(GD&TĐ)- Hiện nay, các trường Mầm non tại Thành phố Sơn La đã quá tải, không thể đáp ứng được hết nhu cầu đi học của trẻ mẫu giáo trong độ tuổi do cơ sở vật chất các trường này vừa thiếu vừa xuống cấp nên đang rất cần sự quan tâm đầu tư của các cấp, các ngành để 100% trẻ ở đây được đến trường.
Xếp hàng từ tối hôm trước, chen lấn, xô đẩy nhau để chờ nộp đơn xin cho con, cháu vào học mầm non khi vào năm học mới tưởng đâu chỉ là bức xức của các phụ huynh các thành phố lớn. Ngay tại phố núi Sơn La, một tỉnh miền núi Tây Bắc, các bậc phụ huynh cũng phải chen lấn, xô đẩy chờ nộp hồ sơ cho con từ lúc 4 giờ 30 phút sáng.
Quá Tải do trường, lớp học vừa thiếu, vừa xuống cấp
Đồ chơi ngoài trời của các trường mầm non còn thiếu nhiều, số thiết bị đồ chơi đang có đã rất cũ. |
Hiện tại đây, tình trạng “cung không đủ cầu” đã và đang diễn ra tại các trường mầm non, nhất là tại các trường mầm non công lập. Với chủ trương xã hội hóa giáo dục, nhiều tổ chức, cá nhân đã đầu tư xây dựng trường mầm non tư thục nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu đi học của trẻ lứa tuổi mầm non. Do vậy, tình trạng chen lấn, xếp hàng hay phải “nhờ cậy” các mối quan hệ để xin cho con, cháu một chỗ ngồi trong các trường mầm non là điều tất yếu xảy ra. Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng trên chính là điều kiện cơ sở vật chất trường, lớp của các cơ sở giáo dục mầm non không thể đáp ứng được hết nhu cầu đi học mẫu giáo của trẻ trong độ tuổi.
Trường mầm non Chiềng Lề, trung tâm Thành phố Sơn La, là một đơn cử. Do không được nâng cấp, mở rộng quy mô, nhà trường phải chịu khá nhiều áp lực với một lượng hồ sơ xin vào học vượt trội so với nhu cầu đáp ứng. Riêng trong năm học này, nhà trường đã phải từ chối trên 100 hồ sơ của phụ huynh xin cho con vào học. Thậm chí, trường đã phải mượn 2 nhà văn hóa của tổ để bố trí nhu cầu học mẫu giáo của 50 cháu. Tuy nhiên, để duy trì được 2 lớp học này, trường sẽ phải huy động đóng góp của phụ huynh để mua sắm trang thiết bị và xin thêm nhân sự...
Được xây dựng từ năm 1983, đến nay CSVC của nhà trường đã xuống cấp nặng mặc dù hàng năm vẫn được sửa chữa thường xuyên. Hạng mục tường rào bị sụp đổ hoàn toàn, có khu nhà lớp học, trần bong tróc và yếu đến nỗi có thể sụp xuống bất cứ lúc nào gây mất an toàn nghiêm trọng cho trẻ và cô giáo khi đang học trong phòng.
Cách đây 2 năm, CB-GV trường mầm non Chiềng Lề vẫn nhớ một phen thót tim: khi thấy trần nhà dột nước, để kiểm tra, hiệu trưởng nhà trường trèo lên tìm hiểu nguyên nhân; Khi vừa đặt thang chuẩn bị trèo thì toàn bộ phần trần đã quá cũ của 2 phòng học đổ sụp xuống. Nếu khi đó không kiểm tra trước khi vào năm học thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra với những cháu nhỏ đang ở dưới...!?.
Cùng cảnh trên, trong năm học này trường mầm non mang tên người anh hùng Tô Hiệu (thành phố Sơn La) cũng có trên 100 hồ sơ nộp học vượt so với chỉ tiêu. Nhà trường không thể nhập học cho sô học sinh này; Bởi lẽ, nếu tiếp nhận hết hồ sơ thì không biết lấy chỗ đâu để nuôi dạy các cháu.
