Những "đại kỵ" khi ăn bắp cải

GD&TĐ - Các chuyên gia chỉ ra rằng, trong bắp cải có chứa nhiều chất dinh dưỡng rất tốt cho sức khỏe con người, tuy nhiên, không phải ai ăn cũng tốt, một số đối tượng "đại kỵ" khi ăn loại thực phẩm này.

Những "đại kỵ" khi ăn bắp cải

Lợi ích tuyệt vời của bắp cải

Bắp cải hay cải bắp là một loại rau chủ lực trong họ Cải, được trồng trong vụ đông xuân ở các tỉnh phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Cải bắp có thành phần hóa học trong 100g chứa: lipid 0,8g, chất xơ 1,7g, dẫn xuất phi protein 4,9g, khoáng toàn phần 2,4g.

Theo các chuyên gia, về mặt dinh dưỡng, trong 100g cải bắp cung cấp cho cơ thể 50calo, nhiều muối khoáng, nhất là canxi, photpho, kali, sắt. Vitamin C có nhiều trong bắp cải, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, lượng vitamin C trong bắp cải chỉ thua cà chua, nhưng nhiều gấp 4,5 lần so với cà rốt, 3,6 lần so với khoai tây, hành tây.

Trong bắp cải, vitamin C kết hợp sẵn với vitamin P thành phức hợp PC và vitamin C được vitamin P bảo vệ khỏi bị oxy hóa để cho giá trị sinh học cao hơn thuốc vitamin C.

Những "đại kỵ" khi ăn bắp cải  ảnh 1

Bắp cải có rất nhiều tác dụng trong việc phòng và chữa bệnh như chống béo phì, hạ cholesterol máu, giảm nguy cơ vữa xơ mạch máu,...

Các chuyên gia cho rằng, trước bữa ăn nên cho người thừa cân béo phì ăn một ít bắp cải luộc hay nộm bắp cải sẽ có hiệu quả giảm đói vì bắp cải chỉ có 29kcalo/100g ăn được. Khi nạp bắp cải vào cơ thể người, bắp cải ngăn quá trình chuyển gluxit thành chất béo có tác dụng chống béo phì hiệu quả.

Bắp cải rất có lợi cho bệnh tim mạch. Trong bắp cải có tỷ lệ chất cellulose cao, đặc biệt trong bắp cải đỏ có tới 4g/100g nên có tác dụng hạ cholesterol máu, giảm nguy cơ vữa xơ mạch máu.

Ngoài ra, hàm lượng kali trong bắp cải cũng cao nên có tác dụng tăng cường tuần hoàn máu điều hòa chức năng tim.

Bên cạnh đó, bắp cải cũng được coi là một thực phẩm có ích trong việc giảm tỷ lệ ung thư vú. Những nghiên cứu khoa học mới đây của các nhà khoa học thuộc trường đại học Michigan (Mỹ) đã kết luận rằng những phụ nữ ăn 4-5 bữa bắp cải/tuần sẽ giảm được 74% nguy cơ mắc chứng bệnh ung thư vú. Vì trong bắp cải có một nhóm hoạt chất indol. Qua thực nghiệm cho thấy chất này làm giảm tỷ lệ ung thư vú.

Những "đại kỵ" khi ăn bắp cải

Theo các chuyên gia, bên trong bắp cải có chứa một lượng nhỏ goitrin, chất này có tác dụng chống oxy hóa nhưng lại có thể gây ra bệnh bướu cổ.

Do đó, trường hợp người bị rối loạn tuyến giáp hoặc bướu cổ không nên ăn bắp cải vì nếu không sẽ làm tuyến giáp hoặc bướu cổ phù to ra. Nếu muốn ăn, những đối tượng này cần lưu ý ăn bắp cải ở một lượng vừa phải, trước khi ăn nên cắt từng lá, ngâm rửa rồi thái nhỏ, để khoảng 10-15 phút rồi mới chế biến bởi khi đó, goitrin sẽ bị phân hủy hết.

Không chỉ người bị loạn tuyến giáp hoặc bướu cổ, các chuyên gia cũng nhận định, người bị đau dạ dày không nên ăn quá nhiều bắp cải.

Theo các chuyên gia, bắp cải là loại rau có chứa nhiều chất xơ nên có lợi cho sức khoẻ. Nhưng khi ăn quá nhiều bắp cải sống dễ làm sinh ra nhiều khí gây ra bệnh đầy bụng.

Do đó, các chuyên gia khuyên rằng, người bị đau dạ dày không nên ăn rau bắp cải sống, gỏi bắp cải, cần nấu chín bắp cải trước khi ăn để bảo vệ sức khoẻ.

Người suy thận cũng được các chuyên gia cảnh báo không nên ăn nhiều bắp cải. Đặc biệt những người bị suy thận nặng phải chạy thận nhân tạo cũng không nên dùng bắp cải.

Các chuyên gia lưu ý, đối với người táo bón, tiểu ít thì không nên ăn bắp cải sống hoặc dưa bắp cải muối mà phải nấu chín.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