Những câu chuyện đẹp, xúc động về thầy cô và mái trường

GD&TĐ - Mỗi tác phẩm tham gia cuộc thi viết 'Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường' 2024 mang một sắc thái tình cảm, kỷ niệm sâu sắc, dấu ấn riêng.

Nhà báo Triệu Ngọc Lâm, Tổng Biên tập Báo GD&TĐ, Phó Trưởng ban thường trực Ban tổ chức cuộc thi và ông Phạm Tiến Toàn, Phó Chánh văn phòng Bộ GD&ĐT trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho tác giả đoạt giải.
Nhà báo Triệu Ngọc Lâm, Tổng Biên tập Báo GD&TĐ, Phó Trưởng ban thường trực Ban tổ chức cuộc thi và ông Phạm Tiến Toàn, Phó Chánh văn phòng Bộ GD&ĐT trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho tác giả đoạt giải.

Cuộc đời mỗi giáo viên, học sinh hiện hữu trong đó luôn gắn với những xúc cảm cao đẹp của tình thầy trò và mái trường thân yêu.

Bản hòa ca của người thầy biệt phái

Cô Võ Thị Bê, giáo viên Trường THPT Vĩnh Định, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) là một trong hai tác giả giành giải Nhất tại cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” 2024 do Bộ GD&ĐT tổ chức và Báo GD&TĐ là đơn vị thường trực thực hiện. Nữ giáo viên bày tỏ, đây là món quà lớn, ý nghĩa nhất để tri ân đồng nghiệp và thầy cô.

Vượt qua hơn 85.000 bài dự thi, tác phẩm mang tên “Phím đàn trầm” của cô giáo Võ Thị Bê đã được vinh danh. Xúc động khi được xướng tên ở giải thưởng cao nhất, cô giáo Bê nghẹn ngào: Đây là lần thứ hai tôi tham gia cuộc thi và năm nay rất bất ngờ khi được giải Nhất.

Tác phẩm “Phím đàn trầm” tôi viết về những đồng nghiệp của tôi trong 3 năm qua đã thực hiện công tác biệt phái tăng cường bằng tinh thần trách nhiệm, tự nguyện và cống hiến hết mình cho sự nghiệp trồng người.

Chia sẻ về cơ duyên lựa chọn đề tài này, cô Bê cho biết: Mọi chuyện bắt đầu từ việc Trường THPT Vĩnh Định - nơi cô đang công tác có rất nhiều giáo viên phải thực hiện nhiệm vụ biệt phái, tăng cường.

nhung-cau-chuyen-dep-xuc-dong-ve-thay-co-va-mai-truong-1.jpg
Cô Võ Thị Bê - giáo viên Trường THPT Vĩnh Định.

Đây là một chủ trương đúng và trúng của ngành Giáo dục. Chính sự sẻ chia này đã giúp nhiều trường học giải quyết được tình trạng thiếu giáo viên, giúp các em học sinh yên tâm học tập.

“Dù việc rời nơi công tác, tạm thời đến trường khác làm việc trong điều kiện khó khăn hơn nhưng những đồng nghiệp của tôi đều ở tư thế người chủ động, làm đơn tình nguyện. Nơi môi trường xa lạ, các đồng nghiệp của tôi đã nỗ lực hòa nhập, nhiệt tình làm việc, thực hiện trọn vẹn sứ mệnh của một người thầy.

Tại mái trường đến tăng cường họ vẫn thường xuyên nâng cao chuyên môn, cải thiện chất lượng học tập cho học sinh, thực hiện các chương trình thiện nguyện vì học sinh thân yêu…” - cô Bê nói.

Để thực hiện đề tài đã chọn, nữ giáo viên phải tìm kiếm tư liệu từ đồng nghiệp, trực tiếp tìm gặp từng “nhân vật” biệt phái để lắng nghe những câu chuyện của họ và xâu chuỗi, lên ý tưởng cấu trúc thành 4 phần trong bài viết: Phần 1: Những thao thức hàng đêm; Phần 2: Khó khăn không ngủ yên; Phần 3: Có những bài ca không bao giờ quên; Phần 4: Một ngày làm thầy - Một đời cống hiến.

Dù khá khó khăn khi tìm kiếm tư liệu và hình ảnh để triển khai nội dung bài viết, nhưng cô Bê đã nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ các đồng nghiệp, hoàn thành việc ghi chép hành trình chuyển động của các giáo viên biệt phái.

Theo cô Bê, giáo viên biệt phái là một đề tài khá nóng hiện nay. Khi cô quyết định viết đề tài này, hiệu trưởng, các đồng nghiệp và các nhân vật được đề cập trong bài viết đều ủng hộ vì họ muốn cô nói lên tiếng lòng và tiếng nói tri ân cho sự cống hiến của những người thầy đang làm nhiệm vụ biệt phái ở các cơ sở giáo dục trên khắp mọi miền của Tổ quốc.

