Không có chuyện du di dịp Tết
Trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) đã huy động 100% quân số, tăng cường chốt trực trên những tuyến đường cửa ngõ Thủ đô, nhờ đó giao thông những ngày người dân rời Hà Nội về quê đón Tết cơ bản thông thoáng, đảm bảo việc đi lại của người dân.
Đơn vị đã chỉ đạo các Đội, trạm CSGT phối hợp với công an địa bàn cũng như các lực lượng cảnh sát khác tăng cường kiểm tra, xử lý đối với vi phạm nồng độ cồn, mũ bảo hiểm, dừng đỗ... trong suốt dịp Tết.
Nhiều người dân có tâm lý, trong dịp đầu năm, nhất là ngày Tết, CSGT sẽ nương nhẹ trong việc xử lý vi phạm, tránh để người dân "xui xẻo" vì bị phạt ngay ngày Tết. Tuy nhiên, theo Đại tá Dương Đức Hải, vẫn có người vi phạm giao thông cảm thấy ấm ức vì bị xử phạt giao thông, mà quên mất rằng vi phạm giao thông nếu không được ngăn chặn sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường như: va chạm, tai nạn giao thông.. Việc xử phạt vi phạm giao thông là để ngăn chặn hậu quả có thể xảy ra đó.
“Quan điểm phòng CSGT là việc xử phạt nghiêm cũng chính là để bảo vệ cho người dân. Do đó, không có chuyện lực lượng cảnh sát giao thông du di hay nương nhẹ, mà ở thời điểm nào cũng phải xử phạt nghiêm để bảo vệ người dân được an toàn đón Tết, vui Xuân...”, Đại tá Hải nhấn mạnh.
Năm 2021 đã qua, tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố giảm sâu trên cả 3 tiêu chí. Cụ thể, từ ngày 15/12/2020 đến 14/12/2021, trên địa bàn thành phố xảy ra 827 vụ tai nạn giao hông, làm 350 người chết, 547 người bị thương. So với năm 2020 giảm 197 vụ (tương đương 19,2%), giảm 97 người chết (21,7%) và giảm 117 người bị thương (17,6%).
Ghi nhận tại Trung tâm điều khiển đèn tín hiệu đèn giao thông thành phố vào sáng mồng 1 Tết Nhâm Dần (1/2), tình hình giao thông Thủ đô khá thông thoáng, lượng phương tiện cá nhân chủ yếu tập trung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm và các điểm vui chơi công cộng. Tuy nhiên, người dân rất chấp hành quy định tín hiệu đèn, không có hiện tượng lấn làn và ùn ứ tại khu vực đèn xanh, đèn đỏ và quanh các điểm vui chơi.
Trung tá Trương Song Thành, Đội trưởng Đội Chỉ huy và Điều khiển đèn tín hiệu, Phòng CSGT thông tin, hiện tại đã kết nối hơn 200 camera giám sát giao thông toàn thành phố với Trung tâm điều khiển đèn tín hiệu đèn giao thông. Đồng thời các thông tin vi phạm xử “phạt nguội” liên tục được cập nhật thường xuyên lên hệ thống tra cứu của Cục CSGT (Bộ Công an) có tên miền www.csgt.vn. Việc này giúp các chủ xe chủ động xem, biết lỗi vi phạm và nộp phạt.
Duy trì phạt nguội
Để bảo đảm tính công minh lực lượng CSGT tăng cường phối hợp với cơ quan đăng kiểm, gửi thông tin vi phạm của chủ xe đến cơ quan này buộc tài xế vi phạm phải nộp phạt mới được đăng kiểm. Người dân khi đến làm việc được trực tiếp xem lại vi phạm kèm theo ngày giờ cụ thể.
“Dịp Tết năm nay, ngoài việc xử phạt trực tiếp, lực lượng CSGT Hà Nội vẫn duy trì "phạt nguội" qua hình ảnh. “Với thời đại công nghệ 4.0, với các quy định hiện nay, "phạt nguội" đang ngày càng phát huy hiệu quả.
Thông qua hệ thống camera giám sát giao thông; từ hình ảnh người dân cung cấp... lực lượng cảnh sát giao thông sẽ xác minh, lập biên bản "phạt nguội". Việc này được triển khai thường xuyên, ngay cả trong dịp Tết.
Đối với các tài xế đã nhận được thông báo và biết bản thân vi phạm giao thông nhưng cố tình không đến xử lý đều bị cộng dồn và chuyển sang cơ quan đăng kiểm để phối hợp xử lý theo quy định...”, Trung tá Trương Song Thành cho biết.
Theo thống kê, trong năm 2021 Đội Chỉ huy và Điều khiển đèn tín hiệu, Phòng CSGT đã gửi 13.000 thông báo “phạt nguội”, trực tiếp xử lý 3593 trường hợp không chấp hành tín hiệu đèn giao thông, phạt 143 trường hợp xe “biển đỏ” và 103 trường hợp xe “biển xanh” công vụ vi phạm, phạt hơn 22,4 tỷ đồng nộp ngân sách nhà nước.
Phòng CSGT khuyến cáo, dịp Tết lưu lượng người tham gia giao thông luôn tăng, dịp Tết cũng là dịp đoàn viên, đón năm mới nên nhiều gia đình gặp gỡ ăn tiệc, có uống rượu bia.
Phòng CSGT mong muốn mọi người dân chấp hành nghiêm pháp luật trật tự an toàn giao thông, thực hiện nghiêm: đã uống rượu, bia – không lái xe; Không phóng nhanh, vượt ẩu; không chở quá số người quy định; đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi đi xe mô tô, xe máy, xe đạp điện và tuân thủ nguyên tắc 5K của Bộ Y tế.