Những ca khúc náo nức ngày khai trường

GD&TĐ - Năm học mới đã chính thức bắt đầu ở tất cả các trường học trên khắp cả nước, những ca khúc gợi cảm giác háo hức, vui tươi trong ngày khai trường đang vang lên. 

Những ca khúc tạo khí thế mới cho ngày khai trường
Những ca khúc tạo khí thế mới cho ngày khai trường

Nằm lòng nhiều thế hệ học trò

Ca khúc Mùa thu ngày khai trường của nhạc sĩ Vũ Trọng Tường luôn mang đến cho mỗi người bao cảm nhận tinh tế. Những ca từ vút lên trong trẻo: “Mùa thu ơi mùa thu! Mùa đi xây những ước mơ. Tung bay màu khăn thắm rực rỡ trên vai em. Mùa thu ơi mùa thu! Mùa thơm trang sách mới. Tiếng hát ngày khai trường trong sáng như trời thu” như có cả nhịp chân sáo tung tăng nhảy múa của tuổi thơ. Ca khúc ra đời vào năm 1980, nhưng đến nay vẫn được đông đảo giáo viên, học sinh yêu thích.

Nhạc sĩ cho biết ca khúc hình thành khi ông được mời dự lễ khai giảng tại Trường Mạc Đĩnh Chi (Hà Nội). Ông vô tình ngồi cạnh chiếc trống trường. 

Khi cô Hiệu trưởng dang tay đánh tiếng trống khai giảng, ông chợt giật mình thổn thức. Từng tiếng trống vang lên rồi tan ra, lại nối tiếp vọng lên rồi tan ra… gợi cảm hứng cho nhạc sĩ.

Viết về cảm xúc của học sinh trong ngày khai trường còn phải nói đến ca khúc Bài ca đi học của nhạc sĩ Phan Trần Bảng. Với giai điệu trong sáng, lời ca giàu hình ảnh: “Bình minh dâng lên ánh trên giọt sương long lanh/đàn bướm phơi phới lướt trên cành hoa rung rinh/Bầy chim xinh xinh hót vang lùm cây xanh xanh/Chào đón chúng em mau bước nhanh chân tới trường...” rất gần gũi và thân thuộc với các em nhỏ. 

Bài hát thể hiện sự hồn nhiên, trong sáng, vô tư của các em học sinh tung tăng cắp sách tới trường giữa một khung cảnh thiên nhiên chan hòa màu sắc, âm thanh của cuộc sống.

Bài ca đi học được sáng tác năm 1955, là một trong những sáng tác đầu tiên của nhạc sĩ về nhà trường cho lứa tuổi tiểu học. Đến nay nhạc sĩ chia sẻ: “Tôi luôn xúc động khi có người nói: “Cả ba thế hệ gia đình tôi đã hát bài này của nhạc sĩ”.

Với những ai từng có thời gian cắp sách đến trường, khó ai quên được bài thơ nổi tiếng Đi học (Hoàng Minh Chính) được trích trong sách giáo khoa bậc tiểu học. 

Bài thơ được nhạc sĩ Bùi Đình Thảo phổ nhạc vào năm 1976 và trở thành một trong những ca khúc nằm lòng với nhiều thế hệ học trò Việt Nam.

Bài hát Ngày đầu tiên đi học do nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của nhà thơ Viễn Phương: “...Ngày đầu tiên đi học, mẹ dắt tay đến trường/Em vừa đi vừa khóc, mẹ dỗ dành yêu thương/Ngày đầu tiên đi học, em mắt ướt nhạt nhòa/Cô vỗ về an ủi. Chao ôi! Sao thiết tha!...” đã in đậm trong mỗi trái tim học trò để rồi mỗi khi nhớ về mái trường mỗi mùa khai giảng, người nghe lại không thể quên được giai điệu dễ thương của ca khúc này.

Đến với trái tim tuổi thơ: Không dễ

Có thể nói, không có âm thanh nào rộn ràng hơn là âm thanh tiếng trống tựu trường. Nó thôi thúc, dồn dập, nó gợi trong ta cảm giác nức lòng mà chỉ những ai đã từng là học trò mới thấm thía… 

Những ca khúc về mái trường luôn chứa đựng giá trị nghệ thuật và ý nghĩa giáo dục sâu sắc, hướng học sinh đến những tư tưởng tốt đẹp, cao quý.

Chia sẻ về vấn đề này, nhạc sỹ Phan Trần Bảng tâm sự: Trước khi bắt tay viết mỗi tác phẩm, ông đều định hướng rõ mình viết bài hát cho lứa tuổi mẫu giáo, học sinh tiểu học hay thiếu niên. 

“Với mỗi tác phẩm, tôi đều cố gắng đảm bảo tính giải trí lẫn tính giáo dục, luôn hướng các ca khúc thể hiện tính nhân văn cao nhất. Để các ca khúc về mái trường để lại ấn tượng sâu sắc, người nhạc sĩ sáng tác cần quan tâm đến một số đặc điểm về lứa tuổi, tâm sinh lý hay khả năng âm nhạc của học sinh”.

Theo cô Nguyễn Thị Hải - Giảng viên khoa Sư phạm âm nhạc - Mỹ thuật (ĐH Sư phạm Hà Nội) phân tích: “Ngoài yếu tố âm nhạc hay, lời ca đẹp, thì một yếu tố quan trọng để một ca khúc được đến với trái tim tuổi thơ là quảng bá ca khúc, phối khí, dàn dựng. 

Muốn ca khúc đến được với đông đảo học sinh, được các em lựa chọn trong các chương trình văn nghệ thì ca khúc đó phải được đầu tư về âm nhạc, có nhạc nền sẵn và hay”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tranh biện giúp trẻ có khả năng giao tiếp tốt và tư duy logic. Ảnh: INT

Bí quyết dạy trẻ tranh biện hiệu quả

GD&TĐ - Để có thể sở hữu kỹ năng tranh biện, trẻ cần lưu ý tới một số yếu tố như lựa chọn chủ đề, đưa ra lập luận vững chắc, lý lẽ thuyết phục...