(GD&TĐ) - Với nhiều trẻ em ở đô thị, mùa hè chỉ đơn giản là quãng thời gian không phải đến trường và thỏa thích vui chơi. Nhưng ở nông thôn, nhất là những vùng còn nhiều khó khăn, mùa hè cũng chính là mùa mưu sinh đặt nặng trên vai các em.
Bé San Lua giúp mẹ cõng sắn.. |
Nắng tháng năm (Âm lịch) như đổ lửa, nhưng trên cánh đồng rộng của Thanh Tường (Thanh Chương, Nghệ An) vẫn có nhiều nhóm, mỗi nhóm 5, 6 trẻ em mang theo những túi lưới, những giỏ tre lần mò bắt cua. Nắng gắt, bùn, nước dưới chân cũng bỏng rát.
Em Nguyễn Thị Nga (học sinh Trường THCS Thanh Thịnh) cho biết: “Nhà em có 4 anh chị em, bố mất, mẹ lại đau yếu luôn. Chị gái đầu học dở lớp 9 thì phải bỏ học vào Nam kiếm sống. Em giờ lên lớp 8, để có tiền mua sách vở, đóng học phí cho năm học mới, tranh thủ những ngày hè, em cùng đám bạn ra đồng mò cua nhập cho lái buôn”.
Vừa vào hè, nhưng nhiều trẻ em ở Thanh Thịnh đã lên kế hoạch, chương trình mưu sinh trong thời gian hè cho bản thân. Những năm gần đây, cua đồng được giá nên các em lập thành từng nhóm đi mò cua. Bắt đầu là những cánh đồng gần nhà, quanh quẩn các xã lân cận, nhưng bắt mãi cũng hết, các em lại rủ nhau đạp xe hàng chục cây số sang các xã Thanh Tường, Thanh Văn, Thanh Hưng... để mò cua. Dụng cụ là chiếc giỏ tre buộc ngang hông, cái túi lưới và chiếc xe đạp cọc cạch.
Ở Thanh Hương (Thanh Chương) có nhiều vùng đồi, mùa này sim chín bạt ngàn, nhiều em từ sáng sớm đã đội thúng lên rừng hái sim. Mỗi thúng sim, đem ra chợ bán theo bát cũng kiếm được 40.000 đến 50.000 đồng. Nhưng để hái được ngần ấy sim, các em đã phải vất vả bám theo các sườn đồi, lách qua các bụi rậm, tay chân mỏi nhừ. Sim chín dễ bị dập nát nên phải hái từng quả một, nhẹ nhàng, cẩn thận. Khi hái lại phải chọn quả to, mập, ăn vào thấy ngọt thì mới dễ bán. Nên để hái được cả thúng sim phải mất cả ngày trời
Dọc đường Hồ Chí Minh, đoạn qua xã Nghĩa Lâm, Nghĩa Lộc (Nghĩa Đàn), chúng tôi gặp rất nhiều trẻ em độ 13, 14 tuổi chở từng bó củi khô sau xe đạp. Thì ra, tranh thủ những ngày nghỉ, các em vào rừng, vào những trang trại trồng cây keo nhặt nhạnh cành khô làm củi bán lấy tiền. Vào mùa thu hoạch keo nguyên liệu giấy, những cành nhỏ được chặt bỏ, các em lượm lặt bó thành từng bó, chở về phơi khô, đến phiên chợ bán lại đem đi bán. “Mỗi bó củi chỉ bán được 10.000 đến 12.000 đồng thôi. Giờ họ toàn dùng bếp ga, bếp điện từ nên củi khó bán lắm, chỉ bán cho nhà nào nấu rượu, tráng bánh” - em Võ Thị Duyên cho biết.
Nghỉ hè, việc bóc vỏ tôm thuê cho các xưởng chế biến hải sản chính là “nghề” của nhiều trẻ em vùng biển Quỳnh Lưu, Diễn Châu. Mỗi buổi bọc vỏ tôm, các em cũng kiếm được từ 10 đến 15 ngàn đồng tiền công.
Theo số liệu thống kê của Phòng Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em, Sở LĐ,TB & XH Nghệ An, hiện Nghệ An có gần 32.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gần 157.000 trẻ em đang sống trong các gia đình nghèo, cần được giúp đỡ… Biết đến bao giờ để những trẻ em nghèo có được những mùa hè theo đúng nghĩa?
Minh Thanh