Những ca mổ tim đặc biệt

Nhiều cháu bé vừa sinh ra đã phải đối mặt với các ca phẫu thuật phức tạp để giành lấy sự sống. Từng ngày qua đi là từng ngày các cháu phải gắn đời mình với bao thiết bị y khoa để giữ nhịp tim non thoi thóp, có thể dừng đập bất cứ lúc nào

Những ca mổ tim đặc biệt

Một trường hợp bị tim bẩm sinh phức tạp và cũng vô cùng đặc biệt được điều trị thành công tại Bệnh viện (BV) E Trung ương (Hà Nội) là con của sản phụ Đoàn Thị Thu Hiền (SN 1987, ngụ tỉnh Sơn La). Thai nhi được phát hiện bệnh khi chỉ mới 28 tuần tuổi. Qua siêu âm, các bác sĩ phát hiện tim bị dị tật rất nặng. Thời gian này thai nhi đang còn trong bụng mẹ nên vẫn sống “khỏe” nhờ máu của mẹ.

Vừa chào đời đã lên bàn mổ

Với trường hợp trên, bác sĩ Trần Đắc Đại, Trưởng Khoa Tim trẻ em, Trung tâm Tim mạch - BV E Trung ương, cho biết thai nhi được chẩn đoán mắc căn bệnh teo van động mạch phổi vách liên thất nguyên vẹn. Theo nguyên lý tuần hoàn máu, sau khi nuôi cơ thể, máu có màu đen và chảy về tĩnh mạch vào nhĩ phải, xuống thất phải rồi bơm lên động mạch phổi. Tại đây, phổi hấp thụ ôxy để làm sạch máu đen thành máu đỏ tiếp tục nuôi cơ thể. Trường hợp này, cháu bé bị teo van động mạch phổi vách liên thất sẽ khiến tuần hoàn máu từ nhĩ phải xuống thất phải bị tắc, không thể bơm sang phổi để lọc lấy máu sạch nuôi cơ thể.

“Trẻ sơ sinh mắc tim bẩm sinh dạng này nếu không được phát hiện sớm từ trong bụng mẹ để có sự chuẩn bị cấp cứu, can thiệp sẽ tử vong chỉ vài giờ sau khi sinh” - bác sĩ Đại nói. Với bệnh nặng như vậy, bệnh nhi được chẩn đoán có nguy cơ tử vong ngay tại phòng đỡ đẻ hoặc sẽ không an toàn khi chuyển từ BV sản sang BV có chuyên khoa tim mạch. Được theo dõi thai sản tại BV E Trung ương, đến khi thai nhi được 37 tuần tuổi, chị Thu Hiền chuyển dạ, các bác sĩ quyết định phẫu thuật ngay để tranh thủ từng phút, từng giây cứu cháu bé. Cùng lúc đó, các bác sĩ ở Trung tâm Tim mạch chuẩn bị sẵn một phòng mổ với đầy đủ trang thiết bị hiện đại nhất cùng một ê kíp y bác sĩ chuyên phẫu thuật tim đón cháu bé ngay từ phòng sinh của BV.

Nhung ca mo tim dac biet - Anh 1

Rất đông các cháu nhỏ mắc bệnh tim đang chờ khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương

Không cần lật lại hồ sơ, các bác sĩ nhớ như in trường hợp quá đặc biệt này. Cháu bé được sinh ra nặng 2,6 kg và lập tức được đưa sang phòng mổ tiếp tục can thiệp vào tim. Sau khoảng vài phút chào đời, ống động mạch nối từ tim sang phổi đóng lại, lượng ô xy trong cơ thể giảm, người cháu bé bắt đầu tím tái, xuất hiện tình trạng suy tim, phản xạ yếu… Các bác sĩ tranh thủ từng giây hồi sinh trái tim bé bỏng của cháu bé.

“Đây là một kỹ thuật thường quy trong điều trị tim bẩm sinh dạng này nhưng cái khó của ca bệnh chính là cháu bé chỉ vừa chào đời chưa đầy 1 giờ, mọi bộ phận cơ thể quá nhỏ. Vì vậy, ê kíp mổ không được để mắc bất kỳ sai sót nào dù là nhỏ nhất. Ca phẫu thuật kéo dài hơn 1 giờ, cả ê kíp bác sĩ căng thẳng, tỉ mẩn, nhẹ nhàng và khéo léo nong van tim bị teo, giữ nhĩ thất phải thông với động mạch, giúp máu lưu thông. Đây cũng là ca can thiệp tim của trẻ sơ sinh nhỏ tuổi nhất toàn quốc vào thời điểm cuối năm 2015. Ca phẫu thuật đã thành công” - một bác sĩ tham gia ca phẫu thuật kể lại.

