Những câu chuyện xúc động lần đầu được kể nơi đảo Hòn Chuối: “Thầy ơi, con đói quá...“

GD&TĐ - Nhìn lại 3 ước mơ ấp ủ bấy lâu nay, hành trình thay đổi tư duy của bà con trên đảo Hòn Chuối là giấc mơ tưởng chừng gian lao nay lại khiến thầy Phục tâm đắc nhất. Thầy như cánh chim lớn, dang rộng đôi cánh ôm lấy hết những ngây ngô, khờ dại của những đứa trẻ đáng thương trên hòn đảo xa xôi này.

Những câu chuyện xúc động lần đầu được kể nơi đảo Hòn Chuối: “Thầy ơi, con đói quá...“

Hai năm trước, chương trình WeChoice Awards lên sóng vinh danh 5 gương mặt Đại sứ truyền cảm hứng. Khi ấy, Thượng úy Trần Bình Phục cùng anh em chúng tôi "rẽ sóng" về đất liền xa xôi dù biển cả đe dọa đến tính mạng. Ánh sáng sân khấu với con người thường ngày chỉ quen với cuộc sống bình dị hiện lên thật hoành tráng, nhưng cũng thật choáng ngợp. 

"Tôi ở đảo đâu có nhiều người thế này, quanh đi quẩn lại là bọn trẻ con thôi, không bao giờ nghĩ mình sẽ đứng ở sân khấu trước hàng nghìn người để nhận giải thưởng. Sóng lớn không làm tôi choáng ngợp bằng khán phòng này" - thầy Phục phát biểu. 

Sau đêm Gala WeChoice Awards 2016, thầy Phục quay về đảo Hòn Chuối cùng lớp học 0 đồng nằm giữa biển khơi. Chúng tôi từng nói với nhau, chuyện của thầy giáo Phục là cả một hành trình truyền cảm hứng, nghĩa là giá trị cốt lõi của nó đi từ quá khứ sang hiện tại và sẽ kéo dài tới cả tương lai.

Rồi 2 năm sau, thầy Phục tiếp tục vượt biển 2 ngày 2 đêm, từ đảo Hòn Chuối nơi địa đầu Tổ Quốc ra Thủ đô Hà Nội mang theo những câu chuyện chưa bao giờ kể.

Gặp lại thầy Trần Bình Phục và những câu chuyện xúc động lần đầu được kể nơi đảo Hòn Chuối: Thầy ơi, con đói quá... - Ảnh 2.

Hành trình truyền cảm hứng WeChoice Awards 2018 đưa thầy Phục từ Cà Mau ra Hà Nội vào một ngày hè tháng 5 oi ả. Thầy vẫn thế, vẫn bộ quân phục màu xanh, vẫn chất giọng con người Trà Vinh đặc sệt mà thân tình.

"Tôi đã vượt hàng ngàn cây số từ ngoài biển vào đây vì muốn kể cho các bạn nghe một câu chuyện có thật, đã và đang diễn ra ở hòn đảo rất là đẹp mang tên Hòn Chuối. Đây là hòn đảo nằm cách đất liền 18 hải lý theo hướng Tây Tây Nam, hòn đảo rất nguyên sơ.

Lần đầu tiên tôi đặt chân ra đảo là sau cơn bão Linda 1997 khi sự tàn phá khủng khiếp đã làm cho tỉnh Cà Mau chết rất nhiều người. Tôi có dịp đi công tác, điều đầu tiên tôi bắt gặp trên hòn đảo đó là những đứa trẻ đen nhẻm, trần truồng và tất cả đều không biết chữ. Chúng tôi mở ra lớp học giúp các em, một trong những người thầy được giao nhiệm vụ dạy học khi ấy là tôi - Trần Bình Phục".

Gặp lại thầy Trần Bình Phục và những câu chuyện xúc động lần đầu được kể nơi đảo Hòn Chuối: Thầy ơi, con đói quá... - Ảnh 4.

Thầy Phục mở đầu câu chuyện bằng hình ảnh thô sơ về hòn đảo đã gắn bó hơn chục năm nay. Đảo Hòn Chuối có 54 hộ dân với gần 170 nhân khẩu. Tất cả đều là hộ nghèo, có gia đình 3 đời không biết chữ. Người dân ở đây sống bằng nghề câu nhỏ lẻ, cuộc sống của họ bấp bênh quanh năm suốt tháng gắn với con cá, con mực. "Ở đây, con người ta không phải đói ăn đói mặc là điều ghê gớm, mà theo tôi, đói tri thức mới là sự ghê gớm nhất".

