Những bí ẩn chưa lời giải đáp

GD&TĐ - Angela “Geli” Raubal là một phụ nữ trẻ lớn lên ở Đức giai đoạn đầu thế kỷ XX. Sinh ra ở Linz, cô gái lớn lên cùng anh trai Leo và một người chị gái tên là Elfriede. Cha cô mất sớm ở tuổi 31, khi Geli mới lên 2.

Những bí ẩn chưa lời giải đáp

Cái chết của Geli Raubal

Cuộc đời cô gái thật ngắn ngủi khi cô tự vẫn vào ngày 18/9/1931. Khẩu súng mà Raubal sử dụng để kết liễu cuộc đời mình là của người em của người cậu họ, mà nhiều người đồn thổi là người tình của Raubal: Adolf Hitler.

Được Raubal gọi là “cậu Alfie”, Hitler đã quyến rũ người phụ nữ trẻ với danh tiếng của mình, bởi khi mối quan hệ của họ hình thành cũng là lúc tổ chức phát xít bắt đầu lên nắm quyền lực. Khi đó, Raubal mới 17, còn Hitler hơn cô 19 tuổi.

Raubal đi khắp nơi cùng Quốc trưởng nước Đức quốc xã. Năm 1928, Raubal đến ở cùng biệt thự Berghof gần Bechtesgarden (Munich) của Hitler khi mẹ cô làm việc như một quản gia ở đây. Cô gái đã từ bỏ việc học trường y.

Khi trở thành người lãnh đạo của đảng phát xít, Hitler trở nên độc đoán và tỏ rõ sự sở hữu đối với Raubal. Khi phát hiện ra Raubal có mối quan hệ với người lái xe của mình là Emil Maurice, Hitler đã đuổi việc Maurice.

Hitler ngăn cản, không cho Raubal tự do giao tiếp với bạn bè, luôn giữ cô ở bên cạnh hoặc ít nhất là điều một người đáng tin cậy bên cạnh cô gái trong mỗi chuyến đi mua sắm, xem phim hay nghe opera.

Giai đoạn đó, Hitler luôn tôn vinh cháu gái như chuẩn mực của phụ nữ Aryan, dù nhiều người hoàn toàn không thấy thế (Aryan: Chủng người da trắng siêu đẳng mà Hitler muốn hướng tới). Thậm chí, một đối thủ của Hitler còn gọi Raubal là một “cô điếm đầu rỗng” đã quyến rũ, làm mờ mắt Hitler.

Thực tế, Raubal chẳng khác nào một người tù giam lỏng. Cô lên kế hoạch trốn tới Vienna để học hát. Sau chiến tranh, mẹ của Raubal cũng kể với các nhà điều tra rằng, con gái của bà khi ấy đã hy vọng kết hôn với một người đàn ông ở Linz, nhưng Hitler đã cấm cửa mối quan hệ này.

Một số báo cáo ghi lại rằng cuộc cãi vã giữa hai người vào đêm trước khi Raubal chết xoay quanh vấn đề Raubal muốn tới Vienna. Ngày hôm sau, theo lịch, Hitler sẽ phải đến họp ở Nuremberg, nhưng lại quay trở lại Munich với tin Raubal đã chết vì một phát đạn làm thủng phổi. Khi đó, cô mới 23 tuổi.

Sau khi Raubal qua đời, những người dưới trướng Hitler tung ra lời giải thích rằng Raubal đã tự vẫn là do quá lo lắng vì sắp đến một hòa nhạc, vốn đã dính nhiều tai tiếng trước đó.

Không có thư tuyệt mệnh hay lời trăn trối nào được ghi lại, chỉ biết rằng cơ thể Raubal có nhiều vết thương, mũi bị gãy. Một cuộc tranh cãi đã nổ ra, nhưng nhanh chóng rơi vào im lặng do ảnh hưởng chính trị của phát xít đã lên quá cao, cùng với quyền lực và những đe dọa về việc kiện tụng.

Tuy nhiên, trong nhiều năm, Hitler không thể gỡ bỏ được tin đồn đã giết chết Raubal. Một nhà báo điều tra vụ việc xung quanh cái chết của Raubal bị bắt trước khi ông kịp công bố các tài liệu của mình. Ông bị xử tử vài tháng sau đó tại Dachau. Sau cái chết này, bất kỳ cuộc điều tra nào về vấn đề này đều bị cấm đoán. Không một ai có thể biết điều gì đã thật sự xảy ra với Geli Raubal.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