Phẫu thuật 1.000 ca/tháng

Bệnh nhân Phan Trung Kiên ở huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình là một trong những bệnh nhi đặc biệt của Trung tâm Tim mạch, BV E Trung ương.

Bé Kiên là con một người lính đang làm nhiệm vụ ở Trường Sa. Tháng 12-2015, cháu được chuyển từ Quảng Bình ra BV E Trung ương. Thời điểm đó, bé Kiên được 26 ngày tuổi, nặng 3,2 kg với chẩn đoán bị đảo gốc động mạch. Với bệnh lý này buộc phải phẫu thuật sớm.

Anh Phan Dũng Sỹ (bố bé Kiên) chia sẻ sau khi được phẫu thuật, cháu phải nằm lồng kính điều trị hơn 3 tuần. Trong suốt thời gian đó, mỗi ngày hai vợ chồng anh có 15 phút được vào thăm con, thời gian còn lại cả hai cứ quẩn quanh ở khuôn viên bệnh viện, lòng nóng như lửa đốt. “Dù bệnh tình của con được bác sĩ cho biết khá phức tạp nhưng vợ chồng tôi vẫn tin rằng sức khỏe con trai sẽ ổn định. Nhìn con còn đỏ hỏn, bé xíu thấy thương đứt ruột và tôi thầm nhủ “con trai, cố lên, bố mẹ luôn bên con”. Hơn 1 tháng sau, con tôi được xuất viện khỏe mạnh, hồng hào. Đến giờ cháu đã hơn 7 tháng tuổi, nặng 7,4 kg. Vợ chồng tôi rất cảm kích các bác sĩ BV E, chính họ là người đã sinh ra cháu lần thứ hai” - anh Sỹ bày tỏ.

Bác sĩ Đỗ Anh Tiến, người trực tiếp phẫu thuật cho bé Kiên, cho biết đây là ca dị tật tim bẩm sinh phức tạp, nguy hiểm. “Tôi còn nhớ hôm phẫu thuật cho cháu là ngày nghỉ cuối tuần nhưng với bệnh nhi này, việc phẫu thuật không thể trì hoãn. Một kíp mổ cấp cứu được huy động trong sáng thứ bảy. Sau gần 3 giờ căng thẳng, ca phẫu thuật đã thành công” - bác sĩ Tiến nhớ lại.

Kể về những trường hợp đặc biệt này, PGS-TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc BV E Trung ương, cho biết trước đây rất nhiều trường hợp trẻ sau khi sinh chỉ vài giờ đã tử vong. Nguyên nhân là do không được chẩn đoán bệnh tim bẩm sinh trước khi sinh. Thậm chí có nhiều trường hợp tử vong còn bị đổ lỗi cho tai biến sản khoa. Theo thống kê của ngành y tế, cứ 1.000 trẻ được sinh ra thì có ít nhất 8 - 10 trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh. Chỉ tính riêng tại Trung tâm Tim mạch, BV E, trung bình mỗi tháng phải điều trị, phẫu thuật cho hơn 1.000 trường hợp mắc bệnh tim các loại, trong đó có tới 60%-65% là bệnh tim bẩm sinh.

Tầm soát trước, trong và sau khi sinh

PGS-TS Lê Ngọc Thành khuyến cáo sản phụ và thai nhi cần được theo dõi, chẩn đoán từ trước, trong khi sinh và can thiệp sớm sau khi sinh. Phụ nữ mang thai có nguy cơ sinh con mắc bệnh tim bẩm sinh thường là người nghiện rượu, nhiễm độc thai nghén, nhiễm độc thuốc, mắc virus Rubella, vi khuẩn đặc hiệu… Vì vậy, phụ nữ cần đi tiêm phòng trước 3 tháng khi mang thai để ngăn ngừa các loại virus, vi khuẩn tấn công. Ngoài ra, trong gia đình có người bị mắc tim bẩm sinh thì nguy cơ con cũng bị bệnh này cao hơn. Khi phụ nữ mang thai 18 - 22 tuần cần phải siêu âm kiểm tra hình thái tim để bác sĩ chẩn đoán thai nhi có mắc bệnh tim bẩm sinh hay không.

Theo NLĐ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