Kỷ luật “thép” với sinh viên hút thuốc lá
Phạm Anh Tuấn - sinh viên năm 2 một trường ĐH ngoài công lập tại TPHCM cho hay, bản thân là người “nghiện” thuốc lá từ đầu năm 1 nhưng chỉ sau 1 học kỳ vào giảng đường, đến nay Tuấn đã bỏ hẳn thuốc lá.
“Thông qua các hoạt động truyền thông của khoa, trường và sách báo giúp em hiểu rõ những tác hại trong việc hút thuốc lá đối với sức khỏe. Ban đầu em… rất thèm nhưng sau đó em chọn cho mình các hoạt động thể dục thể thao tại trường để giải trí, học bài, đọc sách tại thư viện, từ đó hình thành thói quen tránh xa hoàn toàn khói thuốc” - Tuấn nói.
ThS Nguyễn Thị Xuân Dung - Giám đốc Trung tâm Truyền thông, Trường Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH), cho hay, ngay từ những ngày đầu thành lập, HUTECH là một trong số ít trường học trong cả nước tiên phong thực hiện cuộc vận động “nói không với khói thuốc”. Đến nay, môi trường học tập xanh - sạch - đẹp ở HUTECH, chính là thành quả đáng trân quý cho hành trình “nói không” với thuốc lá, thuốc lá điện tử của tập thể sinh viên trường.
Theo bà Dung, khi lượng tân sinh viên nhập học, HUTECH liên tục tuyên truyền việc “nói không” với thuốc lá, thuốc lá điện tử, từ đó nhân rộng lối sống lành mạnh và giữ vững truyền thống ‘HUTECH - ngôi trường không khói thuốc’. Trường hợp phát hiện vi phạm, Nhà trường sẽ xử lý theo nội quy và Luật do Nhà nước ban hành.
“Hiện Nhà trường đang triển khai các đội hình ‘An ninh trật tự’ và đội ngũ bảo vệ tuần tra tại các khu vực, đặc biệt tại khu vực hành lang và nhà vệ sinh nhằm thắt chặt nội quy ‘không hút thuốc’ trong toàn trường” - bà Dung chia sẻ thêm.
Ngoài ra, HUTECH cũng thường xuyên tổ chức các cuộc thi làm báo tường về phòng chống tác hại của thuốc lá điện tử, các hội thảo về tác hại của thuốc lá và thuốc lá điện tử… thu hút hàng nghìn lượt quan tâm, tham dự của sinh viên.
ThS Nguyễn Hoàng Tiến - Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Công Nghệ Sài Gòn cho hay, các hội, đoàn thể của trường luôn quan tâm, chú trọng việc thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và chỉ thị về việc tăng cường thực hiện phòng chống tác hại của thuốc lá trong ngành giáo dục và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
“Nhà trường chú trọng tổ chức tuyên truyền, phổ biến về những tác hại của thuốc lá, các quy định của Luật phòng chống tác hại của thuốc lá cho toàn thể viên chức, người lao động, người học thông qua các hình thức đăng tải trên website; tuần sinh hoạt công dân - học sinh - sinh viên hằng năm, gắn các biển cảnh báo “cấm hút thuốc” trong khuôn viên trường… Sinh viên nếu bị bắt gặp hút thuốc lá trong trường sẽ bị kỷ luật theo quy định” - ThS Nguyễn Hoàng Tiến nói.
TPHCM sẽ tăng cường lực lượng, xây dựng cơ chế, kế hoạch phối hợp liên ngành trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Thành lập các đoàn thanh kiểm tra liên ngành các cấp, kiểm tra các hành vi vi phạm.
Đặc biệt, để làm gương cho sinh viên, Trường CĐ Công Nghệ Sài Gòn cũng ra quy chế quy định các giảng viên, người lao động và kể cả lãnh đạo các phòng, Ban Giám Hiệu… nếu hút thuốc trong trường học (kể cả thuốc lá điện tử) sẽ bị đánh giá xếp hạng A, B, C hàng quý, từ đó sẽ bị trừ thu nhập và xem xét đánh giá xếp loại công việc cuối năm.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công Thương TPHCM (HUIT) thông tin, với mục tiêu thực thi nghiêm các quy định pháp luật về phòng chống tác hại thuốc lá, Nhà trường đã thực hiện tuyên truyền đến toàn thể các em sinh viên về tác hại của thuốc lá nhằm giảm nguy cơ bệnh tật và tử vong do sử dụng thuốc lá và nguy cơ hít phải khói thuốc lá thụ động gây ra.
“Nội quy của trường đặt ra là cấm sinh viên và giảng viên hút thuốc lá trong khuôn viên trường học. Trường hợp giảng viên hút thuốc lá nếu để sinh viên nhìn thấy sẽ bị kỷ luật nặng” - ông Sơn nói.
TPHCM tăng cường xử phạt hút thuốc tại các địa điểm cấm
Mới đây, UBND TPHCM đã ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 trên địa bàn. Theo đó, thành phố đặt mục tiêu giai đoạn 2024-2025, giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 39%; nhóm nữ từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 1,4%.
Giảm tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá tại nơi làm việc xuống dưới 30%; tại nhà hàng xuống dưới 75%; tại quán bar, cà phê xuống dưới 80%; tại khách sạn xuống dưới 60%.
Ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá khác trong cộng đồng.
Giai đoạn 2026-2030, giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 36%; nhóm nữ từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 1%. Giảm tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá tại nơi làm việc xuống dưới 25%; tại nhà hàng xuống dưới 65%; tại quán bar, cà phê xuống dưới 70%, tại khách sạn xuống dưới 50%.
Để thực hiện mục tiêu trên, cơ quan chức năng sẽ tăng cường việc thực hiện các biện pháp xử phạt đối với hành vi vi phạm các quy định về phòng, chống tác hại của thuốc lá, đặc biệt là hành vi hút thuốc lá tại các địa điểm có quy định cấm.
Đồng thời, thực hiện các quy định của pháp luật về cấm quảng cáo, khuyến mại các sản phẩm thuốc lá, trong đó có các hình thức quảng cáo, khuyến mại trực tuyến trên nền tảng kỹ thuật số, mạng internet. Kiểm soát chặt chẽ hoạt động bán buôn, bán lẻ các sản phẩm thuốc lá; tăng cường xử phạt các hành vi vi phạm về kinh doanh các sản phẩm thuốc lá.