Những điều ít biết về nơi "nhiều người mong đến" ở Đồ Sơn

GD&TĐ - Ở Đồ Sơn (Hải Phòng) có một điểm mà khách du lịch khắp nơi mong một lần đến. Nơi ấy lưu giữ nhiều giá trị mà ít người tỏ tường...

Không gian bên ngoài biệt thự vua Bảo Đại. Ảnh: TG.
Không gian bên ngoài biệt thự vua Bảo Đại. Ảnh: TG.

Nơi đây lưu giữ nhiều giá trị lịch sử gắn liền với vị vua cuối cùng trong triều đại phong kiến ở Việt Nam.

Kiến trúc hoài cổ

Cùng với đền Bà Đế, cảng cá Ngọc Hải, chùa Hang, biệt thự vua Bảo Đại là điểm đến ưa thích của khách du lịch mỗi khi đặt chân tới quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng. Nơi đây là hành cung duy nhất của Triều đình nhà Nguyễn tại miền Bắc, nơi lưu giữ những nét kiến trúc độc đáo, hoài cổ theo thời gian.

Vua Bảo Đại đã sử dụng biệt thự này từ năm 1933 - 1954 để làm việc và nghỉ dưỡng cùng gia đình mỗi dịp ra Bắc trong thời gian ông làm hoàng đế Đại Nam và Quốc trưởng Quốc gia Việt Nam.

Năm 1955, miền Bắc được giải phóng, biệt thự Bảo Đại được giao cho Bộ Quốc phòng quản lý. Đến năm 1984, Bộ Quốc phòng bàn giao cho Công ty Cổ phần Khách sạn Du lịch Đồ Sơn quản lý. 

Qua thời gian dài xây dựng và bị chiến tranh tàn phá nên ngôi biệt thự xuống cấp. Năm 1999, công ty đã sửa chữa, phục chế lại toàn bộ khuôn viên ngôi biệt thự. Từ đó, biệt thự Bảo Đại trở nên diễm lệ như xưa và mở cửa đón khách du lịch tới tham quan, nghỉ dưỡng tại đây.

Điều đó giải thích vì sao dinh thự của một vị vua phong kiến nhưng kiến trúc, thiết kế lại hiện đại, độc đáo và khác biệt đến như vậy. Chính điều này thu hút khách du lịch đến với biệt thự vua Bảo Đại.

Toàn bộ khuôn viên của dinh thự rộng 3700 m2, diện tích sử dụng khoảng 1.000 m, cao 40 m so với mực nước biển. Kết cấu tổng thể biệt thự vua Bảo Đại bao gồm tòa tháp trung tâm hình bát giác, mô hình thiết kế kinh điển của đất nước Pháp thời bấy giờ, khu tiểu cảnh như đài phun nước, khoảng sân rộng và vườn cây xanh mướt quanh năm.

Toàn bộ công trình có tầm nhìn hướng ra biển và bán đảo Đồ Sơn. Với kiến trúc hiện đại, thơ mộng, vườn cây, bồn hoa xinh đẹp, sẽ đem đến sự ngỡ ngàng cho khách thăm khi chứng kiến không gian sống của một vị vua chúa phong kiến ngày xưa.

Tòa tháp chính được xây dựng tổ hợp nhiều chức năng gồm một tầng hầm và 2 tầng nổi. Tầng hầm có phòng bếp, phòng kho, phòng kỹ thuật, phòng cho gia nhân. Tầng 1 gồm có phòng khách, phòng làm việc, phòng ăn, phòng ngủ của vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương.

Tầng 2 là có 5 phòng ngủ, đây là phòng của các công chúa và hoàng tử, đồng thời có thêm một không gian nghỉ của Nguyễn Đệ - người thân cận của vua Bảo Đại trong suốt thời gian ông đăng cơ.

Không gian bên trong tòa tháp chính nổi bật lên là những họa tiết trạm khắc cầu kỳ, đồ sộ cùng những góc cạnh lục giác, ngũ giác khỏe khoắn. Các chi tiết như khung cửa, cửa chính dạng vòm chất liệu gỗ tạo điểm nhấn sinh động, kết hợp với các món đồ dùng cổ xưa được bày trí như giường, ghế, kệ đều gợi nên phong cách hoàng gia quý tộc. Nét đặc trưng cho không gian sống hoàng tộc là tông màu trầm trải thảm đỏ đồng nhất tạo nên vẻ rất huyền bí, quyền uy.

Đến với dinh thự vua Bảo Đại, du khách có thể được mặc triều phục của vua và hoàng hậu, và được ngồi trên ngai vàng chụp ảnh kỷ niệm. Đặc biệt là nghe người thuyết minh kể về lịch sử của vị vua với câu nói nổi tiếng: “Làm dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ”.

Không gian hoàng gia với cách trang trí độc đáo. Ảnh: ITN.
Không gian hoàng gia với cách trang trí độc đáo. Ảnh: ITN.

Điểm “check-in” lý tưởng

Dạo bộ cùng bạn bè một vòng quanh biệt thự vua Bảo Đại, chị Hà Thị Huyền (người Hải Dương) chia sẻ cảm xúc: Giữa bộn bề cuộc sống với guồng quay công việc, lo toan gia đình, những ngày cuối tuần được dạo bộ, thả mình vào không gian yên tĩnh, thoáng mát cùng hít hà không khí trong lành và thưởng ngoạn vẻ đẹp hoàng tộc tại biệt thự vua Bảo Đại thì không gì thú vị bằng.

Anh Nguyễn Hữu Cầu (huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng) đưa ra nhận định: Không phải đơn thuần mà Toàn quyền Đông Dương, rồi đến vua Bảo Đại chọn nơi đây là nơi thưởng ngoạn cuộc sống. Không gian biển cả mát mẻ, yên tĩnh, cảnh sắc hữu tình cùng con đường biển quanh co uốn lượn tạo nên cảm giác thư thái cho khách thăm. Vì thế, mỗi dịp cuối tuần, khi rời đơn vị về nhà, anh Cầu thường chở vợ con đến biệt thự vua Bảo Đại để nghỉ ngơi. 

“Mỗi điểm du lịch có những thú vị riêng, có nơi ồn ào, rộn rã nhưng có những nơi tĩnh lặng, bình an, trong lành. Đến biệt thự vua Bảo Đại không chỉ được tìm hiểu về giá trị lịch sử, về con người, cách sống, sinh hoạt của vị vua cuối cùng trong triều đại phong kiến ở Việt Nam mà còn được “sống chậm” với không gian tĩnh lặng, cuộc sống như có ý nghĩa hơn”, anh Cầu cho hay.

Còn với Phương Nhi - một bạn trẻ đến từ nội đô thành phố Hải Phòng thì những khúc uốn quanh co trên đường lên dinh thự Bảo Đại cho cô và chúng bạn những trải nghiệm thú vị. Cảnh sắc thiên nhiên hữu tình, hòa cùng những hàng cây xanh mướt, bức tường đá phong rêu là điểm “check-in” lý tưởng.

Biệt thự Bảo Đại (hay còn được gọi với cái tên Lầu Bảo Đại) tọa lạc tại đồi Vung, khu 2 Đồ Sơn (nay thuộc phường Vạn Hương), quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng.
Theo những ghi chép lịch sử còn lại, tòa nhà được xây dựng vào năm 1928 bởi chính quyền Đông Dương. Năm 1932, sau khi du học từ nước Pháp trở về, Hoàng đế Bảo Đại đã đến thăm nơi này và cảm thấy thích thú nên được Toàn quyền Đông Dương, Pafquiere tặng lại, đổi tên thành Lầu Bảo Đại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.