Nhà trường chỉ có thể ưu tiên các cháu 5 tuổi theo chương trình PCGD trẻ 5 tuổi, còn đối với những trẻ sinh năm 2010 hay 2011 trường không thể nhận một trường hợp nào. Trong khi theo quy định thì mỗi lớp hiện tại đã vượt trột 1-2 cháu rồi. Chả vậy mà hôm đến làm việc với nhà trường, mặc dù đã hết thời gian nộp hồ sơ nhưng vẫn thấy khá nhiều phụ huynh học sinh cầm hồ sơ tới xin cho con, cháu mình đi học.
Trường mầm non xã Chiềng Xôm, mặc dù không nằm ở trung tâm thành phố, nhưng tình trạng xét duyệt hồ sơ xin học của cũng không kém các trường ở trung tâm.. Vì CSVC, trang thiết bị hạn chế nên tình trạng hồ sơ xin cho con vào học cũng vượt quá khả năng của nhà trường.
Qua tìm hiểu được biết, mặc dù đã linh hoạt mở thêm 2 khu lẻ nhưng số hồ sơ nộp học đã vượt trên 300 cháu, trong khi khả năng tiếp nhận là trên 100 cháu. Cũng để giảm tải, trường chỉ nhận trẻ từ 2 tuổi trở lên và đặc biệt ưu tiên nhóm trẻ 5 tuổi. Trong khi đó trường không thể thực hiện được theo Điều lệ mầm non phải nhận trẻ từ 0 tuổi đến 2 tuổi bởi CSVC chỉ có thế.
Không chỉ CSVC khó khăn, hiện tại vấn đề nan giải nữa mà bao năm qua trường đã tha thiết đề nghị với các cấp liên quan nhưng vẫn chưa được giải quyết đó là y tế học đường chưa có, trong khi đây là một yêu cầu bắt buộc để các trường mầm non duy trì bán trú và nhà trường vẫn phải vi phạm để duy trì, đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của người dân trong nhiều năm qua...!?
Làm gì để 100% trẻ mầm non được đi học
Trưởng Phòng giáo dục Mầm non Sở GD&ĐT Sơn La Nguyễn Thị Hồng Vân cho biết: Do CSVC đầu tư cho bậc học mầm non chưa thỏa đáng nên trong năm học này tỷ lệ trẻ ở các lứa tuổi phấn đấu ra lớp so với năm học trước còn khá khiêm tốn. Bởi lẽ, cơ sở vật chất chỉ có 1 mà nhu cầu là 10 thì việc trước tiên các Phòng GD&ĐT huyện, thành phố phải ưu tiên cho nhóm trẻ 5 tuổi, để sang năm nữa các cháu còn bước vào lớp 1. Đối với nhóm trẻ từ 4 tuổi trở xuống, sau khi ưu tiên cho trẻ 5 tuổi, nếu còn phòng học thì tiếp tục tính đến. Giải pháp duy nhất để khắc phục được tình trạng trên vẫn cần có sự quan tâm của cấp trên đối với bậc học này trong việc đầu tư trường lớp theo đúng nhu cầu thực tế, có vậy 100% số trẻ trong độ tuổi bậc mầm non mới có thể thực hiện được quyền được học tập đầy đủ của mình.
Giờ ăn của học sinh bán trú tại trường mầm non Chiềng Xôm. |
Qua thực tế cho thấy, nếu mang ra so sánh giữa các bậc học thì công tác xã hội hóa giáo dục được thực hiện mạnh nhất vẫn là ở bậc học mầm non. Tuy nhiên, ngược lại, thì sự quan tâm, đầu tư dành cho bậc học này so với các bậc học khác lại khá khiêm tốn. Tại một số huyện, thành phố còn thiếu sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền từ trên xuống, thậm chí là cả ngành chuyên môn ở địa phương cũng có lúc coi nhẹ công tác giáo dục, nuôi dạy ở bậc học này...
Điều này được thể hiện rõ nhất khi mà nhiều trường mầm non công lập đã và đang quá tải do cơ sở vật chất không được quan tâm đầu tư, thậm chí có những trường lớp đã có “tuổi thọ” từ những năm 80 của thập kỷ trước. Và cũng tại các đơn vị trường có cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu so với nhu cầu đã kiến nghị, đề xuất rất nhiều nhưng cầu trả lời vẫn chỉ là “thiếu nguồn” hay “chờ sang năm có kinh phí”... để rồi đến sau đó nhiều năm sau vẫn chờ... trong khi số trẻ em tăng lên từng ngày, từng năm.
