Những già làng tiêu biểu ở La Dêê

Những già làng tiêu biểu ở La Dêê

(GD&TĐ) - Ở xã La Dêê, huyện miền núi Nam Giang (Quảng Nam), từ trẻ đến già ai cũng biết trong thời chiến, già làng Chơ Răm Lăng và già làng  Blúp Dứ không chỉ là những người tiên phong cầm súng đánh giặc, mà còn là những người thầy đầu tiên dạy chữ cho đồng bào.

Già làng được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú

Vợ chồng già làng Chơ Răm Lăng bên bếp lửa ấm vùng biên giới
Vợ chồng già làng Chơ Răm Lăng bên bếp lửa ấm vùng biên giới

Trở về sau chiến tranh, trong cuộc sống thời bình, cả hai già làng là những người tích cực góp sức giữ yên bình, ấm no, hạnh phúc cho bà con dân bản, là những người có uy tín trong việc xây dựng quê hương. Hai ông được ví như những cây đại thụ che chở núi rừng, là niềm tự hào của bà con dân bản, là biểu tượng sống của lớp trẻ nơi núi rừng heo hút này.

Theo chân thiếu úy Kring Phương, Đội vận động quần chúng (Đồn biên phòng 657), chúng tôi đến thăm nhà già làng Blúp Dứ ở thôn Đắc ốc (xã La Dêê). Không riêng gì thiếu úy Kring Phương mà hầu hết tập thể cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng 657 mỗi khi nhắc đến già làng Blúp Dứ với lòng kính trọng và quý mến. Bởi vì, già làng Blúp Dứ không chỉ là người có uy tín nhất trong thôn, bản mà còn là nhân chứng sống về sự nghiệp giáo dục của đồng bào vùng biên.

Buổi trưa, trong ngôi nhà sàn vừa mới xây, còn thơm mùi gỗ mới, Blúp Dứ đang uống rượu Tà Vạt cùng hai ông bạn hàng xóm. Thấy có khách đến thăm, Blúp Dứ ái ngại, luôn miệng nói lời thông cảm rồi mang ra một cốc to mời nhà báo uống cùng. Ông bảo, trong thời gian qua, khách là nhà báo đến với ông nhiều lắm, nhưng ông không vui, bởi vì nhiều người phỏng vấn, chụp hình đủ thứ rồi viết thêm thắt nhiều quá làm ông cảm thấy xấu hổ với bà con.

Ông bảo với chúng tôi: “Bây chừ không nói chuyện công việc. Nhà báo uống Tà Vạt tôi mới lấy khi sáng xem có ngon không. Muốn biết về già này thì chiều tối trở lại đây, ta lại uống Tà Vạt rồi già kể chuyện cho nghe. Khi già kể chuyện thì phải có bà con làm chứng mới được”.

Đúng hẹn, chúng tôi quay lại nhà già làng Blúp Dứ. Ông quần áo chỉnh tề, mang theo một can nhựa 5 lít rượu Tà Vạt và bảo chúng tôi cùng đến nhà Trưởng Công an xã La Dêê. Trong nhà đang bày tiệc rượu Tà Vạt mừng Trưởng Công an xã vừa kết thúc chuyến tập huấn nghiệp vụ ở huyện Nam Giang mới về. Phải uống đến cốc rượu Tà Vạt thứ năm, nhắm với thịt chuột đãi khách quý, chúng tôi mới được già làng Blúp Dứ kể về chuyện đời của mình bằng chất giọng trầm ấm. 

Blúp Dứ sinh ra và lớn lên tại xã thôn Đắc Ốc, mẹ mất khi ông mới vừa chào đời 6 tháng. Lên 5 tuổi, cha cũng đột ngột qua đời, ông sống với chị họ. Năm 1966, ông được bộ đội dưới xuôi lên dạy cho cái chữ và giáo dục truyền thống yêu nước, đánh đuổi giặc ngoại xâm.

