Ngày 29/11/2024, kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV đã biểu quyết thông qua Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC & CNCH) với tỷ lệ tán thành cao và sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2025.
Đây là văn kiện rất quan trọng, có tác động lớn đến đời sống Nhân dân và doanh nghiệp, gắn với đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhân dân.
Để người dân có thêm thông tin về Luật PCCC & CNCH, Báo Giáo dục và Thời đại đã phỏng vấn Thượng tá Nguyễn Văn Lộc - Phó trưởng phòng Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH Công an tỉnh Hà Tĩnh về một số nội dung của luật mới.
Xin Thượng tá cho biết Luật PCCC & CNCH có những điểm gì mới so với luật cũ?
Thượng tá Nguyễn Văn Lộc: Luật quy định về PCCC & CNCH; lực lượng, phương tiện, bảo đảm điều kiện hoạt động và quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan trong hoạt động PCCC & CNCH.
Luật PCCC & CNCH có 8 Chương, 55 Điều, trong đó có một số nội dung đáng chú ý sau:
Thứ nhất, bổ sung thêm một số hành vi bị cấm trong PCCC & CNCH.
Thứ hai, bổ sung điều kiện cơ bản đảm bảo an toàn phòng cháy đối với nhà ở và nhà ở kết hợp kinh doanh.
Thứ ba, bổ sung quy định cụ thể, đầy đủ hơn về trách nhiệm trong việc bảo đảm điều kiện an toàn khi sử dụng điện của các tổ chức, cá nhân đối với quản lý, kiểm tra việc lắp đặt, sử dụng điện an toàn tại cơ sở, hộ gia đình.
Thứ tư, đã bổ sung quy định cụ thể các hoạt động CNCH, cụ thể: Quy định về phạm vi hoạt động cứu nạn cứu hộ của lực lượng PCCC & CNCH; tổ chức CNCH; quyền, trách nhiệm của người chỉ huy CNCH; huy động lực lượng, phương tiện, tài sản tham gia CNCH; xây dựng, thực tập phương án CNCH của cơ quan công an; trách nhiệm CNCH; ưu tiên và bảo đảm quyền ưu tiên cho lực lượng, phương tiện tham gia CNCH.
Thứ năm, bổ sung quy định cụ thể về bồi dưỡng, chế độ, chính sách trong thời gian huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PPCCC & CNCH; tham gia chữa cháy, CNCH.
Thứ sáu, bổ sung quy định hoạt động khoa học công nghệ trong PCCC&CNCH; chính sách ưu đãi đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoa học công nghệ; hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về PCCC & CNCH; kiểm tra PCCC.
Thứ bảy, bổ sung quy định xử lý chuyển tiếp đối với công trình xây dựng đã đưa vào sử dụng mà không đảm bảo quy định về PCCC.
Luật PCCC cũ so với Luật PCCC & CNCH thì các thủ tục hành chính về công tác PCCC có điều gì thay đổi hay không?
Thượng tá Nguyễn Văn Lộc: Tại Kỳ họp thứ 8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo quán triệt Nghị quyết số 27-NQ/TW, chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm và Chủ tịch Quốc hội về thực hiện các giải pháp đổi mới trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, bảo đảm các quy định rõ ràng, thực chất, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện, không trùng lặp với nội dung đã được quy định trong các luật khác,..
Đặc biệt, triệt để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh dịch vụ PCCC (đã cắt giảm từ 37 thủ tục hành chính hiện hành xuống còn 10 thủ tục hành chính), giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp.
Không quy định trong Luật những nội dung về thủ tục hành chính, trình tự, hồ sơ mà giao Chính phủ, các Bộ quy định theo thẩm quyền để linh hoạt, kịp thời sửa đổi, bổ sung khi cần thiết, tạo thuận lợi cho việc phân cấp phù hợp với thực tiễn và đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính.
Luật PCCC & CNCH đã đưa nội dung CNCH vào 1 chương, Thượng tá có suy nghĩ như thế nào về việc này?
Thượng tá Nguyễn Văn Lộc: Hiện nay, trước diễn biến phức tạp, khó lường do biến đổi khí hậu gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa bão, lũ lụt, hỏa hạn do khô hạn… cùng các công trình, tòa nhà, phương tiện ngày càng được phát triển, khi xảy ra sự cố có thể dẫn tới những thảm họa nghiêm trọng. Trong các vụ cháy nổ, ngoài việc nhanh chóng dập tắt đám cháy, thì công tác CNCH đặc biệt quan trọng để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.