Chính vì lẽ đó, thầy Phục cùng đồng đội quyết dựng một lớp học tình thương để dạy cho lũ trẻ con chữ. Nơi rừng núi hoang vu đều đặn mỗi ngày, thầy đi xuống gành đón học trò, đếm đủ số lượng rồi dắt các em leo lên 303 bậc thang. Lớp học được dựng tạm bằng mấy thanh gỗ và vài miếng tôn cũ. Ngày nắng thì nóng như đổ lửa, ngày mưa thầy trò phải dắt nhau chạy như chuột chạy đồng vì mưa dột.

Thầy nhớ lại: "Một mình tôi quản lý mấy chục đứa trẻ, nếu lớp sập xuống đè tôi chết thì không sao, nhưng mà mấy đứa nhỏ mình đâu quản lý hết nổi. Tôi cứ nơm nớp lo sợ. Bằng sự quyết tâm, tôi tìm mọi cách xây cho tụi nhỏ một ngôi trường".

Thế rồi, ròng rã suốt 1 năm trời, hàng trăm tấn vật liệu được chuyển từ đất liền ra chân đảo, rồi từ chân đảo vác lên núi. Trường được xây xong y như một ngôi nhà ấm áp vậy đó, thầy trò không còn sợ sập nữa cũng chẳng sợ cảnh trời mưa. Sau này nếu gom góp đủ tiền, thầy Phục sẽ xây thêm cho tụi nhỏ cái sân chơi. Vì bấy lâu nay, chúng chỉ biết chơi với mấy hòn đá thôi, chứ không biết trò chơi là gì.

Ngày đầu mở lớp, học trò chỉ lèo tèo có 4, 5 em, những đứa trẻ đều không biết đọc, biết viết. Mọi thứ đều không có, duy chỉ có tấm lòng của những người lính đồn biên phòng, và riêng tấm lòng của người thầy để dạy dỗ các em. Trong một thời gian tương đối dài, sĩ số cũng dao động, có lúc lên tới 30 em. Vì mỗi em một độ tuổi khác nhau, thầy Phục buộc phải ghép lớp, chia 2 đầu bảng để giảng dạy từng khối lớp. Nhiều lúc có người hỏi thầy soạn giáo án như nào, thầy cũng chỉ biết cười đáp "soạn đại". 

Gần 10 năm trên đảo Hòn Chuối, điều lớn nhất mà thầy Phục cảm thấy tâm đắc chính là làm thay đổi nhận thức, ý thức của bà con trên đảo. Rằng học tập là một việc quan trọng, chỉ có học mới thay đổi được cuộc đời con em họ. Người dân đơn giản nghĩ rằng, mỗi ngày con em họ chỉ cần đi câu vài con cá, thế là có cơm ăn, thế là xong. Còn việc học là một điều gì đó rất là xa, rất là lạ. Bởi thế việc vận động bà con để con em được đến lớp khó khăn vô cùng.

"Tôi nhớ có lần đến nhà một anh. Anh đó rất cổ hủ và không muốn cho con đi học. Anh bảo con ở nhà đi câu được vài chuyến mực là có tiền rồi. Thuyết phục mãi không được, biết anh thích uống rượu, tôi liền tìm cách mua vài lít rượu rủ anh cùng nhậu. Uống xong vài ly, tôi bắt đầu "khơi chuyện" rồi thuyết phục.

"Nhớ nha, anh hứa rồi nhé. Ngày mai phải cho con đi học đấy!". Đến ngày hôm sau, bé con được đến trường cùng lũ bạn".

Để gắn bó với các em, chỉ 2 chữ thôi, là Tình thương. Nhìn lũ nhỏ đen nhẻm, anh lại nhớ đến con mình, rồi chẳng nỡ lòng nào để chúng thất học. Khó đến mấy anh cũng quyết đi từng nhà, cố gắng thuyết phục người dân để các em được học lấy con chữ.

Gặp lại thầy Trần Bình Phục và những câu chuyện xúc động lần đầu được kể nơi đảo Hòn Chuối: Thầy ơi, con đói quá... - Ảnh 6.

"Thật tình mà nói thì tôi thấy vui và hạnh phúc nhất là khi nhìn thấy trên khuôn mặt của học trò những nụ cười. Trong những ánh mắt đó không còn nước mắt để chảy nữa, mà thay vào đó là những nụ cười.

