Những đứa trẻ “chối bỏ bản thân”

GD&TĐ - Dù quan niệm về cái đẹp có thay đổi, cha mẹ nhất thiết nên dạy con hiểu đúng giá trị của “chân mỹ”. Trân trọng bản thân, bồi dưỡng vẻ đẹp nội tâm tốt hơn việc thay đổi ngoại hình bằng dao kéo.

Ảnh minh họa. Nguồn: IT
Ảnh minh họa. Nguồn: IT

Chìa khóa hạnh phúc hay sự chối bỏ bản thân?

Nhiều cha mẹ Hàn Quốc sẵn sàng đầu tư một khoản tiền lớn cho con đi cắt mí, phẫu thuật thẩm mĩ như một phần thưởng thi đỗ đại học. Họ tin rằng sau khi cắt mí mắt, đôi mắt sẽ to hơn và gương mặt sẽ ưa nhìn hơn, nhờ đó mà con trở nên tự tin, được yêu mến, hạnh phúc, thành công. Họ còn tin rằng, để có công việc tốt thì ngoại hình là một công cụ quan trọng.

Chỉnh trang nhan sắc ngay từ khi còn quá trẻ khiến nhiều người trẻ tự đánh mất đi chính bản thân, không dũng cảm chấp nhận mình trong mọi hoàn cảnh, chạy theo những vẻ đẹp lí tưởng hóa mà quên đi nét riêng. Vì mê phẫu thuật thẩm mĩ nên khuôn mặt biến dạng như vua nhạc pop Michael Jackson hay không ít trường hợp đã tự sát vì ca phẫu thuật làm đẹp bị thất bại cùng những cơn đau khủng khiếp…

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người thuỷ chung với vẻ “độc lạ” của mình và luôn tự tin với ngoại hình cha sinh mẹ đẻ. Chị Ngọc Thư, 45 tuổi sống ở TPHCM chia sẻ, hồi trẻ có nhiều người khuyên chị đi chỉnh sửa lại mũi vì cánh mũi to bè và rộng. Nhưng mẹ chị đã khuyên không có gì phải e ngại hay mất tự tin bởi cánh mũi to bè và rộng là đặc điểm phổ biến trên khuôn mặt của người Á Đông.

Cho đến bây giờ, chị vẫn sống vui, sống khỏe và thấy hạnh phúc với những đặc điểm bẩm sinh cùng công việc yêu thích và niềm tự hào người sở hữu chiếc mũi to sẽ giàu có, an nhàn.

Theo BS Nguyễn Thị Tuyết Mai, Bệnh viện Phụ sản An Thịnh, phần lớn mọi người tìm đến phẫu thuật thẩm mĩ là vì kém tự tin về ngoại hình của mình. Chiếc mũi lệch, mắt một mí, gương mặt hàm hô/móm, thân hình quá khổ… mọi khuyết điểm đều có thể cải thiện để mang lại sự tự tin.

Ngày nay, học sinh, sinh viên cũng đua nhau phẫu thuật thẩm mĩ, ham dao kéo để cải thiện nhan sắc. Rất nhiều người trẻ, dù cơ thể không hề khiếm khuyết nhưng vẫn chấp nhận những khoản chi phí vô cùng lớn, cùng những đau đớn thể xác và những rủi ro về sức khỏe để có được một cơ thể dung mạo lí tưởng. Họ đánh đổi quá nhiều để chạy theo một vẻ đẹp đại trà mà bỏ mất đi vẻ đẹp riêng của bản thân. Điều này dẫn đến thực trạng, giới trẻ quá xem trọng vẻ đẹp ngoại hình mà quên bồi dưỡng vẻ đẹp tâm hồn, tính cách.

BS Nguyễn Thị Tuyết Mai đưa ra lời khuyên với các bậc cha mẹ, phẫu thuật thẩm mĩ chỉ nên áp dụng khi cơ thể đã ổn định, dừng phát triển. Người phẫu thuật cần được giáo dục để luôn ý thức được vẻ đẹp vốn có của mình. Nếu cơ thể đang phát triển, việc chỉnh sửa có thể không phù hợp. Sau tuổi dậy thì, cơ thể phát triển hoàn thiện và người phẫu thuật đã ổn định tâm lý, có thể lại không thích can thiệp dao kéo.

Ảnh minh họa. Nguồn: IT.
Ảnh minh họa. Nguồn: IT.

