôi nhà sàn vắng bóng người ở. Hai dãy nhà sàn bám ven đường, được dựng san sát nhau, giữa các ngôi nhà không có hề có bờ rào phân chia lãnh thổ, dấu hiệu của sự liên kết cộng đồng rất chặt chẽ và đoàn kết.

Bản hầu như chỉ có trẻ nhỏ và người già, khá vắng bóng đàn ông, còn phụ nữ thì hầu như tự hãm mình bên trong các liếp cửa. Cũng như nhiều bản khác ở Mường Lát, HIV đổ vào Poọng chủ yếu từ nhóm người nghiện ma túy. Số người nghiện ma túy, nhiễm HIV rồi chết vì AIDS cứ tăng dần và nỗi đau đớn như nhân lên gấp bội khi độ tuổi có tỉ lệ nhiễm HIV lại phổ biến ở bộ phận thanh niên, người trẻ từ 18 - 39 tuổi.

Những trai bản sức dài vai rộng, tương lai phơi phới, là những lao động chính trong gia đình bỗng chốc quặt quẹo, vất vưởng, sống lay lắt vì ma túy, vì HIV. Hút chích, nhiễm HIV nhiều năm trời, lúc AIDS phát tác với những cái chết thương tâm cứ nối tiếp diễn ra, dân các bản vùng cao khi đó mới bàng hoàng nhận ra, rồi gồng mình gánh chịu hậu quả của ma túy, HIV.

Cả làng bản lao đao trong cơn bão AIDS. Trưởng bản Poọng - Lò Quốc Tính cho chúng tôi biết dù đã quen với HIV/AIDS nhưng anh vẫn không khỏi băn khoăn và lo lắng cho số phận của bốn cặp vợ chồng trong bản đang nhiễm AIDS. Theo anh Tính trong tình trạng bản có 87 hộ nhưng có tới 64 hộ nghèo, số còn lại là cận nghèo thì dân bản phải nỗ lực vượt bậc để “phục hồi” sau hậu quả của “căn bệnh thế kỷ” này.

Ông Hoàng Văn Xùm, Trưởng công an xã Tam Chung cho biết: Tam Chung hiện có 77 người nghiện đang được quản lý thì riêng bản Lát sở hữu 46 người, hiện tại chỉ còn duy nhất bản Suối Loóng là chưa phát hiện ra có người nghiện ma túy. Nếu như Poọng là điển hình cho bức tranh về hậu quả của ma túy, HIV, là nơi bão AIDS đã đi qua thì Lát lại là bản nghèo có tình trạng nghiện ma túy, nhiễm HIV đang sục sôi.

Theo Trung tâm y tế dự phòng huyện Mường Lát, ca nhiễm HIV đầu tiên ở Mường Lát được phát hiện vào tháng 6/2001. Đến nay thì tất cả 9 xã, thị trấn của Mường Lát đều có người nhiễm HIV với tổng số 416 người. Theo chúng tôi con số thực tế về người nhiễm HIV ở Mường Lát, chưa phát hiện vẫn còn khá nhiều.

Trong số đó, người nhiễm là đồng bào dân tộc Thái chiếm 94%, có 71 nữ, 8 trẻ em dưới 5 tuổi. Đến nay số bệnh nhân HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS của Mường Lát là 225 người. Từ 2007 - 2012 Mường Lát có 69 người chết trước đó đã có điều kiện xét nghiệm và có thể khẳng định tử vong do bệnh AIDS, trong đó xã Tam Chung có số người chết vì AIDS cao nhất huyện (22 trường hợp). Đáng nói là số người nhiễm HIV trong độ tuổi từ 19 - 29 chiếm tỉ lệ cao với 75%, trong số người nhiễm HIV có 5 người là viên chức, có trình độ trung cấp chuyên nghiệp.

Một góc bản Poọng
Một góc bản Poọng
 

Hồi sinh sau bão AIDS

Cuồng phong bão AIDS “kết” cùng tệ nạn ma túy đổ bộ vào bản nghèo vùng cao nên sức hủy hoại như càng tăng lên gấp bội. Tính mạng, tài sản của đồng bào như lá rừng trong cơn bão lốc. Chúng tôi đã có dịp đến Poọng vào năm 2010, khi mà bão AIDS đang tác oai tác quái nhất. Lúc đó, theo thống kê của dân bản thì trong ba năm 2007, 2008 và 2009 bản Poọng có hàng chục người chết vì ma túy, HIV/AIDS. Trong đó có những gia đình mà cả hai vợ chồng cùng chết vì AIDS.

