Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Dự thảo Thông tư Hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống rửa tiền theo quy định tại Nghị định 74 của Chính phủ.
Giao dịch tiền gửi tiết kiệm: một hay nhiều giao dịch gửi hoặc rút tiết kiệm bằng tiền mặt trong một ngày có tổng giá trị từ 500.000.000 đồng (năm trăm triệu đồng) trở lên, do một khách hàng là cá nhân thực hiện bằng đồng Việt Nam hay bằng ngoại tệ hoặc bằng vàng được quy đổi theo tỷ giá hoặc giá vàng tại thời điểm phát sinh giao dịch. Tổ chức báo cáo không phải báo cáo số dư trên tài khoản tiền gửi tiết kiệm của khách hàng.
Các hoạt động ngân hàng sẽ được quản lý chặt hơn |
Trường hợp khách hàng nộp ngoại tệ tiền mặt để mua đồng Việt Nam bằng tiền mặt hoặc nộp tiền mặt đồng Việt Nam để mua ngoại tệ tiền mặt thì chỉ báo cáo giao dịch nộp hoặc rút tiền mặt. Khách hàng nộp tiền mặt vào tài khoản của người khác hoặc nộp tiền mặt để chuyển tiền (trường hợp khách hàng không có tài khoản), tổ chức báo cáo phải yêu cầu khách hàng xuất trình giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn hạn sử dụng, hoặc các giấy tờ khác có ảnh do cơ quan có thẩm quyền cấp, đáng tin cậy, và lưu lại họ, tên, địa chỉ, số điện thoại… và bản sao các tài liệu.
Ngoài các dấu hiệu giao dịch đáng ngờ như trên, những dấu hiệu giao dịch đáng ngờ sau đây cũng bị kiểm soát như: Khách hàng sử dụng nhiều địa chỉ khác nhau với cùng tên trên các địa chỉ này; số điện thoại cá nhân hoặc cơ quan của khách hàng bị cắt hoặc không có số máy này ngay sau khi mở tài khoản hoặc thực hiện giao dịch; Khách hàng thường xuyên đổi tiền có mệnh giá nhỏ sang mệnh giá lớn; Khách hàng thường xuyên gửi và rút tiền mặt dưới mức giá trị giao dịch phải báo cáo theo một nhóm người liên quan với cùng định kỳ thời gian; Giao dịch gửi tiền, rút tiền hay chuyển tiền được thực hiện bởi một cá nhân hay tổ chức liên quan đến giao dịch tiền tệ hay tài sản bất hợp pháp mà thông tin đại chúng đã đăng tải; Khách hàng đột ngột trả nợ tiền vay trước mà không thông báo, đặc biệt các khoản vay có vấn đề mà không giải thích được rõ về nguồn gốc của khoản tiền trả nợ.
Ngoài ra, khách hàng là một công ty, tổ chức có bản báo cáo tài chính hay hồ sơ khác biệt khi so sánh với một công ty, tổ chức khác có đặc điểm tương tự; Khách hàng chuyển các khoản vốn góp đối ứng trong nghiệp vụ tài trợ, đầu tư, cho vay, cho thuê tài chính không phù hợp với khả năng tài chính hay nhu cầu hoạt động kinh doanh; Khách hàng uỷ thác đầu tư (bằng vốn hoặc tài sản) nhưng không phù hợp với khả năng tài chính hoặc nguồn gốc các khoản uỷ thác không rõ ràng; Thông tin về tài sản thế chấp, cầm cố của khách hàng xin vay vốn không rõ ràng, minh bạch về nguồn gốc cũng sẽ bị cho là có dấu hiệu đáng ngờ...
Trần Nhật