Chắc có lẽ chỉ có bản thân tôi mới cảm nhận được trọn vẹn hạnh phúc đó. Và sau này dù tôi ở nơi đâu, mong rằng các bé vẫn luôn nhớ về tôi như tôi vẫn luôn nhớ về các bé". 

Câu chuyện ở đảo Hòn Chuối rất đẹp và rất dài. Thầy Phục hiện có 24 học trò thì mỗi đứa trẻ là một hoàn cảnh khác nhau, nhưng cùng tựu trung một điểm chung: Đều rất khó khăn. Nhưng cũng chính từ hoàn cảnh đó mà đến tận bây giờ, khi lớn lên một tí, nhận thức được một tí, các em được những người lính đồn biên phòng truyền nhiệt huyết. Từng đứa trẻ đen nhẻm ngày nào càng lúc thêm vững chãi về niềm tin, thêm cứng cỏi về suy nghĩ so với những đứa trẻ trong đất liền.

"Hai mươi mấy học trò của tôi là hai mươi mấy câu chuyện! Lắm lúc muốn bỏ cuộc nhiều lần chứ không phải một lần, rồi chính những đôi mắt của các em đã níu chân tôi lại. Hôm nay tôi sẽ kể cho các bạn nghe về học trò tôi".

Lớp học của thầy Phục có một cô bé tên Đậu Yến Nhi. Em bị nhiễm chất độc màu da cam. Lúc đầu mới sinh ra, em rất xinh xắn, nhưng dần dần cơ thể bị biến dạng. Nhi không làm chủ được hành vi của mình nữa, ngồi đâu thì xé quần áo đến đó, cũng không biết mình là ai. Người mẹ đã tính đem bé lên thành phố Hồ Chí Minh giao vào làng trẻ. Khi đó, anh trai của bé cương quyết không cho.

Gặp lại thầy Trần Bình Phục và những câu chuyện xúc động lần đầu được kể nơi đảo Hòn Chuối: Thầy ơi, con đói quá... - Ảnh 8.

Em Đậu Yến Nhi - Bé con đặc biệt trong lớp học của thầy Phục.

Vô tình một lần đi địa bàn thầy Phục có gặp gia đình bé Nhi, thầy mở lời: "Thôi chị cho cháu nó theo tôi học. Tôi tin là sẽ dạy cháu nó bớt "khùng" đi".

Ngày đầu dạy bé Nhi, thầy Phục vất vả vô cùng. Dạy cho các bạn bình thường đã khó rồi, giờ chuyển qua dạy bé khuyết tật lại càng khó hơn. Thầy vẫn kiên trì ngày này qua ngày kia, dạy cho bé hiểu biết cả về nhân cách lẫn lễ nghĩa với mọi người.

"Tôi thấy em có sự tiến bộ và từ đó tới bây giờ Nhi đã học được hết lớp 3, em biết đọc biết viết. Mọi người đều không tin rằng là tôi có thể dạy được cho em. Em không còn như trước nữa, em làm chủ hành vi.

Khi các bạn đặt chân lên đảo Hòn Chuối bắt gặp một cô bé có bộ dạng mắc hội chứng Down, các bạn nhìn là biết ngay, chính cô bé là người đầu tiên khoanh tay chào các bạn mặc dù người đó bé chưa bao giờ tiếp xúc.

Trong cuộc sống bất cứ đứa trẻ nào cũng có sự tiếp thu dù bé đó như thế nào đi chăng nữa. Chẳng qua là ta chưa tìm thấy biện pháp giúp bé tiếp thu mà thôi. Tôi tin rằng, đứa trẻ nào cũng như thế!" - thầy Phục tự hào kể lại.

Gặp lại thầy Trần Bình Phục và những câu chuyện xúc động lần đầu được kể nơi đảo Hòn Chuối: "Thầy ơi, con đói quá..." - Ảnh 9.
Gặp lại thầy Trần Bình Phục và những câu chuyện xúc động lần đầu được kể nơi đảo Hòn Chuối: "Thầy ơi, con đói quá..." - Ảnh 9.

