Thông tin về những dấu hiệu lâm sàng nào ở bệnh nhân Covid-19 được đánh giá là "có nguy cơ diễn biến nặng", theo bác sĩ Nguyễn Văn Thường - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang - cơ sở y tế điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Hà Nội, cho biết hầu hết người bệnh đang điều trị chỉ sốt nhẹ, ho, mệt mỏi, không bị viêm phổi và thường tự hồi phục sau khoảng một đến hai tuần.
Triệu chứng hay gặp là sốt, ho khan, mệt mỏi và đau cơ hoặc đau họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau đầu, ho có đờm, nôn và tiêu chảy. Một số trường hợp có biểu hiện rối loạn khứu giác hoặc tê lưỡi, tỷ lệ ít hơn.
Tuy nhiên, vẫn có 15-20% các trường hợp tiến triển dần nặng lên. Diễn tiến bệnh tùy theo cơ địa của mỗi người. Bệnh thường tiến triển nặng vào tuần thứ hai kể từ khi phát bệnh.
Các biểu hiện nặng bao gồm thở nhanh, cảm giác khó thở, đau tức ngực, tím tái, viêm phổi, viêm phổi nặng... cần báo ngay cho nhân viên y tế để được xử trí kịp thời. Đặc biệt, những F0 mắc bệnh nền, cơ địa béo phì, người trên 65 tuổi... cần chú ý hơn khi sức khỏe có bất thường.
Về vấn đề này, thông tin trên báo chí, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bác sĩ chuyên điều trị cho bệnh nhân Covid-19 cho biết, nếu như chúng ta có thể phát hiện rất sớm được các dấu hiệu có nguy cơ tăng nặng và can thiệp thì hiệu quả điều trị sẽ tốt.
Tuy nhiên, các dấu hiệu này nằm ở các rối loạn thể hiện trên các xét nghiệm. Khi phát hiện bất thường từ các kết quả xét nghiệm, chúng ta can thiệp ngay thì sẽ hiệu quả tốt và giảm thiểu được rất nhiều các ca bệnh nặng và tử vong.
Còn nếu như chúng ta không thể phát hiện ở giai đoạn đó (trên các xét nghiệm) để sang giai đoạn có triệu chứng lâm sàng nặng thì can thiệp lại ít hiệu quả hơn.
Các dấu hiệu lâm sàng cho thấy bệnh Covid-19 đang diễn biến nặng hơn như: Bệnh nhân mệt lả đi, giảm khả năng vận động so với trước, bệnh nhân có thể cảm thấy tức ngực, có dải bó thắt trong ngực, khó thở... Nặng hơn nữa là bệnh nhân bị tụt SPO2, khó thở, nhịp thở nhanh...
Đây là các dấu hiệu cho thấy bệnh nhân đang có diễn biến nặng lên và cần được can thiệp y tế khẩn cấp.
Còn theo TS Nguyễn Hồng Vũ - Viện Nghiên cứu ung thư City of Hope (California, Mỹ), Cố vấn khoa học Ruy Băng Tím, tỉ lệ người bệnh bị trở nặng tỉ lệ thuận với độ tuổi, tăng nguy cơ ở người có bệnh nền (đái tháo đường, bệnh thận, bệnh phổi, bệnh ung thư…). Nam giới bị nặng nhiều hơn nữ.
Khi bệnh trở nặng, bệnh nhân Covid-19 rất cần sự hỗ trợ của nhân viên y tế và các thiết bị hỗ trợ chuyên nghiệp như máy trợ thở, máy lọc máu, thuốc đặc trị…
Ở từng giai đoạn dịch, dựa vào số lượng người nhiễm, khả năng của hệ thống y tế và ý thức cộng đồng, chúng ta cần linh hoạt trong việc điều trị để đạt được hiệu quả cao, an toàn nhất. Điều rất quan trọng là người dân cần thực hiện có trách nhiệm các quy định của Chính phủ, để đảm bảo lợi ích cho bản thân, gia đình và xã hội.
Theo TS Nguyễn Hồng Vũ khuyến cáo khi các bệnh nhân Covid-19 gặp phải các triệu chứng cảnh báo nguy hiểm và cần đi cấp cứu ngay như:
- Cảm thấy rất khó thở.
- Đau dai dẳng hoặc cảm giác có áp lực trong lồng ngực.
- Không thể tỉnh táo.
- Da, môi hoặc móng tay màu nhợt nhạt, mất sức sống.
Quyết định hướng dẫn tạm thời về quản lý người nhiễm Covid-19 tại nhà do Bộ Y tế ban hành mới đây nêu rõ danh mục 20 bệnh nền có nguy cơ gia tăng mức độ nặng khi mắc bệnh Covid-19 mà các bác sĩ và người dân cần chú ý.
Đó là các bệnh: đái tháo đường; bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và các bệnh phổi khác; ung thư (đặc biệt là các khối u ác tính về huyết học, ung thư phổi và bệnh ung thư di căn khác); bệnh thận mạn tính; ghép tạng hoặc cấy ghép tế bào gốc tạo máu; béo phì, thừa cân; bệnh tim mạch (suy tim, bệnh động mạch vành hoặc bệnh cơ tim);
Bệnh lý mạch máu não; hội chứng Down; HIV/AIDS; bệnh lý thần kinh (bao gồm cả chứng sa sút trí tuệ); bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh thalassemia, bệnh huyết học mạn tính khác; hen phế quản; tăng huyết áp; thiếu hụt miễn dịch; bệnh gan; rối loạn do sử dụng chất gây nghiện; bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc corticosteroid hoặc các thuốc ức chế miễn dịch khác; các bệnh hệ thống và các bệnh lý khác đối với trẻ em là: tăng áp phổi nguyên hoặc thứ phát, bệnh tim bẩm sinh, rối loạn chuyển hóa di truyền bẩm sinh, rối loạn nội tiết bẩm sinh.