Hồi đó, vùng rừng núi La Dêê này là khu căn cứ cách mạng, bà con một lòng theo Bác Hồ chống Mỹ. Khác với nhiều đứa trẻ vùng cao khác, Blúp Dứ rất sáng dạ nên học cái chữ, rồi dạy lại cho bà con dân bản. Có lẽ ông là người đồng bào dân tộc thiểu số đầu tiên làm thầy giáo dạy chữ cho đồng bào nơi vùng biên giới này.

Ông nhớ lại: “Hồi đó việc dạy học khó khăn vô cùng, không có viết, vở, chúng tôi phải dùng nứa vót nhọn 1 đầu làm ngòi bút, lấy than củi và nhựa cây rừng làm mực, còn vở thì dùng ống nứa cán mỏng ra. Vừa dạy chữ, chúng tôi vừa tham gia tải đạn, lương thực phục vụ bộ đội đánh Mỹ. Trải qua không biết bao nhiêu mùa rẫy, lớp lớp học trò của chúng tôi đọc thông, viết thạo cái chữ, hiểu được chủ trương của cấp trên, dốc sức mình phục vụ chiến trường đánh giặc cứu nước. Lứa học trò ngày xưa ấy bây giờ thành tài, nhiều người là kỹ sư, bác sĩ, lãnh đạo chủ chốt ở huyện Nam Giang”.

Sau giải phóng, Blúp Dứ tiếp tục công việc dạy học cho đến năm 1991 thì nghỉ hưu, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Phát huy truyền thống hiếu học của gia đình, 4 người con của ông đều đỗ đạt thành tài, là tấm gương sáng để bà con dân bản học tập.

Là người có uy tín, ở tuổi 65,  Blúp Dứ được bầu làm già làng, có nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước đến với người dân. Bất cứ chuyện lớn, chuyện nhỏ gì xảy ra trong thôn, bản hễ có Blúp Dứ đứng ra giải quyết là ổn thỏa tất cả.

Nói về chuyện “Ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, Blúp Dứ khiêm tốn nói: “Ngày xưa già có “một chữ” cũng làm thầy. Bây giờ cái uy tín ấy vẫn còn nguyên giá trị, vậy nên được Bộ đội biên phòng động viên, già đứng ra gánh vác việc xã hội. Công việc của già làng không lương nhưng được cái là bà con tín nhiệm nên phải dốc sức hoàn thành nhiệm vụ”.

Việc làm không lương của Blúp Dứ nhiều lắm, chuyện to, chuyện nhỏ gì mọi người cũng đến nhờ ông phân xử. Nào là chuyện nghi ngờ bỏ bùa bỏ ngải hại người, chuyện tranh chấp nương rẫy cho đến mâu thuẫn vợ chồng.  Với uy tín của mình, ông còn giúp chính quyền vận động người dân sinh đẻ kế hoạch, tuyên truyền bà con không phá rừng làm rẫy, săn bắt động vật quý hiếm… từng bước xây dựng quê hương phát triển thanh bình.

Làm kinh tế giỏi, dân vận giỏi

d
Già làng Blúp Dứ trầm ngâm kể chuyện cho chúng tôi nghe về cuộc đời của ông

Không theo nghiệp văn như Blúp Dứ nhưng già làng Chơ Răm Lăng (1938, trú tại thôn Đắc Rế, xã La Dêê) cũng được bà con quý mến bởi những chiến công xuất sắc trong sự nghiệp cầm súng đánh giặc cứu nước. Bên bếp lửa ấm nồng đượm mùi gỗ thông, Chơ Răm Lăng kể cho chúng tôi nghe về chuyện binh nghiệp của mình với chất giọng sôi nổi, hào hứng.