“Tôi cũng mong muốn qua bài viết của mình, ngành Giáo dục sẽ có những cách thức để tháo gỡ khó khăn về đội ngũ nhà giáo, tạo mọi điều kiện để nhà giáo yên tâm công tác lâu dài tại đơn vị sở tại của mình. Đây cũng là vấn đề vô cùng quan trọng của ngành hiện nay bởi vấn đề thừa, thiếu giáo viên ở các cơ sở đang rất nhiều.

Sự quan tâm và hỗ trợ từ các cấp lãnh đạo ngành Giáo dục cũng như các đồng nghiệp tại đơn vị mới là yếu tố quan trọng giúp giáo viên vượt qua những thách thức trong quá trình biệt phái và đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành”, cô giáo Bê trải lòng.

Người “kỹ sư tâm hồn” âm thầm cống hiến

“Trầm tích phù sa” của thầy giáo Nguyễn Bình An, giáo viên Trường THPT Châu Phong, xã Châu Phong (Tân Châu, An Giang) cũng chính là tác phẩm đồng giải Nhất. Thầy Nguyễn Bình An thật sự bất ngờ và hạnh phúc khi lần đầu tiên tham gia đã giành được giải cao của cuộc thi lớn và uy tín do Bộ GD&ĐT tổ chức. Tờ thông báo của Ban tổ chức mời đi nhận giải đã tạo ra cơ duyên giúp thầy An lần đầu tiên đến với Thủ đô Hà Nội.

nhung-cau-chuyen-dep-xuc-dong-ve-thay-co-va-mai-truong-2.jpg
Thầy Nguyễn Bình An - giáo viên Trường THPT Châu Phong.

“Tôi rất xúc động vì mình đoạt giải. Niềm vui giành được giải cao nhất không sánh bằng sự vui sướng trong lòng khi câu chuyện của tôi đã lay động được Ban tổ chức, Ban giám khảo. Những nhân vật của tôi đã được mọi người biết đến, thấu hiểu và trân trọng những đóng góp của họ cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo - nghề giáo cao quý…”, thầy Bình An bộc bạch.

Thầy Bình An cho biết, tác phẩm “Trầm tích phù sa” được thầy viết bằng niềm trăn trở về sự tận tụy của nhà giáo, bởi có người chọn nghề giáo để làm giàu nhưng có những người vì mục đích vun đắp và cống hiến.

“Họ không chỉ hoàn thành đầy đủ các nhiệm vụ được yêu cầu, mà còn làm hơn cả những gì được quy định. Bởi họ muốn nhìn thấy học sinh tiến bộ và nhà trường ngày càng phát triển. Đó là tấm gương nhà giáo rất đáng trân quý…” - thầy Bình An bộc bạch.

Tác giả của tác phẩm này cũng tiết lộ, viết về một người thầy (thầy giáo Lê Giang Đông, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Châu Phong - PV) sinh ra và lớn lên bên dòng sông Hậu, như những hạt phù sa thầm lặng bồi đắp cho ruộng vườn xanh tốt, người thầy ấy đang từng ngày thầm lặng cống hiến để giúp nhiều thế hệ học sinh tiến bộ, hoàn thiện những phẩm chất của người công dân mới và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.

Thầy Bình An đã khắc họa thành công chân dung một người cán bộ giáo dục tận tâm khi nhìn thấy rõ được từ thầy những cách quản lý khoa học và sáng tạo. Cũng qua hành trình lao động và cống hiến của mình cho ngành Giáo dục, chính người thầy ấy đã giúp tác giả thấm thía rằng mỗi cá nhân phải tự lực, tự trọng thì mới có thể đóng góp được cho sự phát triển giáo dục bền vững.

“Tôi viết bài khá nhanh bởi thực tiễn công tác đã cho tôi rất nhiều chất liệu và cảm xúc. Tôi thực sự cảm phục và trân trọng thầy Lê Giang Đông cũng như nhiều thầy, cô giáo khác trên mọi miền đất nước đang từng ngày thầm lặng cống hiến bằng tất cả tình thương và sự tận tụy của mình. Những người giáo viên ấy đôi khi phải chấp nhận có chút thiệt thòi nhưng những giá trị mà họ tạo ra vô cùng lớn lao, ý nghĩa…” - thầy Bình An xúc động nói.

Tri ân thầy, cô giáo và mái trường

Chia sẻ những điều cảm nhận, thầy giáo Bình An đã gửi lời cảm ơn Ban tổ chức cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” 2024 đã cho bản thân mình một cơ hội để bày tỏ và trải lòng.

Qua bài viết của mình, thầy Bình An rất mong các cấp lãnh đạo hãy quan tâm nhiều đến công tác chọn cán bộ quản lý trường học. Bởi những người quản lý giỏi sẽ tạo ra một động lực to lớn cho sự phát triển của nhà trường nói riêng và ngành Giáo dục nói chung.

nhung-cau-chuyen-dep-xuc-dong-ve-thay-co-va-mai-truong-4.jpg
Cô Võ Thị Bê (bên trái) và thầy Nguyễn Bình An - hai tác giả đồng giải Nhất chia sẻ với khán giả.