Trên đảo, mỗi sáng sớm người dân thường hò nhau đi câu nhỏ lẻ, nhiều khi lũ nhỏ thức dậy không thấy cha mẹ đâu rồi. Các em bởi thế không nhận được sự chăm sóc tận tình. Một lần trên đường đi học về, em Nguyễn Anh Dũng thấy một con chó đang ăn một miếng mỡ. Em vội nhào vào giật miếng mỡ với con chó và bị cắn rách mặt. Khi đó, mọi người la lớn: "Bé Dũng bị chó cắn!".

Thầy Phục chạy ào về phía Dũng, "Sao con lại giành ăn với chó?".

Bé Dũng đã nói một câu rất rất ám ảnh với thầy Phục cho đến tận bây giờ: "Thầy ơi, con đói quá!"

"Tôi chỉ biết ôm bé mà chạy lên ngọn núi rất là cao, vượt qua ngọn núi đó để tới doanh trại để quân y khâu vá lại.

Chắc có lẽ khi nào phải chuyển công tác rời xa đảo Hòn Chuối này, cũng không biết phải nói sao về cảm xúc đó, buồn nhiều lắm. Dù cho bất cứ nơi đâu tôi vẫn nhớ cuộc đời mình đã gắn bó với đảo Hòn Chuối và đã làm được nhiều điều. Đáng sống lắm, rất là đáng sống".

Từ khi đứng lớp dưới cương vị một người thầy, thầy Phục đã giúp hơn 50 đứa trẻ biết mặt con chữ, trong đó 20 em đã được chuyển vào đất liền để tiếp tục công việc học tập. Ban đầu, nhiều em còn lo lắng, mà bản thân thầy Phục cũng bồn chồn. Nhưng thầy đặt hết niềm tin vào lũ học trò của mình, truyền cho các em ngoài nghị lực sống còn là kỹ năng để các em càng quyết tâm hơn.

Gặp lại thầy Trần Bình Phục và những câu chuyện xúc động lần đầu được kể nơi đảo Hòn Chuối: Thầy ơi, con đói quá... - Ảnh 10.

"Thế những tâm huyết thầy bỏ ra giúp các em có được con chữ, thầy mong nhận lại được điều gì?" - nhiều người từng đặt câu hỏi nghi vấn như thế dành cho anh Phục. 

Đáp lại tất cả, người lính đồn biên phòng giản dị trả lời: "Tôi đến với lũ trẻ không vì một chút ý đồ nào sâu xa. Nhìn các em có kết quả học tập đáng nể, không thua nhiều so với các bạn trong đất liền, tôi cảm thấy tự hào lắm. Ít ra những kiến thức tôi truyền đạt, các em đều tiếp thu tốt. Chính là sự sẻ chia trong cuộc sống dù lớn hay nhỏ cũng tạo nên điều kỳ diệu".

Thầy Phục ra thăm Thủ đô - mảnh đất xa xôi mà lũ nhỏ không biết nằm ở chỗ nào, thậm chí nhiều em còn chẳng rõ đất liền là gì. Cuộc đời chúng gắn với sông nước ở đảo Hòn Chuối là phần nhiều. 

Điều đầu tiên lũ nhỏ nhắn nhủ tới anh Phục khi hay tin thầy nghỉ dạy mấy ngày, ấy là: "Thầy ơi, chừng nào thầy về để tụi con đi học lại. Ở nhà buồn lắm, tụi con muốn đi học".

Gặp lại thầy Trần Bình Phục và những câu chuyện xúc động lần đầu được kể nơi đảo Hòn Chuối: Thầy ơi, con đói quá... - Ảnh 12.

Trước đây vì hiểu lầm trong một lần thầy Phục vào đất liền công tác, lũ nhỏ cứ đinh ninh thầy không quay về đảo nữa. Thế là, 4 - 5 em mượn điện thoại bố mẹ khóc bù lu bù loa: "Thầy bỏ tụi con! Thầy ơi, đừng bỏ tụi con". Lần trước, thầy Phục cũng định giao lớp cho anh cán bộ ngoài đơn vị nhưng các em một mực không chịu.

Chúng tôi "mượn" thầy Phục trong vài ngày để lắng nghe sâu hơn về những câu chuyện thầy chưa bao giờ kể. Cũng chính trên sân khấu của chương trình Hành trình truyền cảm hứng WeChoice Awards 2018, chúng tôi đã tặng lại thầy Phục một điều bất ngờ. 

Là những giây phút đặc biệt từ một cuộc điện thoại đặc biệt.

 - "Alo, con hãy tự giới thiệu về mình đi" - Chúng tôi kết nối từ Hà Nội về đảo Hòn Chuối.