Sinh năm 1938, năm lên 22 tuổi (năm 1960), ông cầm súng đánh giặc, biên chế vào lực lượng Bộ đội địa phương. Tham gia đánh hàng trăm trận trên khắp chiến trường Quảng Đà, người lính dân tộc Giẻ Triêng ngày ấy cùng đồng đội lập được nhiều chiến công xuất sắc. Đất nước yên tiến súng, ông về quê kinh qua nhiệm vụ Tư pháp xã, Hội cựu chiến binh, rồi bây giờ được tín nhiệm vào chức vụ già làng của thôn Đắc Rế.

Dù ở cương vị nào, Chơ Răm Lăng cũng phát huy truyền thống anh Bộ đội Cụ Hồ, là đầu tàu gương mẫu trong việc làm ăn phát triển kinh tế, giúp bà con dân bản thoát nghèo. Hỏi về chuyện gia đình, Chơ Răm Lăng cho biết ông có tới 8 người con, như vậy là quá nhiều so với quy định Nhà nước hiện hành. Được cái là các con của ông đều ngoan, chịu khó học tập, lao động nên đời sống kinh tế ngày càng phát triển.

Ở thôn Đắc Rế, Chơ Răm Lăng được bà con kính trọng bởi ở tuổi 75, ông vẫn hăng hái lao động sản xuất, thường xuyên hướng dẫn bà con cách làm chăn nuôi, trồng lúa nước, trồng rừng để phát triển kinh tế gia đình. Ông chính là người có công lớn trong việc vận động thành lập Câu lạc bộ không sinh con thứ 3 ở thôn Đắc Rế, xóa bỏ dần các hủ tục lạc hậu như: Tục thách nước, Tục ma chay tốn kém, các nghi lễ cúng ăn uống kéo dài… Bằng uy tín và cách thuyết phục có tình, có lý của mình Chơ Răm Lăng từng bước xóa bỏ tục lệ bắt phạt trai gái “Ăn cơm trước kẻng” trước khi cưới và chuyện xa lánh gia đình có trẻ con tử vong khi sinh nở.

Kể về những việc làm của già làng Chơ Răm Lăng, Chính trị viên Phó Đồn biên phòng 657 A Lăng Vứn phấn khởi nói: “Những năm qua, nhờ sự góp sức của già làng Chơ Răm Lăng mà 4 Câu lạc bộ không sinh con thứ 3 với khoảng 120 người đăng ký tham gia, là thành công lớn trong công tác vận động. Ban đầu cũng khó khăn lắm, bởi đa phần bà con xưa nay sinh đẻ không kế hoạch, theo quan niệm trời sinh voi sinh cỏ.

Vì vậy, già làng cùng Đồn biên phòng và cán bộ thôn phải đến từng nhà thuyết phục, giải thích, vận động. Không nản chí. Một lần không được thì đi lần hai, đi mãi, nói miết rồi cuối cùng bà con cũng nghe. Ban đầu chỉ có các cặp vợ chồng đăng ký, hiện nay nhiều thanh niên trong độ tuổi lập gia đình cũng tự nguyện tham gia. Gần 3 năm hoạt động, chỉ có mỗi trường hợp của Zơ Răm Thị Biếc ở thôn Đắc Rế (xã La Dêê) sinh con thứ ba.

Cuộc sống người dân trên dãy đất vùng biên giới đang còn nhiều gian khó, gian khổ, song với ý chí không khuất phục trước đói nghèo, lạc hậu. Những thế hệ đi trước như già làng Chơ Răm Lăng, già làng  Blúp Dứ… sẽ dẫn dắt thế hệ đi sau vươn lên bằng nghị lực của chính mình, xóa bỏ các tập tục lạc hậu tiếp thu văn hóa hiện đại, học hỏi những cách làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương mình.

Đại Thắng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Nguyễn Thị Thanh Vân, Trường THCS Nguyễn Chuyên Mỹ (An Lão, Hải Phòng) trong giờ dạy Khoa học tự nhiên.

Tiến triển trong dạy học môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, nhiều nhà trường khẳng định việc dạy học môn tích hợp, đặc biệt môn Khoa học tự nhiên đã có những tiến triển tích cực.