Những chỉ đạo “nóng” trong tuần về vắc xin phòng, chống dịch COVID-19

GD&TĐ - Mua vắc xin phòng COVID-19 là trường hợp cấp bách, phải thực hiện ngay; Chính phủ ban hành Nghị quyết về mua vắc xin; Quyết định sử dụng 12.100 tỷ đồng từ ngân sách mua vắc xin...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đó là những chỉ đạo "nóng" trong tuần từ 17-21/5/2021 từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến vắc xin COVID-19.

Mua vắc xin phòng COVID-19 là trường hợp cấp bách, phải thực hiện ngay

Tại Thông báo kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 17/5 về việc mua vắc xin phòng COVID-19, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận: Việc mua vắc xin phòng COVID-19 là cần thiết, cấp bách theo đúng kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư tại Công văn số 50-CV/TW ngày 19/2/2021 và của Chính phủ tại Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/2/2021.

Bộ Y tế chịu trách nhiệm về lựa chọn loại vắc xin phòng chống COVID-19.

Bộ Y tế và các bộ, ngành nêu cao tinh thần trách nhiệm vì sức khỏe nhân dân, sức khỏe cộng đồng, lợi ích của quốc gia, dân tộc, cùng cộng đồng trách nhiệm, thống nhất thực hiện các giải pháp để có vắc xin sớm nhất.

Đây là tình huống cấp bách, vì thế việc mua vắc xin phải được xử lý theo quy định của pháp luật về các trường hợp đặc biệt, cấp bách và phải được thực hiện ngay.

Chính phủ ban hành Nghị quyết về mua vắc xin COVID-19

Ngày 18/5/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về việc mua vắc xin phòng COVID-19.

Tại Nghị quyết này, Chính phủ giao Bộ Y tế khẩn trương tổ chức thực hiện mua vắc xin một cách nhanh nhất để có thể triển khai tiêm vắc xin trên diện rộng cho nhân dân.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đồng ý với phương án sử dụng nguồn kinh phí do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp nhận ủng hộ cho phòng, chống dịch COVID-19 để mua vắc xin phòng ngừa COVID-19.

Tại Thông báo số 110/TB-VPCP, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 yêu cầu cả hệ thống, đặc biệt là cơ quan chức năng ở địa phương phải luôn trong tình trạng “trực chiến”.

Khi phát hiện ca chỉ điểm là ra quân nhanh nhất, khoanh vùng, cách ly ngay lập tức, tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm nhanh nhất có thể.

Quyết định sử dụng 12.100 tỷ đồng từ ngân sách mua vắc xin COVID-19

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 1271/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sử dụng nguồn tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách Trung ương năm 2020.

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị sử dụng 12.100 tỷ đồng nguồn tiết kiệm chi năm 2020 để mua vắc xin phòng dịch COVID-19.

Theo Nghị quyết này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương triển khai thực hiện nhanh chóng, kịp thời việc mua sắm vắc xin phòng, chống dịch COVID-19, đảm bảo hiệu quả, an toàn cho người dân và toàn xã hội.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang lây lan mạnh ở nước ta, nguồn kinh phí này là nguồn lực rất quan trọng để thực hiện Chiến lược vắc xin của Việt Nam phòng chống dịch COVID-19 theo chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Bộ Y tế phân bổ vắc xin Covid-19 đợt 3

Bộ Y tế vừa có Quyết định số 2499/QĐ-BYT về việc phân bổ vắc xin phòng Covid-19 đợt 3.

Ngày 16/5, Việt Nam đã tiếp nhận thêm 1,682 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 của AstraZeneca qua chương trình Covax facility. Theo đó, Bộ Y tế sẽ phân bổ 688.000 liều vắc xin cho miền Bắc; 203.000 liều cho miền Trung, 81.000 liều cho Tây Nguyên, 460.000 liều cho miền Nam.

Cụ thể, tại miền Bắc, Bộ Y tế phân bổ 688.000 liều vắc xin cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) của 28 tỉnh, thành phố; trong đó CDC Hà Nội tiếp nhận 71.000 liều vắc xin; CDC tỉnh Bắc Giang tiếp nhận 30.000 liều; CDC tỉnh Bắc Ninh là 28.000 liều; CDC tỉnh Hà Nam là 16.000 liều; CDC tỉnh Hải Dương là 58.000 liều...

Tại miền Trung, Bộ Y tế phân bổ 203.000 liều vắc xin cho CDC của 11 tỉnh, trong đó CDC tỉnh Thừa Thiên - Huế là 22.000 liều; CDC tỉnh Quảng Nam là 22.000 liều; CDC tỉnh Quảng Ngãi là 20.000 liều; CDC tỉnh Ninh Thuận là 18.000 liều.

Tại Tây Nguyên, Bộ Y tế phân bổ 81.000 liều vắc xin cho CDC 4 tỉnh: Kon Tum, Đắk Nông, Gia Lai, Đắk Lắk.

Tại miền Nam, Bộ Y tế phân bổ 460.000 liều vắc xin cho CDC của 31 tỉnh, thành phố, trong đó CDC thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận 70.000 liều; CDC tỉnh Đồng Tháp tiếp nhận 30.000 liều; CDC tỉnh An Giang là 26.000 liều...

Ngoài ra, đợt vắc xin lần này được phân bổ cho lực lượng công an 50.000 liều, lực lượng quân đội 89.000 liều, Viện Kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế 600 liều để kiểm định và lưu mẫu.

Cùng với đó, 48 bệnh viện, viện, trường đại học cũng được phân bổ vắc xin, như Bệnh viện Bạch Mai nhận 23.000 liều, Bệnh viện Nhi Trung ương 25.000 liều, Bệnh viện Chợ Rẫy (thành phố Hồ Chí Minh) 1.500 liều, Bệnh viện C Đà Nẵng 1.500 liều, Bệnh viện Thống Nhất 2.100 liều, Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh 300 liều, Bệnh viện K 800 liều...

Bộ Y tế yêu cầu, Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia - Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương thực hiện tiếp nhận, bảo quản, gửi mẫu kiểm định chất lượng và vận chuyển vắc xin tới Dự án Tiêm chủng mở rộng khu vực để phân bổ ngay tới các địa phương, đơn vị theo danh sách.

Các đơn vị được phân bổ triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 ngay sau khi tiếp nhận theo quy định.

Trường hợp các đơn vị không sử dụng hết vắc xin thì phối hợp với Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia - Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương hoặc Sở Y tế địa phương theo quy định để chủ động điều phối hoặc tổ chức tiêm chủng cho các đối tượng ưu tiên khác theo Nghị quyết số 21 của Chính phủ, bảo đảm sử dụng vắc xin hiệu quả.

Đối với các đối tượng đã tiêm mũi 1 thì triển khai tiêm mũi 2 sau 8-12 tuần kể từ ngày được tiêm mũi 1. Các đơn vị, địa phương tổ chức triển khai ngay khi nhận được vắc xin và hoàn thành trước ngày 15/8/2021.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Con trai Ronaldinho lọt tầm ngắm của MU.

Man United hỏi mua con trai Ronaldinho

GD&TĐ - Theo Mundo Deportivo, Man United có ý định hỏi mua Joao Mendes, khi Jim Ratcliffe rất ngưỡng mộ tài năng của sao trẻ người Brazil.