Những gửi gắm của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhân dịp đầu xuân mới

GD&TĐ - Ngày 24/2, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã đến thăm, chúc Tết các cán bộ công chức cơ quan Bộ, Văn phòng Bộ và một số đơn vị trực thuộc.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận chúc Tết các cán bộ, công chức, viên chức Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận chúc Tết các cán bộ, công chức, viên chức Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
Những gửi gắm của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhân dịp đầu xuân mới ảnh 1Những gửi gắm của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhân dịp đầu xuân mới ảnh 2Những gửi gắm của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhân dịp đầu xuân mới ảnh 3Những gửi gắm của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhân dịp đầu xuân mới ảnh 4Những gửi gắm của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhân dịp đầu xuân mới ảnh 5Những gửi gắm của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhân dịp đầu xuân mới ảnh 6

Thực hiện các công việc quản lý bằng lòng tin, có sự kiểm tra, giám sát

Thay đổi tư duy, cách tiếp cận vấn đề là điều cốt yếu. Chỉ có đổi mới tư duy thì mới có sức mạnh, phát huy sức sáng tạo và có đóng góp cho quá trình phát triển chung.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận 

Đến thăm, chúc Tết Học viện Quản lý giáo dục, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận dẫn lời dạy của Bác Hồ: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”, đồng thời chân tình chia sẻ với tập thể cán bộ, giảng viên, nhân viên Học viện.

Bộ trưởng chia sẻ: "Đây là lời Bác dặn toàn Đảng, toàn dân, toàn Ngành, cho tất cả chúng ta - những người đã trưởng thành và có trọng trách trong gia đình và trong xã hội.

Tôi cũng muốn nhắc các đồng chí hai lời dạy của Bác - trong lá thư cuối cùng trước khi Bác mất - cho ngành Giáo dục mà chúng ta vẫn coi đó là di chúc riêng của Bác gửi cho Ngành. Bác dặn rằng: "Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy thật tốt, học thật tốt". 

Lời dạy thứ hai Bác dặn các cán bộ, Đảng viên: Đoàn kết là truyền thống của Đảng ta, mỗi cán bộ đảng viên từ trung ương đến chi bộ phải giữ gìn đoàn kết trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình.

Bác dặn đoàn kết không phải là vô nguyên tắc mà là trên tình đồng chí thương yêu nhau, phê bình và tự phê bình, có lý có tình. Tôi cũng tự nhắc mình và cùng các đồng chí ôn lại lời dạy của Bác. Nếu không đoàn kết thì gia đình cũng không phát triển được.

Đồng thời phải khiêm tốn học hỏi, tiếp thu nhưng phải chủ động sáng tạo, hết sức chú ý đến chất lượng".

Bộ trưởng phân tích: Bây giờ cấp tiểu học bỏ chấm điểm thường xuyên, thay vào đó là các lời nhận xét đánh giá. Điều này khiến giáo viên, phụ huynh, học sinh đều có "tâm tư".

Một số phụ huynh nói với tôi rằng, nếu thầy cô không cho bài tập về nhà thì thời gian đó trẻ con sẽ chơi máy tính, điện thoại, xem ti vi...

Tôi đã trả lời họ rằng: Chúng tôi dành thời gian để phụ huynh chơi và giao lưu với con. Cha mẹ cũng chính là những người làm giáo dục như các thầy cô, cùng nhau để dạy con cái - học sinh của mình thành người.

Tuy nhiên, không ai có thể thay thế vị trí, vai trò của người bố, người mẹ, kể cả những thầy giáo giỏi nhất thế giới cũng không thể thay thế được. Chính vì vậy, nhà trường không thay thế được gia đình.

Như trước đây, phụ huynh cứ chú tâm chọn trường tốt, cô tốt để gửi con và gần như giao phó hoàn toàn việc học hành của con cho nhà trường, cho thầy cô và kiểm soát kết quả học tập của con qua điểm số. Nếu điểm số chưa cao thì có khi cha mẹ lại trách móc lẫn nhau... Đây chính là thói quen chưa tốt, cần phải thay đổi

Như ông bà, cha mẹ dạy con cháu cũng không bao giờ cho điểm. Vậy, trong nhà trường, đâu nhất thiết cứ phải chấm điểm học sinh mới thành người? Vậy tại sao phòng GD&ĐT, Hiệu trưởng lại cần "chứng cứ" để biết các giáo viên dạy dỗ học sinh như thế nào?,

Như cha mẹ có nhiều con, mỗi con một thế mạnh và có ưu, nhược điểm khác nhau nên nhận xét, góp ý các con bằng những cách khác nhau để bổ khuyết những hạn chế và phát huy những mặt mạnh. Những lời nhận xét đâu cần "chứng cứ"!