“Cái nết đánh chết cái đẹp”

Xét trên một góc nhìn nào đó, phẫu thuật thẩm mĩ chính là mong ước hướng tới cái đẹp. Phẫu thuật thẩm mĩ được xem là chiếc cầu nối để hoàn thiện hình thể, còn đích đến chính là sự tự tin. Tuy nhiên, ngoại hình có thể quan trọng trong thời đại ngày nay nhưng không phải là yếu tốt có thể thay đổi cuộc sống sau này.

Người xưa có câu “Tâm sinh tướng”, ý nói một người có nội tâm đẹp, đời sống an yên tự tại sẽ tự khắc có vẻ đẹp tươi tắn toát ra thần thái bên ngoài. Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Bình, Trung tâm Giáo dục trẻ Hà Đông cho rằng, vẻ ngoài “nước sơn” đẹp giúp con người tự tin ban đầu nhưng khi tiếp cận và phát hiện ra “gỗ” bên trong mục nát thì chẳng ai muốn tiếp tục mối quan hệ này.

Một trong những cách giảm sự tập trung về vẻ bề ngoài chính là chú trọng cái nết bên trong. “Cái đẹp” thu hút được ánh mắt nhưng “cái nết” có thể chiếm trọn con tim. Chính cách cư xử, lời nói, tư duy mới làm bạn khác biệt và nổi bật so với người khác.

Bản thân trẻ khi còn nhỏ không có nhiều khái niệm đẹp và xấu nên hầu hết những cảm nhận về ngoại hình trong tâm trí trẻ đều được hiện thực hóa thông qua đánh giá của cha mẹ và người ngoài. Vì vậy, chị Đoàn Thanh Giang, Founder Viện Nha khoa thẩm mĩ Smile Beauty cho rằng, hơn cả tâm lý của con cái là tư tưởng của chính cha mẹ. Điều quan trọng nhất là cha mẹ cần cho con hiểu rõ rằng con phải biết hài lòng với bản thân, học cách yêu và chấp nhận con người mình.

Cha mẹ vừa khéo để trẻ sẽ không nghĩ bản thân đã hoàn hảo rồi nhưng luôn phải học cách yêu quý bản thân. Khi biết tôn trọng bản thân, trẻ phải học cách chấp nhận chính mình và nỗ lực để đạt được những điều bản thân mong ước. Về phía cha mẹ, chỉ có các bậc phụ huynh biết quan tâm đến con cái, để con lớn lên trong một môi trường lành mạnh và tràn đầy yêu thương mới có thể cùng con xây dựng một tương lai hạnh phúc.

Những đứa trẻ có vẻ ngoài chưa đẹp thường cảm thấy tự ti vì ngoại hình của mình. Trong quá trình lớn lên, mặc cảm này sẽ sâu dần hoặc vơi đi do tâm lý của trẻ thay đổi. Chính trong giai đoạn phát triển này, cha mẹ là người vô cùng quan trọng, có thể giúp định hướng tính cách cũng như nhận thức của trẻ sau này.

“Cha mẹ hãy dành thời gian thủ thỉ với con về “cái đẹp”, kể cho con nghe về ai đó có bề ngoài khiêm tốn nhưng lại học rất giỏi, luôn được mọi người yêu mến. Hãy định hướng cho con rằng cái đẹp nằm ở tính cách, tâm hồn và tri thức mới là cái đẹp lâu dài. Nhưng cũng không nên bỏ qua những nhược điểm bề ngoài của con. Hãy dạy con cách biến yếu điểm thành lợi thế, chăm chút bản thân mỗi ngày để trở nên đẹp hơn”, chị Đoàn Thanh Giang chia sẻ.

Biết làm đẹp dù với hình thức nào thì luôn là hành động đẹp. Tuy nhiên, nó phải phù hợp với hoàn cảnh của bản thân, phù hợp với lí tưởng thẩm mĩ và bối cảnh văn hóa của dân tộc. Thứ làm đẹp bền vững và không tốn phí đó chính là vẻ đẹp tâm hồn và trí tuệ.

“Bạn có thể đẹp dần lên từ bên trong bởi phụ nữ còn có cái gọi là thần khí và sự lạc quan khiến bạn không cần phải sửa chữa cho giống bất cứ cô gái nào khác. Tiêu chuẩn của cái đẹp nằm trong mắt những người yêu quý bạn. Vì vậy, cho dù bạn đẹp đến đâu người ghét bạn cũng chẳng yêu quý bạn đâu” - Chuyên gia giáo dục toàn cầu Tô Thụy Diễm Quyên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.