Vụ việc em Đào Thủy T. (15 tuổi, học sinh lớp 9 Trường THCS Phú Cường, quận Hà Đông, Hà Nội) bị nhóm nữ sinh khác đánh hội đồng gây phẫn nộ.
Sau khi bị đánh hội đồng, Thủy T. hiện vẫn phải nằm viện điều trị. Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thiên Đức chẩn đoán Thủy T. bị chấn thương sọ não, chấn động não, rạn xương quai hàm.
Liên quan đến vụ việc này, dưới góc độ pháp lý, Luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: “Đây là sự việc đáng báo động trong môi trường giáo dục. Bởi vậy cơ quan chức năng cần phải vào cuộc xác minh làm rõ xử lý các học sinh vi phạm đồng thời ngành giáo dục cũng cần phối hợp với gia đình để tăng cường các biện pháp giáo dục các em”.
Theo Luật sư Cường, ở lứa tuổi học sinh, người dưới 18 tuổi là người được coi là chưa trưởng thành, chưa có nhận thức đầy đủ về đời sống, tâm lý, xã hội là người chưa có đầy đủ năng lực hành vi dân sự.
Bởi vậy ở lứa tuổi này trách nhiệm của gia đình, nhà trường, xã hội là cần giáo dục, tạo môi trường văn minh, lành mạnh cho các em phát triển và hình thành nhân cách. Với những hành vi vi phạm kỷ luật, vi phạm đạo đức xã hội, thậm chí vi phạm pháp luật thì tùy vào tính chất mức độ hành vi có thể kỷ luật phải xử phạt hành chính, thậm chí có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hành vi như trong sự việc nêu trên là hành vi cố ý gây thương tích và làm nhục người khác. Hành vi xâm phạm đến sức khỏe, danh dự nhân phẩm của người khác. Đây là hành vi vi phạm pháp luật, hậu quả gây thương tích nghiêm trọng cho nạn nhân, có thể dẫn đến việc nạn nhân thiệt mạng bởi vậy cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân, động cơ, làm rõ hành vi và hậu quả xảy ra để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.
Theo quy định của Bộ luật hình sự, người từ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi loại tội phạm. Người từ 14 tuổi đến 16 tuổi có thể chịu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp nhất định.
Cụ thể Bộ luật hình sự năm 2015 quy định như sau: Điều 12. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự 1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.
Thứ 2, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.
“Bởi vậy, trong vụ việc này cơ quan điều tra sẽ tiến hành giám định thương tích cho nạn nhân để xác định tỉ lệ thương tích đồng thời xác định độ tuổi của nạn nhân cũng như độ tuổi của các đối tượng đã đánh nạn nhân này chấn thương sọ não.
Trường hợp hành vi có thể dẫn đến chết người, các đối tượng biết rõ hành vi của mình có thể dẫn đến nạn nhân thiệt mạng nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi nguy hiểm, bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy ra, nạn nhân không chết là do được cấp cứu kịp thời thì tất cả các đối tượng từ 14 tuổi trở lên đánh nạn nhân đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người theo quy định tại điều 123 bộ luật hình sự năm 2015”, Luật sư Cường nhận định.
Luật sư cho hay, trường hợp cơ quan điều tra không chứng minh được động cơ mục đích giết người, cũng không chứng minh được nhận thức của các đối tượng là hành vi có thể dẫn đến chết người thì với những đối tượng đã từ đủ 16 tuổi trở lên sẽ bị xử lý hình sự về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại điều 134 bộ luật hình sự năm 2015.
Trường hợp mức độ thương tích của nạn nhân được xác định là rất nghiêm trọng thì các đối được từ 14 tuổi trở lên cũng sẽ bị chịu trách nhiệm hình sự về tội cố Ý gây thương tích theo quy định tại điều 134 bộ luật hình sự năm 2015.
Trong vụ việc này, hậu quả xảy ra, mức độ thương tích của nạn nhân, độ tuổi của nạn nhân và độ tuổi của đối tượng gây án là những yếu tố quan trọng để quyết định việc có sử lý hình sự hay không, xử lý về tội danh nào.
Với thương tích nghiêm trọng như vậy thì rất có thể các đối tượng trong vụ việc này sẽ bị xử lý hình sự về tội cố Ý gây thương tích hoặc tội giết người với các tình tiết định không tăng nặng trách nhiệm hình sự như có tính chất côn đồ, phạm tội với người dưới 16 tuổi và sẽ chịu những mức hình phạt nghiêm khắc.
Tuy nhiên trong vụ việc này cả nạn nhân và đối tượng đã đánh nạn nhân đều là người chưa thành niên, người dưới 18 tuổi nên trong trường hợp xử lý hình sự sẽ áp dụng các quy định về người dưới 18 tuổi phạm tội.
“Vụ việc là một tiếng chuông cảnh tỉnh về bạo lực học đường trong môi trường giáo dục. Các địa phương và các đơn vị trong ngành giáo dục cần phải phối hợp với gia đình để có những biện pháp quản lý, tuyên truyền, giáo dục kỹ năng sống, đạo đức, pháp luật cho học sinh để nâng cao ý thức tôn trọng tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của người khác, tôn trọng pháp luật để tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra.
Với những học sinh cá biệt, thường xuyên gây gỗ, sẵn sàng giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực thì cần phải có những hình thức giáo dục đặc biệt, cần thiết có thể áp dụng các hình thức kỷ luật, thậm chí các chế tài, biện pháp hành chính cần thiết để giáo dục hình thành nhân cách cho các em”, Luật sư Cường nhấn mạnh thêm.