Hiện triết lý của quản lý chưa dựa trên sự tin cậy mà đang dựa trên sự đối phó. Toàn bộ hệ thống quản lý đều đang đối phó: Giáo viên đối phó với hiệu trưởng, phụ huynh; Hiệu trưởng đối phó với trưởng Phòng GD&ĐT, rồi tình trạng này diễn ra ở các cấp cao hơn. Nếu cứ tiếp tục như vậy, chắc chắn không thể có đổi mới được.

Chính vì vậy, chúng ta cần thay đổi, không được thực hiện các công việc quản lý với tư tưởng đối phó mà phải thực hiện bằng lòng tin và có sự kiểm tra, giám sát".

Liên hệ đến tình hình hiện nay, Bộ trưởng cho rằng Học viện Quản lý Giáo dục cần tự đổi mới dựa trên sự quán triệt sâu sắc, đầy đủ, sau đó tham gia vào quá trình đào tạo lại đội ngũ thầy cô giáo, các cán bộ quản lý ở các cơ sở giáo dục, quản lý nhà nước về lĩnh vực giáo dục.

Gắn hoạt động của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam với công việc Bộ GD&ĐT đang quan tâm.

Đến chúc Tết Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Bộ trưởng mong mỏi Viện nhanh chóng tự đổi mới một cách sâu sắc, triệt để, tiếp cận đầy đủ, nhuần nhuyễn tinh thần Nghị quyết 29. Trên cơ sở đó, gắn hoạt động của Viện, gắn hoạt động của mỗi bộ phận, trung tâm, đơn vị với công việc Bộ GD&ĐT đang quan tâm.

Bộ trưởng nói rõ: Với phổ thông, Bộ GD&ĐT quan tâm đến 2 việc: Một là chương trình mới, Hai là tổ chức biên soạn chương trình, sách giáo khoa…

Với đại học, đó là tự chủ, tự chịu trách nhiệm, hội đồng trường, chất lượng kiểm định.

“Đó là những mối quan tâm lớn hiện nay mà Bộ GD&ĐT đang rất cần trí tuệ của toàn Ngành, toàn xã hội. Trong đó, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phải là một địa chỉ tin cậy” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng chúc báo Giáo dục và Thời đại phát triển bứt phá trong năm mới 

Cùng ngày, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đến thăm, chúc tết tập thể báo Giáo dục và Thời đại.

Gửi tới lãnh đạo, các cán bộ, viên chức, biên tập viên, phóng viên, cộng tác viên của Báo lời chúc tốt đẹp nhất trong năm mới, Bộ trưởng đồng thời cảm ơn báo Giáo dục và Thời đại vì những đóng góp quan trọng vào công việc chung của Ngành; vào việc truyền thông đến công luận, giúp xã hội hiểu rõ hơn những công việc ngành Giáo dục đang triển khai, phản ánh đúng bản chất, đúng xu thế phát triển của Ngành.

Bước sang năm mới 2015, Bộ trưởng gửi gắm niềm tin báo Giáo dục và Thời đại tiếp tục phát triển bứt phá, thể hiện tốt nhất tôn chỉ, mục đích, xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Ngành, nơi thể hiện tiếng nói của người dân đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

Không chỉ thế, Báo còn cần vươn lên, trở thành tờ báo của toàn xã hội, đứng ngang hàng với các tờ báo lớn trên thị trường báo chí cũng như trong lòng bạn đọc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thái Nguyên khai mạc Mùa du lịch năm 2024.

Thái Nguyên khai mạc năm du lịch 2024

GD&TĐ - Ngày 25/4, tại Khu du lịch Hồ Núi Cốc, UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức Khai mạc du lịch năm 2024 với chủ đề “Từ trải nghiệm tới trái tim”.