Những điều F0 cần làm khi chờ điều trị tại nhà

GD&TĐ - Trong thời gian chờ tới bệnh viện, F0 cần ghi lại ngày đầu tiên xuất hiện triệu chứng. Tự cách ly trong phòng riêng, mở cửa sổ để tăng thông gió. Luôn đeo khẩu trang.

Ngày thứ 5 đến 11 sau khi xuất hiện triệu chứng là thời điểm F0 dễ chuyển nặng.
Ngày thứ 5 đến 11 sau khi xuất hiện triệu chứng là thời điểm F0 dễ chuyển nặng.

Bảo đảm vệ sinh

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Chính phủ đã cho phép thí điểm rút ngắn thời gian điều trị F0. Đồng thời, áp dụng biện pháp giãn cách xã hội tại 19 tỉnh, thành bổ sung theo Chỉ thị 16.

Biện pháp này được đưa ra sau khi Việt Nam ghi nhận 2.472 ca mắc Covid-19 mới trong đêm ngày 17/7. Ngoài ra, một điểm mới trong cách ứng phó với dịch tại Việt Nam là thí điểm điều trị F0 tại nhà.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - chuyên gia dịch tễ, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM), khi phát hiện bản thân là F0 nhưng chưa được chuyển tới bệnh viện, điều trước tiên là cần bình tĩnh. Trong trường hợp tất cả thành viên trong gia đình đều là F0, sẽ không ai bị lây thêm.

Đa số người trẻ không thừa cân và không có bệnh nền sẽ sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, bệnh nhân có thể sốt hay đau họng.

Nếu có người chưa dương tính trong gia đình, đặc biệt là nhóm nguy cơ, cần tách họ khỏi F0. Chuyên gia này nhấn mạnh, yếu tố tâm lý và tinh thần là vô cùng quan trọng. Trong thời gian chờ ngành y tế, F0 cần bình tĩnh động viên và chăm sóc nhau.

Bên cạnh đó, F0 được khuyến cáo cần tuyệt đối thực hiện giữ khoảng cách trên 2m khi tiếp xúc với người nhà. Mang khẩu trang và tấm che giọt bắn trong lúc được tiếp tế.

Nếu trong phòng chỉ có một mình, F0 không cần thiết phải mang khẩu trang thường xuyên. Để tăng sức đề kháng nhằm giúp bệnh mau khỏi, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết, các F0 nên uống đủ nước, ngủ đủ giấc, ăn đủ chất và vận động tập thể dục điều độ. Đồng thời, bảo đảm vệ sinh trong ăn uống và sinh hoạt. Ăn sạch uống sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Lưu ý thời điểm dễ chuyển nặng

Trước tình trạng F0 tại TPHCM phải chờ nhập viện, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Nguyễn Hoài Nam cho biết, giai đoạn đầu do phải chuẩn bị cơ sở vật chất nên ngành y tế chưa có sự đồng bộ. Sở đã nhận thấy tình trạng này và có điều chỉnh. Sở Y tế TPHCM phân công Trung tâm Cấp cứu 115 vận chuyển F0 từ các khu cách ly lên Bệnh viện Dã chiến để trung tâm điều phối xe nhanh hơn.

Trong khi đó, theo nhóm 5F, với trường hợp nghi ngờ nhiễm Covid-19 hoặc là F0, cần gọi điện thoại cho bệnh viện gần nhà hoặc hotline để xin xét nghiệm, nhập viện. 5F là nhóm gồm các bác sĩ, nhà dịch tễ học, khoa học xã hội, dược sĩ và chuyên gia y tế công cộng.

Họ tập hợp các thông tin có bằng chứng khoa học về Covid-19. Một trong những thành viên của nhóm là TS Nguyễn Thu Anh - Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock Việt Nam.

Nhóm 5F lưu ý, một số bệnh nhân vẫn cảm thấy khỏe mạnh dù nồng độ oxy trong máu giảm nhiều. Ngày thứ 5 đến 11 sau khi xuất hiện triệu chứng là thời điểm dễ bị chuyển nặng nên cần theo dõi sát.

Trong thời gian chờ tới bệnh viện, F0 cần ghi lại ngày đầu tiên xuất hiện triệu chứng. Tự cách ly trong phòng riêng, mở cửa sổ để tăng thông gió. Luôn đeo khẩu trang.

Đồng thời, uống nhiều nước, uống oresol để bù nước. Tập thể dục nhẹ nhàng. Xem các chương trình giải trí, thư giãn. Nằm nghiêng hoặc nằm sấp nếu tư thế này giúp F0 cảm thấy dễ chịu.

Đo nhịp thở bằng cách đặt bàn tay lên ngực, thư giãn, thở đều và đếm số lần lồng ngực nhô lên trong 1 phút. Kiểm tra độ bão hòa oxy ít nhất 3 - 4 lần/ngày (bằng máy đo kẹp ngón tay, khi nghỉ ngơi).

Nếu sốt bằng hoặc trên 38,5 độ C, người bệnh cần uống Paracetamol. Lưu ý không uống thêm các thuốc cảm cúm khác có chứa paracetamol hoặc acetaminophen. Người có tiền sử dị ứng với Paracetamol hoặc đang bị viêm gan không nên dùng.

Nhóm 5F khuyến cáo, F0 cần đến bệnh viện cấp cứu ngay khi nhận thấy độ bão hòa oxy trong máu dưới 94% trong khi nhịp thở trên 24 lần/phút. Ngoài ra, một số biểu hiện khác bao gồm: Đau ngực, cảm giác thắt ngực; Khó thở khi vận động; Không thể nói đầy đủ câu; Bị lẫn lộn về thời gian và địa điểm; Da xanh, môi nhợt; Không tự đi, không tự cầm nắm, ăn uống được; Lạnh đầu ngón tay, ngón chân

Các chuyên gia của 5F khuyến cáo, cần cẩn trọng hơn với người cao tuổi, người có bệnh nền, phụ nữ mang thai, suy dinh dưỡng, béo phì, thiếu máu nặng, khuyết tật, sống một mình, rối loạn tâm thần.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Sau lưng ba

Truyện ngắn: Sau lưng ba

GD&TĐ - Ngồi sau lưng ba, tôi vui vẻ hát vu vơ mấy bài hát trên lớp cô giáo dạy. Ba tôi khen tôi hát hay, càng làm tôi hưng phấn rống cổ hát to hơn.