Thầy cũng cho rằng, một người quản lý giỏi luôn thực sự cần thiết trong mọi giai đoạn của ngành Giáo dục. Khi chúng ta có một giáo viên bộ môn giỏi, thì sẽ có học sinh tiến bộ. Nhưng khi có được người quản lý giỏi thì cả học sinh và giáo viên đều phát triển.

Cuộc thi “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” được tổ chức thường niên nhằm ghi nhận, tôn vinh những thầy giáo, cô giáo có việc làm, thành tích tốt đẹp, đóng góp tích cực cho công cuộc đổi mới giáo dục. Kết quả sau mỗi mùa trao giải đã ghi nhận và tôn vinh những cơ sở giáo dục có nhiều đổi mới, sáng tạo trong dạy và học; lan tỏa những tình cảm tốt đẹp của học sinh, sinh viên, phụ huynh học sinh đối với thầy cô và mái trường.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, bà Lê Thị Hương - Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị chia sẻ, ngành GD-ĐT Quảng Trị rất vinh dự và tự hào khi là địa phương có nhiều thầy cô đoạt giải cao tại cuộc thi này, đặc biệt là cô Võ Thị Bê, giáo viên Trường THPT Vĩnh Định. Các tác giả đã tham gia cuộc thi với sự tâm huyết, trách nhiệm cao, dành những niềm trăn trở, nghĩ suy về công cuộc phát triển của ngành Giáo dục Quảng Trị nói riêng và cả nước nói chung.

“Câu chuyện của các thầy, cô đã có sức lan tỏa rất lớn trong ngành Giáo dục. Cuộc thi là diễn đàn ý nghĩa để thầy cô trải nghiệm, chia sẻ các câu chuyện về giáo dục, cũng như là nơi để học sinh tích cực tham gia với những câu chuyện có sức lan tỏa. Tôi hy vọng, cuộc thi sẽ tiếp tục là môi trường tốt để các thầy cô cũng như học sinh có cơ hội thể hiện năng lực, viết nên những câu chuyện tình người, tình đời, tình nghề đầy xúc cảm…”, bà Lê Thị Hương bày tỏ.

Năm 2024, cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” được phát động, Ban tổ chức nhận bài dự thi từ tháng 9/2024. Sau 2 tháng phát động, cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình, tham gia của đông đảo tác giả trên cả nước và có nhiều tác phẩm chất lượng.

Ban tổ chức đã nhận được hơn 85.000 bài dự thi. Số lượng bài tham gia cho thấy cuộc thi đã có sức sống, lan tỏa mạnh mẽ trong các nhà trường, đồng thời cũng thể hiện sự quan tâm, ủng hộ của đông đảo độc giả, các tầng lớp nhân dân, khẳng định ý nghĩa của cuộc thi.

Theo nhà báo Triệu Ngọc Lâm, Tổng Biên tập Báo GD&TĐ, Phó Trưởng ban thường trực Ban tổ chức cuộc thi, năm nay, chất lượng các bài dự thi có sự thay đổi rõ rệt. Nhiều bài viết rất tâm huyết, để lại cảm xúc sâu sắc.

“Có nhiều câu chuyện đẹp, xúc động về tình cảm yêu thương, trách nhiệm, sự kiên trì, tận tâm, thấu hiểu, ứng xử sư phạm khéo léo của người thầy với học trò; giúp học trò chuyển hóa từ trạng thái chán thành thích học, từ tự ti chuyển thành tự tin, từ người luôn nghĩ mình thất bại đã thay đổi và gặt hái được thành công”.

Và còn rất nhiều những tấm gương, câu chuyện cảm động về thầy cô và mái trường được gửi gắm trong các tác phẩm. Đó là tâm tình, yêu thương lan tỏa và năng lượng tích cực mà cuộc thi mong muốn mang đến cho tất cả những ai đã và đang ngồi trên ghế nhà trường.

Đặc biệt, các bài dự thi viết về tập thể cũng xuất hiện nhiều. Đây vốn là chủ đề khó viết hay nhưng một số tác giả đã thành công với cách khai thác câu chuyện khéo léo trên nền chất liệu hiện thực và chất lượng.

Nội dung bài dự thi cũng gắn với những vấn đề thời sự, như biệt phái giáo viên, khó khăn do cơn bão Yagi… “Có thể thấy, hình ảnh thầy, cô giáo được nhìn từ góc nhìn đa chiều, đa diện, song dù ở góc độ nào, các tác phẩm dự thi đều là những hình ảnh đẹp, độc đáo về các thầy, cô giáo. Nhiều học sinh đã trở thành thầy, cô giáo và hiện trực tiếp giảng dạy cộng hưởng từ chính tình yêu người và trái tim tràn đầy nhiệt huyết, yêu nghề của thầy, cô giáo mình…” - nhà báo Triệu Ngọc Lâm chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