Được biết, trước đây cũng tại địa bàn Thành phố Sơn La có một nguồn kinh phí dành cho xây dựng trường mầm non trị giá trên 1 tỷ đồng. Nhưng không hiểu vì sao nguồn kinh phí đó lại được dành tới 2/3 cho đầu tư, xây dựng một trường THCS khác tại địa bàn. Chính từ lý do đó mà đến nay trường mầm non này đang rơi vào tình trạng “cung không đủ cầu” và đang phải chạy ngược, chạy xuôi để xin nguồn xây dựng thay thế cơ sở vật chất được xây dựng từ năm 1983.
Được biết, hằng năm các xã, phường vẫn có một đội ngũ cán bộ cùng xuống các tổ, bản phối hợp khảo sát, lên danh sách trẻ em ở các lứa tuổi. Và toàn bộ những thống kê đó đều được khớp với con số mà ngành dân số thống kê để báo cáo với cấp ủy, chính quyền địa phương. Vậy tại sao, tình trạng thiếu trường lớp vẫn xảy ra, các trường mầm non vẫn rơi vào tình trạng “cung không đủ cầu” hay tại chúng ta chưa làm tốt công tác thống kê, dự báo số trẻ em được sinh ra hằng năm, số trẻ ở các lứa tuổi để xây dựng kế hoạch xin nguồn đầu tư trường lớp cho phù hợp. Nếu nói thiếu trường, lớp do thiếu nguồn thì chưa hẳn đã đúng. Bởi thực tế nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm đầu tư rất nhiều cho giáo dục, có thể thiếu vốn xây dựng các công trình mang tầm quy mô quốc gia nhưng không thể thiếu đất hay thiếu vốn để xây dựng, mở rộng trường lớp, nhất là bậc học mầm non. Phải chăng công tác tham mưu, đề xuất còn nhiều hạn chế đối với lĩnh vực này...!?
Cũng bởi cơ sở vật chất khó khăn, trong khi nhu cầu đi học của trẻ mẫu giáo nhiều, nên có trường mầm non ở một xã đã linh hoạt mở rộng thêm các khu lẻ bằng nguồn đóng góp của bản, của người dân. Cùng với đó, trường mầm non này còn có cách làm sáng tạo nhằm giảm tải đối với nhóm trẻ nhỏ là phối hợp với các bản thành lập các nhóm trông trẻ với sự giám sát, hướng dẫn của nhà trường. Các nhóm trẻ này sẽ do chính người nhà các trẻ thay phiên nhau trông nom, chăm sóc và thù lao do chính bố mẹ các cháu đóng góp để trả cho người trông trẻ ở nhóm.
Một vị lãnh đạo ngành giáo dục Sơn La trao đổi với tôi: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Trẻ em như búp trên cành; biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan” và Công ước Quốc tế về quyền trẻ em mà nước ta đã tham gia và ký kết cũng nêu khá rõ về quyền tẻ em, trong đó có quyền được học hành đầy đủ... Do vậy, thực hiện quyền thiêng liêng cho trẻ cùng với chiến lược đào tạo con người ngay từ khi còn chập chững biết đi là rất quan trọng, không nên xem nhẹ việc giáo dục, đào tạo ở bậc học này và chúng ta cũng đừng để xẩy ra chuyện phụ huynh, người nhà phải chạy vạy xin cho con đi học mầm non. Để giải quyết được những bức xúc trên thì giải pháp duy nhất vẫn là quan tâm hơn nữa tới đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất cho các trường mầm non, nhất là đối với những địa bàn đang xảy ra tình trạng “cung không đủ cầu”, có vậy mới mong thực hiện được phổ cập giáo dục mầm non trong tương lai...
Theo số liệu thống kê đến cuối năm học 2010-2011, bậc mầm non tỉnh Sơn La có 227 trường, trong đó có 8 trường đạt chuẩn quốc gia và 5 trường ngoài công lập với 3.255 phòng học, trong đó 1.158 phòng học kiên cố và 453 phòng học bán kiên cố, còn lại là phòng học tạm và học nhờ, mượn; có 179 sân chơi có thiết bị đồ chơi; 504/1.160 nhà vệ sinh đạt yêu cầu. Đội ngũ có 4.971 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên, trong đó theo quy định còn thiếu 160 cán bộ quản lý, 687 giáo viên đứng lớp... |
Luyện Ngọc Tuấn