Nhiều ưu tiên, hỗ trợ cho học sinh vùng khó ôn thi

GD&TĐ - “Giữ chân” học sinh lớp 12 ở lại trường để duy trì ôn thi cho đến sát ngày thi THPT quốc gia, dành mọi điều kiện tốt nhất về môi trường, điều kiện sinh hoạt, ăn, ở để HS có tâm lý thoải mái, tập trung ôn thi. 

Học sinh Trường THPT Phạm Phú Thứ sẽ ôn tập tại trường cho đến gần sát ngày thi THPT quốc gia 2017
Học sinh Trường THPT Phạm Phú Thứ sẽ ôn tập tại trường cho đến gần sát ngày thi THPT quốc gia 2017

Hệ thống kiến thức, câu hỏi cũng được chọn lọc theo hướng phân hóa đối tượng nhằm chuẩn bị tốt nhất kiến thức, tâm lý và kỹ thuật làm bài cho HS. Chính quyền nhiều địa phương cũng có những hỗ trợ thiết thực cho cả giáo viên và HS trong giai đoạn ôn thi nước rút.

Tập trung mục tiêu củng cố kiến thức

Nằm ở địa bàn vùng đặc biệt khó khăn, Trường THPT A Túc (xã A Túc, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) có đến 90% HS khối 12 là HS người dân tộc. Thầy Phạm Xuân Thảo, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Lo lắng nhất đối với tập thể Hội đồng sư phạm nhà trường trong Kỳ thi THPT quốc gia 2017 là toàn bộ HS đều phải dự thi môn Ngoại ngữ chứ không được thi môn thay thế. Học sinh của chúng tôi chỉ học chương trình Tiếng Anh 3 năm và cũng có nhiều hạn chế trong học tập. Vì thế, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã chủ trương tăng cường lượng kiến thức cũng như rèn kỹ năng cho HS đối với môn Anh văn, nhưng nói thật là hiệu quả chưa cao. Chính vì vậy, nhà trường đã kiến nghị với Sở GD&ĐT tăng cường GV Tiếng Anh để hỗ trợ chuyên môn cho GV và hướng dẫn cho HS ôn tập nhằm cải thiện tình hình”.

Sở GD&ĐT Quảng Trị đã cử giáo viên Tiếng Anh là thành viên của Hội đồng bộ môn Tiếng Anh của Sở để hỗ trợ cho 2 trường là Trường THPT A Túc và Trường Dân tộc nội trú tỉnh. Ông Lê Văn Tính - Trưởng phòng Phổ thông, Sở GD&ĐT Quảng Trị cho biết: “Đối với những trường lần đầu HS dự thi môn Tiếng Anh, tùy theo yêu cầu của trường, Sở sẽ tăng cường GV bộ môn Tiếng Anh có kinh nghiệm hỗ trợ hướng dẫn ôn tập hoặc xây dựng lại hệ thống câu hỏi từ ngân hàng đề của Sở để cung cấp cho các trường.

Trong một tháng ôn tập nước rút còn lại, không chỉ riêng môn Tiếng Anh, mà ở tất cả các môn khác, những HS có học lực trung bình yếu tối thiểu phải “thoát” khỏi “điểm liệt” để chống trượt. Theo đó, trong quá trình dạy ôn tập, GV không quá ôm đồm cũng không lan man, dàn trải, phải tập trung làm sao cho HS nắm vững kiến thức ở mức độ nhận biết, thông hiểu. Điều này đối với HS vùng khó, có đầu vào thấp là điều không hề đơn giản”.

Chống điểm liệt để nâng cao kết quả đỗ tốt nghiệp THPT là mục tiêu của nhiều trường có đầu vào thấp trong giai đoạn nước rút này. Thầy Phạm Xuân Thảo cho biết: “Từ kết quả bài thi học kỳ I, chúng tôi chọn những HS có nguy cơ rớt tốt nghiệp để bồi dưỡng thêm kiến thức cơ bản nhằm chống điểm liệt. Các lớp ôn tập của Trường THPT A Túc, vì vậy, ngoài việc chia theo tổ hợp môn, còn chia theo nhóm đối tượng, trong đó có một lớp ôn tập dành cho HS “học chắc chắn” và một lớp chống điểm “liệt”. Nhà trường cũng phân công những GV cốt cán, có kinh nghiệm giảng dạy đảm nhận phụ đạo, ôn tập thêm cho HS. Với 42 thí sinh tự do đăng ký thi THPT quốc gia tại trường trong thời điểm tháng 6, Trường THPT A Túc cũng tổ chức ôn thi miễn phí cho các em này”.