- "Dạ con là Ngô Thúy Duy - học sinh lớp Hòn Chuối".

- "Mấy ngày rồi con không được gặp thầy?".

- "Cũng 2, 3 hôm rồi ạ. Con nhớ thầy, nhớ lớp".

- "Tại sao con thích đi học?".

- "Vì đi học có thầy, có bạn bè, với lại học có kiến thức sau này mình xây dựng sự nghiệp cho mình".

- "Thế con muốn nhắn gì với thầy không?"

- "Thầy ơi, ở Hà Nội có lạnh không ạ? Nếu mà lạnh, thầy nhớ mặc thêm áo ấm nha!".

Gặp lại thầy Trần Bình Phục và những câu chuyện xúc động lần đầu được kể nơi đảo Hòn Chuối: Thầy ơi, con đói quá... - Ảnh 13.

Cả khán phòng đồng loạt vỗ tay trước sự ngây ngô của em bé Thúy Duy. Thời điểm này Hòn Chuối đang có mưa nhưng Hà Nội lại vừa bước vào những ngày hè oi ả. Nhận tình cảm từ đảo xa của học trò, bất cứ ai cũng cảm thấy ghen tỵ với thầy Phục. Thứ tình cảm mà không phải ngày một ngày hai mà gây dựng được, đó là cả quá trình thầy trò cùng trèo đèo vượt núi lên lớp.

- "Thế Duy à, con có muốn vào đất liền để học tiếp không?

- "Dạ con cũng muốn lắm, nhưng con không thể rời xa đảo. Con không muốn rời xa bố mẹ, thầy và mấy bạn".

Dù bạn có hỏi bất kỳ đứa nhóc nào ở Hòn Chuối, chúng đều một mực từ chối vào đất liền. Đó là một "thế giới" không có thầy và những người bạn, lũ nhóc không thích điều này.

"Tâm tư tình cảm của các em đều không muốn rời xa đảo. Nhưng trong thời gian tới các em nhận thức được nhiều hơn, tôi sẽ nói cho các em biết lợi ích của việc học, tôi tin các em sẽ nghe lời tôi" - thầy Phục từ tốn giảng giải.

Gặp lại thầy Trần Bình Phục và những câu chuyện xúc động lần đầu được kể nơi đảo Hòn Chuối: Thầy ơi, con đói quá... - Ảnh 14.

Dù hiện nay các cấp lãnh đạo tạo mọi điều kiện để thượng úy Trần Bình Phụccó thể làm việc ở vị trí tốt hơn sau nhiều năm cống hiến, nhưng mỗi lần như thế thầy đều xin ở lại đảo. Thầy thương tụi nhỏ, mỗi lần đi là tụi nhỏ lại kéo lên lớp, đứa thì khóc đứa thì "thầy ơi đừng bỏ tụi con". Chính vì tình cảm của các em nên thầy cố xin được tiếp tục công tác tại đảo, một mặt thầy tự cảm thấy sự cống hiến của mình là chưa đủ.

Trong câu chuyện với chúng tôi, thầy Phục có tiết lộ mình có 3 ước mơ lớn, mà đến bây giờ gần như đều đã thành hiện thực.

1. Các em trên đảo Hòn Chuối có một ngôi trường khang trang.

2. Người dân sẽ thay đổi tư duy về con chữ, biết trân quý tri thức.

3. Các em học sinh sẽ được xích lại gần hơn với đất liền.

Nhìn lại 3 ước mơ đó, hành trình thay đổi tư duy của bà con trên đảo Hòn Chuối là giấc mơ tưởng chừng gian lao nay lại khiến thầy Phục tâm đắc nhất. Thầy như cánh chim lớn, dang rộng đôi cánh ôm lấy hết những ngây ngô, khờ dại của những đứa trẻ đáng thương trên hòn đảo xa xôi này.

Gặp lại thầy Trần Bình Phục và những câu chuyện xúc động lần đầu được kể nơi đảo Hòn Chuối: Thầy ơi, con đói quá... - Ảnh 15.

"Để đến khi buộc phải rời đảo, tôi cảm thấy an tâm hơn sau ngần ấy nỗ lực gieo con chữ nơi đảo xa! Niềm hạnh phúc nhất, chính là được làm thầy của lũ trẻ" - thầy giáo Trần Bình Phục.

Theo kenh 14

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.