150 tác phẩm hội họa được trưng bày trực tuyến và rao bán để gây quỹ xây nhà cho người dân khó khăn ở Quảng Nam và Thừa Thiên - Huế. Hơn 50 tác phẩm được góp chỉ sau vài ngày kêu gọi, dự kiến tu sửa trường mầm non ở vùng khó Sơn La.
Xây nhà cho người nghèo
Bắt đầu từ ngày 12/5 đến hết ngày 12/6, tại trang cá nhân của họa sĩ Ngô Trần Vũ - nhà sáng lập Quỹ “Gieo nhà gặt nhà”, diễn ra triển lãm của 70 họa sĩ tên tuổi như: Vũ Mười, Nguyễn Lâm, Hùng Rô, Bùi Tiến Tuấn, Bùi Văn Tuất, Phạm Xuân Trung, Nguyễn Lương Sáng...
Dù “Gieo tổ ấm 2022” mới bắt đầu, nhưng hiện đã có 3 bức tranh được bán với tổng mức giá 70 triệu đồng. Triển lãm không bắt buộc mức đóng góp của các họa sĩ nhưng đa phần đều quyên 50 - 100% trị giá tranh.
Theo dự tính của họa sĩ Ngô Trần Vũ, “Gieo tổ ấm 2022” kỳ vọng đạt được 1 tỉ đồng để xây 20 căn nhà cho người nghèo tại hai tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên - Huế trong năm nay.
Theo ông Vũ, số tiền 50 triệu đồng trao cho mỗi hộ chỉ đủ chi phí cho họ làm nửa căn nhà. Tuy nhiên, đó lại là số vốn ban đầu cần thiết, là nguồn động viên để người dân vay mượn thêm người thân, bạn bè hoàn thiện căn nhà.
Đây là lần thứ 2 triển lãm “Gieo tổ ấm” được tổ chức, nhằm vận động quyên góp qua triển lãm bán tranh của các họa sĩ Việt Nam. Các họa sĩ đều tâm niệm và mong ước mang đến cho người nghèo nơi an cư lạc nghiệp, giúp đổi đời nhiều gia đình nghèo, người có số phận bất hạnh.
Theo họa sĩ Ngô Trần Vũ: “Gieo tổ ấm 2022” là triển lãm lần thứ 2 được tổ chức với cùng tên gọi và nằm trong số các cuộc triển lãm từ thiện như: Cây đời mãi xanh, Xuôi dòng sông thu… từng tổ chức.
Chúng tôi trao 51 căn nhà cho người nghèo tại Quảng Nam và Huế. Chương trình được tổ chức với sự hỗ trợ của các họa sĩ chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp trên toàn quốc. Riêng “Gieo tổ ấm” thu hút sự quan tâm của các nhà sưu tập trong và ngoài nước, bởi số lượng tranh rất lớn, chất lượng với giá hợp lý.
Năm 2021, quỹ cũng quyên được một khoản tiền để chi viện lương thực, thuốc men cho người dân TPHCM trong đại dịch Covid-19.
Triển lãm lần này, họa sĩ Bùi Tiến Tuấn gửi gắm công chúng tác phẩm “Ngàn cánh hạc”, chất liệu mực acrylic trên lụa, với hình ảnh thiếu nữ xinh đẹp thường thấy trong các tác phẩm của anh. Họa sĩ Mai Xuân Oanh cũng tham gia bằng tác phẩm tĩnh vật “Hoa đồng nội” với sắc màu tuyệt đẹp.
Họa sĩ Hùng Rô với tác phẩm “Non sông liền một dải”, cùng cảnh sông nước hữu tình. Họa sĩ Bùi Văn Tuất tham gia bức chân dung em bé “Lao Xa” - tác phẩm được vẽ trực họa trong chuyến đi sáng tác tại Tây Bắc.
Xây lớp – sửa trường
Mới đây, trên trang cá nhân của nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi cũng thông báo về sự kiện “xin tranh, vật phẩm đấu giá sửa trường – xây lớp”.
“Nếu các tác giả, các nhà sưu tập muốn cùng chúng tôi sửa trường - xây lớp cho các em, xin trân trọng mời tham gia”, ông Lý Đợi viết. Để tiện việc vận chuyển và tổ chức, ông Đợi và các nghệ sĩ tổ chức sự kiện xin nhận tác phẩm và vật phẩm đến hết ngày 20/5. Đồng thời, cam kết “giữ quyền định giá tác phẩm theo hướng bán thấp hơn thị trường”.
Tuy dự kiến nhận tác phẩm và vật phẩm đến ngày 20/5 mới kết thúc. Nhưng chỉ sau 2 ngày thông báo, ban tổ chức đã nhận được lời hứa tặng hơn 50 tác phẩm, vật phẩm - nhiều hơn số dự kiến đến mấy lần.
“Đây quả là niềm vui lớn với những người muốn chung tay làm chương trình sửa trường - xây lớp cho học sinh vùng sâu, vùng xa. Để được chỉn chu trong việc hậu cần, bưu phẩm và kho lưu trữ, chúng tôi xin tạm dừng việc nhận tác phẩm và vật phẩm”, ông Lý Đợi cho hay.
Chương trình trưng bày, đấu giá các tác phẩm, vật phẩm sẽ được tổ chức vào chiều tối 31/5 tại Hà Nội. Toàn bộ số tiền thu được - trừ một vài chi phí nhỏ, sẽ sung vào chương trình thiện nguyện “Vì mái trường cho em” - thuộc Quỹ Thiếu nhi Dế Mèn.
“Điểm trường đầu tiên mà chúng tôi dự kiến tu sửa là Huổi Khoang (thuộc Trường Mầm non Hoa Mai Nậm Mằn, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La). Chương trình sẽ được làm trong nhiều năm. Nếu các tác phẩm, vật phẩm mà chưa đấu giá thành công hoặc dôi dư ở năm này, sẽ được bảo quản để tiếp tục đấu giá ở những kỳ tiếp theo”, ông Lý Đợi cho biết.
Năm 2021, giữa lúc đại dịch Covid-19 bùng phát căng thẳng tại TPHCM, nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi cùng một số nghệ sĩ cũng tổ chức cuộc đấu giá tác phẩm nghệ thuật gây quỹ mua giường hồi sức, máy thở và xe lăn cho bệnh viện dã chiến.
Ông Lý Đợi cho biết, sau 2 phiên đấu giá cùng chủ đề, cứ tưởng là “nhiệt” sẽ giảm, không ngờ mọi người vẫn rất thương nhau, nên phiên đấu thứ 3 đã có 28/31 tranh được bán. Tổng ba phiên thu về hơn 1 tỉ đồng.
“Điều đặc biệt ở nghệ thuật thiện nguyện là góp tranh và bán tranh. Các nghệ sĩ khá vô tư và bao dung, thường để ban tổ chức tùy ý xử lý, nhiều khi bán với giá thấp đến xót xa.
Chúng tôi nghĩ rằng, không phải cho nhiều tranh thì đặc biệt hơn cho ít tranh, vì đây là chuyện tự nguyện, ít hoặc nhiều gì cũng là tấm lòng đẹp”, nhà nghiên cứu Lý Đợi cho hay.