Nhóm côn đồ xông vào bệnh viện truy sát người, mức xử phạt thế nào?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Hành vi của nhóm côn đồ hung hăng cầm hung khí xông vào bệnh viện đập phá, truy sát người có thể bị xử phạt, có thể bị truy tố hình sự...

Bệnh viện đa khoa Long An, nơi xảy ra vụ truy sát người, đập phá nhiều trang thiết bị y tế. Ảnh minh họa: Tấn Đức Phạm.
Bệnh viện đa khoa Long An, nơi xảy ra vụ truy sát người, đập phá nhiều trang thiết bị y tế. Ảnh minh họa: Tấn Đức Phạm.

Công an thành phố Tân An, tỉnh Long An thực hiện lệnh bắt khẩn cấp nhóm côn đồ truy sát người và đập phá thiết bị y tế tại Bệnh viện đa khoa Long An.

Theo lời khai ban đầu của các nghi can, vào chiều 23/9 nhóm này có tổ chức ăn nhậu, hát hò tại một quán karaoke thì xảy ra mâu thuẫn với nhóm của anh Nguyễn Ngọc Bình cũng giải trí ở phòng bên cạnh.

Nguyên nhân mâu thuẫn được cho là do cự cãi trong lúc mời bia, cả 2 nhóm lời qua tiếng lại và đã có xô xát. Kết quả là anh Bình bị một người dùng ly ném vào đầu dẫn đến chấn thương phải đưa đi cấp cứu.

Anh Bình được đưa vào khoa Cấp cứu của Bệnh viện đa khoa Long An để chữa trị. Đáng chú ý, nhóm đối thủ đã không bỏ qua và quyết định cầm theo hung khí vào tận bệnh viện để truy sát.

4 nghi can có liên quan đến vụ truy sát người, đập phá tại Bệnh viện đa khoa Long An. Ảnh: CA.

4 nghi can có liên quan đến vụ truy sát người, đập phá tại Bệnh viện đa khoa Long An. Ảnh: CA.

Đánh giá về vụ việc nêu trên, luật sư Lê Bá Thường, Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Dân Luật Tín Thành, Đoàn Luật sư TPHCM cho biết, hành vi của nhóm thanh niên cầm hung khí xông vào bệnh viện ở Long An để truy sát bệnh nhân đang nằm chờ cấp cứu đã gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, không chỉ gây thiệt hại đến tính mạng của người khác mà còn làm hư hỏng tài sản của bệnh viện…điều này gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Thường cho rằng, hành vi của nhóm thanh niên hung hăng cầm hung khí lao vào bệnh viện truy sát người khác có thể bị xử phạt về hành vi gây rối trật tự công cộng.

Hành vi gây rối trật tự công cộng là hành vi cố ý làm mất tình trạng ổn định, có tổ chức, có kỷ luật ở nơi công cộng. Đồng thời gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, trực tiếp xâm phạm trật tự công cộng. Và có thể gây thiệt hại đến lợi ích của nhà nước, của xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân.

Theo luật sư Thường phân tích, vụ việc đang chờ kết luận của cơ quan chức năng, nhưng với hành vi cầm hung khí gây rối ở bệnh viện của 6 đối tượng trên nếu ở mức độ nhẹ thì có thể bị phạt hành chính về “Tội gây rối trật tự công cộng” với số tiền là từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng (điểm b khoản 5 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP). Đồng thời, hành vi của nhóm thanh niên này có thể bị xử lý hình sự về các tội sau “Tội gây rối trật tự công cộng”, thì tuỳ theo hậu quả xảy ra và mức thiệt hại về tài sản hoặc tính mạng của người khác thì sẽ có mức phạt tù đến 07 năm (Điều 318 BLHS 2015).

Ngoài ra, hành vi cầm hung khí chém liên tục vào người khác thì sẽ có thể bị truy tố “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”.

Luật sư Lê Bá Thường.

Luật sư Lê Bá Thường.

Tùy theo hậu quả và tỷ lệ thương tích xảy ra thì sẽ có mức phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân (Điều 134 BLHS 2015). Bên cạnh đó, nếu hành vi của 6 đối tượng gây ra hậu quả nghiêm trọng nếu có người tử vong thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội giết người” với mức phạt tù cao nhất đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình (Điều 123 BLHS 2015).

Theo luật sư Thường, trước đây cũng đã có rất nhiều sự việc tương tự của nhóm côn đồ xông vào bệnh viện chém nạn nhân, chém đội ngũ y bác sĩ làm hoảng sợ chạy náo loạn bệnh viện.

Luật sư Thường cho rằng, đây là hành vi cực kỳ nguy hiểm, thể hiện sự coi thường pháp luật. Đặt trường hợp nhóm côn đồ kia tìm thấy nạn nhân và gây thương tích thậm chí là giết chết nạn nhân hoặc nhóm thanh niên lưu manh này chém gây thương tích cho y bác sĩ đang thực hiện việc sơ, cấp cứu, để duy trì sự sống cho người khác, rồi đe dọa, muốn “truy sát” bác sĩ thì có phải người bệnh đang trong nguy kịch, vừa không được sự cấp cứu, chữa trị kịp thời, vừa không được tiếp cận với máy móc để giành giật lại sự sống.

Từ sự việc trên, Luật sư Thường cũng đưa ra bình luận, cần xem xét nên có sự phân công cử một vài chiến sĩ công an túc trực 24/24 tại khoa cấp cứu hoặc các bệnh viện. Điều này để thực hiện công việc đảm bảo an toàn cho các hoạt động cứu chữa bệnh nhân kịp thời của đội ngũ y bác sĩ và xử lý nghiêm trị, răn đe thói xem thường pháp luật, hành vi côn đồ của các đối tượng cũng như áp dụng tăng cường các biện pháp tuyên truyền giáo dục pháp luật trong xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