Trường ĐH Luật TP.HCM vừa qua đã quyết định duyệt chi các chính sách hỗ trợ cho sinh viên bị ảnh hưởng vì dịch Covid-19, với tổng kinh phí lên đến 5 tỉ đồng.
Theo đó, để sinh viên có chi phí kết nối Internet để học tập trực tuyến, trường quyết định hỗ trợ cho toàn bộ sinh viên, học viên các hệ, bậc đào tạo của trường với mỗi em 200.000 đồng. Người học sẽ được nhận kinh phí hỗ trợ trực tiếp thông qua lớp trưởng sau khi đi học tập trung lại tại trường.
Bên cạnh đó, trường cũng hỗ trợ sinh viên các khóa đại học chính quy văn bằng một có gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn đặc biệt do tác động của dịch COVID-19. Mức hỗ trợ từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng/sinh viên, tùy từng trường hợp cụ thể.
Theo PGS-TS Trần Hoàng Hải, để đảm bảo hoạt động truyền đạt và tiếp thu kiến thức được xuyên suốt trong đợt dịch, Nhà trường đã triển đầu tư mạnh mẽ hệ thống phần mềm, công nghệ trị giá hàng tỉ đồng để đẩy mạnh việc giảng dạy trực tuyến bằng hệ thống cơ sở dữ liệu E-learning. Các khối lượng giảng dạy học tập, chất lượng đào tạo và chuẩn đầu ra đối với từng môn học/học phần vẫn được nhà trường đảm bảo như khi tổ chức dạy học trực tiếp trên lớp học.
Trước đó, Trường ĐH Sài Gòn cũng thông báo hỗ trợ 500.000 đồng/sinh viên thuộc diện chính sách được miễm giảm học phí tại trường. Bên cạnh đó, trường cũng hỗ trợ 200 suất học bổng ( mỗi suất 500.000 đồng) cho những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng hạn mặn và dịch Covid-19.
Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM cũng cấp 500 học bổng(mỗi suất 1 triệu đồng) hỗ trợ khó khăn đột xuất cho sinh viên đại học chính quy có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Đối tượng nhận học bổng là những sinh viên có cha, mẹ hoặc người giám hộ bị mất việc trong thời gian từ tháng 3 đến nay. Sinh viên có cha, mẹ hoặc người giám hộ là nông dân gặp khó khăn trong việc bán nông sản do ảnh hưởng của dịch Covid-19.