Trong khi đó, thì các hoạt động liên quan đến công tác CNCH đối với sự cố, tai nạn mới chỉ được quy định trong Nghị định 83/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Do đó, việc bổ sung theo hướng quy định cụ thể các hoạt động CNCH đối với những sự cố, tai nạn thông thường xảy ra trong đời sống hằng ngày tại Chương IV thể hiện tầm quan trọng và sự quan tâm của Quốc hội đối với công tác CNCH.
Các quy định này cũng bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân; tạo cơ sở pháp lý minh bạch trong việc xác định, phân định cụ thể những nhiệm vụ mà lực lượng chức năng được thực hiện.
Vừa qua xảy ra rất nhiều vụ cháy đối với loại hình nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, nhà ở cho thuê nhiều căn hộ,… trong nội dung luật mới có quy định cụ thể về PCCC&CNCH cho loại hình các nhà ở này không?
Thượng tá Nguyễn Văn Lộc: Thời gian qua, Chính phủ đã rất quan tâm và ban hành Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24/6/2024 về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh...
Đối với Luật PCCC & CNCH, đã bổ sung quy định cụ thể về điều kiện bảo đảm bảo an toàn phòng cháy đối với loại hình này. Ngoài ra, Luật PCCC & CNCH đã quy định rõ trách nhiệm của từng đối tượng trong hoạt động PCCC & CNCH, bao gồm: trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở; chủ phương tiện giao thông; người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, chủ phương tiện, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động xây dựng công trình; chủ hộ gia đình, cá nhân và các trường hợp cho thuê, mượn, ở nhờ nhà ở…
Đây là quy định nhằm nêu cao vai trò của từng đối tượng trong việc đảm bảo an toàn PCCC&CNCH, để hoạt động chỉ đạo, duy trì PCCC được thực chất và hiệu quả hơn, đồng thời cũng là cơ sở quan trọng để có thể xử lý, quy rõ trách nhiệm từng cá nhân, tổ chức khi cháy nổ xảy ra. Những quy định này rất phù hợp với bối cảnh hiện nay, có tính khả thi cao, góp phần nâng cao ý thức của người dân trong công tác PCCC&CNCH.
Xin Thượng tá cho biết, để áp dụng và đưa Luật PCCC & CNCH vào cuộc sống trong thời gian tới, cần phải có sự chuẩn bị những gì?
Thượng tá Nguyễn Văn Lộc: Luật PCCC & CNCH sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2025, tuy nhiên, để những quy định pháp luật này thực sự đi vào cuộc sống, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, các tổ chức và từng cá nhân trong xã hội. Một trong những yếu tố quan trọng nhất để đưa Luật PCCC&CNCH vào cuộc sống là nâng cao nhận thức của người dân.
Hiện nay, nhiều người vẫn chưa hiểu rõ tầm quan trọng của công tác PCCC & CNCH, thậm chí coi đây là trách nhiệm riêng của lực lượng chức năng. Điều này dẫn đến sự chủ quan trong việc thực hiện các biện pháp an toàn, từ việc sử dụng thiết bị điện đến việc bố trí lối thoát hiểm trong nhà ở hoặc cơ sở kinh doanh.
Để khắc phục vấn đề này, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua nhiều kênh khác nhau, từ báo chí, truyền hình đến mạng xã hội. Các chiến dịch truyền thông cần được thiết kế sáng tạo, gần gũi và dễ hiểu, nhằm truyền tải thông điệp đến từng tầng lớp nhân dân. Đồng thời, việc tổ chức các buổi tập huấn, diễn tập PCCC & CNCH tại các khu dân cư, trường học và doanh nghiệp cũng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng.
Thứ hai, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn PCCC. Đồng thời, đầu tư nâng cấp trang thiết bị, đào tạo nhân lực chuyên sâu cho lực lượng PCCC & CNCH là điều cần thiết để nâng cao khả năng ứng phó với các tình huống khẩn cấp.
Cuối cùng, cần phát huy vai trò của cộng đồng, doanh nghiệp thông qua việc xây dựng đội PCCC cơ sở, đầu tư hệ thống an toàn hiện đại và chủ động phòng ngừa rủi ro. Sự phối hợp đồng bộ giữa các bên sẽ đảm bảo Luật PCCC & CNCH đi vào đời sống một cách bền vững.
Để Luật PCCC & CNCH thực sự đi vào cuộc sống, cần sự tham gia đồng bộ từ các cấp chính quyền, các tổ chức, doanh nghiệp và từng cá nhân. Khi mỗi người dân đều ý thức được trách nhiệm của mình, thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng ngừa và phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, chúng ta sẽ xây dựng được một xã hội an toàn, giảm thiểu tối đa thiệt hại do cháy nổ và tai nạn gây ra.
Xin cảm ơn Thượng tá!