Ôn tập đến giờ “G”

UBND tỉnh Quảng Nam vừa có quyết định chi hơn 1,3 tỉ đồng nằm trong dự toán chi không thường xuyên năm 2017 cho Sở GD&ĐT để phục vụ cho việc hỗ trợ ôn tập cho học sinh lớp 12 ở các huyện miền núi dự thi THPT quốc gia.

Theo đó, 100% HS lớp 12 các trường THPT ở 6 huyện miền núi sẽ được ôn thi miễn phí tại trường, riêng HS người dân tộc được hỗ trợ tiền ăn, gạo để ở lại trường ôn tập cho đến sát ngày dự thi THPT quốc gia. Được biết, UBND các huyện miền núi cũng có chủ trương hỗ trợ cho GV, HS trong việc ôn tập chuẩn bị thi, có kế hoạch hỗ trợ phương tiện đưa đón, ăn ở trong những ngày diễn ra Kỳ thi THPT quốc gia.

Những ngày này, tại phòng tự học của khu nội trú Trường THPT Phạm Phú Thứ (H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng), 19 HS người dân tộc Cơ Tu cùng các GV bộ môn vẫn miệt mài ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp đến gần. Thầy Nguyễn Bá Hảo – Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: “BGH đã phân công GV theo dõi, hướng dẫn cho HS học tập vào giờ tự học buổi tối tại KTX. Năm nay, chúng tôi tiếp tục duy trì tổ chức ôn tập cho đến gần sát ngày thi cho toàn bộ HS khối 12 nên số HS nội trú sẽ cùng tham gia ôn tập chung với các bạn theo các lớp đăng ký trước đó.

Trước đó, trong cả năm học, nhà trường đã phân công GV dạy kèm vào các buổi tối trong tuần cho các em”. Trong một tháng còn lại, Trường THPT Phạm Phú Thứ dành khoảng 1/3 thời gian để giúp HS hệ thống, củng cố lại kiến thức, thời gian còn lại, GV sẽ hướng dẫn cho HS phương pháp làm bài, tiếp xúc với một số dạng đề cụ thể.

Thầy Phạm Xuân Thảo cho biết: “Phân tích kết quả thi học kỳ II do Sở GD&ĐT Quảng Trị tổ chức cũng như kết quả bài làm khi HS tiếp cận bộ đề thi tham khảo do Bộ GD&ĐT công bố vào giữa tháng 5, chúng tôi thấy, đối với bài thi tổ hợp môn Khoa học xã hội thì còn yên tâm; riêng môn Toán chỉ có khoảng 30% HS đạt điểm ở mức trung bình. Chính vì vậy, trong thời gian ngắn còn lại, GV sẽ bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng để ôn tập cho HS; tập trung ôn tập nhiều hơn cho những HS có học lực yếu, giúp những HS này nắm được kiến thức, kỹ năng cơ bản theo yêu cầu của kỳ thi. Ngoài ra, chúng tôi sẽ dành một khoảng thời gian để HS ôn tập dưới dạng các đề thi theo đúng cấu trúc đề của Bộ GD&ĐT. Ngoài việc tập dượt cho HS làm quen với các kỹ năng phân tích đề và làm bài thi, điều này cũng giúp cho các em làm quen với tâm lý, môi trường thi cử”.

 
Đến nay, Sở GD&ĐT Quảng Nam đã tổ chức 3 đoàn công tác do thành viên Ban Giám đốc Sở làm trưởng đoàn cùng với chuyên viên của Phòng GĐ Trung học và GV cốt cán bộ môn kiểm tra công tác giảng dạy và chất lượng học tập của HS. Dựa trên kết quả khảo sát, đoàn sẽ đưa ra những định hướng, giải pháp nhằm hỗ trợ các trường THPT miền núi tổ chức ôn thi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