Trong số những người chết vì nghiện ma túy, vì “dính” AIDS ở bản Poọng có phụ nữ, trẻ em nhưng chủ yếu vẫn là thanh niên và trung niên. Năm 2009, số người chết vì ma túy, nhiễm HIV/AIDS ở bản Poọng là 12 người, trong khi số trẻ em sinh mới trong bản chỉ có thì chưa được phân nửa số người chết. Những con số trên có thể vẫn chưa là chính xác, bởi trong cơn hoang mang, những cái chết đột tử đều được người dân gắn cho cái mác “sốc ma túy”, “chết vì AIDS”, hoặc những người chết vì AIDS mà trước đó chưa có điều kiện xét nghiệm máu. Cơ quan chức năng thì cho rằng vì chưa đi xét nghiệm nên không thể khẳng định tất cả người chết là do AIDS.

Dù vậy, không ai có thể phủ nhận những cái chết “lạ” trong thời điểm bão AIDS đang lên cơ cuồng nộ ở các bản vùng cao đa phần do ma túy, HIV. Theo cơ quan chức năng xã Tam Chung thì đến nay số người chết vì AIDS (không tính số người chết vì sốc ma túy) ở bản Poọng có 16 người, bản Lát là 8 người. Từ 2007 - 3/2013 Tam Chung có 86 người chết, trong đó có thể khẳng định 24 người chết vì AIDS, 7 người chết là người nhà của bệnh nhân AIDS. Dân bản không quan tâm lắm đến những số liệu của “cấp trên”, đồng bào chỉ mong mỏi các cấp giúp đỡ để những cái chết bất thường không còn là “chuyện thường ngày ở bản”.

Sống trong đau thương luôn hiện hữu, có một thời người ta hoang mang với cái suy nghĩ rằng ma túy và HIV/AIDS sẽ xóa sổ những bản nghèo vùng cao ở huyện nghèo miền núi, biên giới Mường Lát (Thanh Hóa). Nhưng rồi cũng chính ở cái nơi được coi là nghèo nhất trong những huyện nghèo của cả nước ấy, sự hồi sinh của con người sau cơn bão AIDS lại vô cùng mạnh mẽ.

Điều kỳ diệu vẫn hiện hữu ở nơi tột cùng của sự đau thương, cùng cực. Cơ quan chức năng xã Tam Chung cho hay từ 2007 - 3/2013 bản Lát có 19 trẻ em được sinh ra từ bố hoặc mẹ nhiễm HIV (trong đó có 3 cặp vợ chồng cùng nhiễm), tại bản Poọng có 24 cháu sinh ra từ bố hoặc mẹ nhiễm HIV (có 3 cặp vợ chồng cùng nhiễm). Và niềm vui vô ngần “vớt vát” được trong bão AIDS là 100% số cháu đi xét nghiệm (1 trẻ chưa đi xét nghiệm) HIV cho kết quả âm tính.

Đáng mừng hơn khi ông Nguyễn Bá Hùng - Phó giám đốc Trung tâm y tế dự phòng huyện Mường Lát cho chúng tôi hay: “Đến nay có 150 trẻ em ở huyện nghèo biên giới Mường Lát (Thanh Hóa) may mắn thoát khỏi HIV/AIDS dù các em sinh ra trong hoàn cảnh có bố hoặc mẹ, hoặc cả bố và mẹ bị nhiễm HIV.” Ông Hùng chắc chắn với số liệu trên và khẳng định số trẻ này được sinh ra từ 2010 đến nay và các em đã được xét nghiệm HIV nhiều lần.

Những tín hiệu đáng mừng đang hiện hữu, sinh trưởng ngay giữa lòng bản Poọng, nơi bão AIDS đi qua. Ông Vi Văn Thu - Phó chủ tịch xã Tam Chung cho biết lớp học đã được xây ngay tại bản Poọng, xã cử giáo viên về tận bản. Trẻ nơi đây đã được đi học cái chữ thuận lợi hơn, bản Poọng đã có 2 học sinh THPT, 15 trẻ mầm non, 51 học sinh tiểu học và 14 học sinh THCS. Tín hiệu đáng mừng trên là kết quả đáng khen ngợi từ sự kết hợp hiệu quả của nhiều hoạt động tuyên truyền phòng chống ma túy, HIV/AIDS của cơ quan chức năng, sự thay đổi nhận thức của người dân Mường Lát.

Hoàng Dũng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.