Nhiều phát hiện mới ở Vườn quốc gia Xuân Thủy

GD&TĐ - Rừng ngập mặn đóng vai trò quan trọng cả về sinh thái và kinh tế - xã hội, được ví như “trung tâm” của hệ sinh thái biển nhiệt đới...

Loài Cỏ ngạn (Scirpus kimsonensis N.K.Khoi).
Loài Cỏ ngạn (Scirpus kimsonensis N.K.Khoi).

Nhóm các nhà khoa học phát hiện ở Vườn quốc gia (VQG) Xuân Thủy (Nam Định) có 201 loài thực vật bậc cao có mạch, 2 loài thực vật quý hiếm đã được ghi nhận trong Sách Đỏ Việt Nam 2024 gồm: Cỏ ngạn và Cóc đỏ.

Hệ sinh thái rừng ngập mặn phong phú

TS Lưu Đàm Ngọc Anh cùng nhóm nghiên cứu Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đã phối hợp với nhóm nghiên cứu thuộc Vườn Thực vật Trung tâm Belarus (CBG) đề xuất và được Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phê duyệt thực hiện nhiệm vụ “Đánh giá hiện trạng đa dạng các loài thực vật thuộc hệ sinh thái dưới nước và đất ngập nước tại Việt Nam và Belarus”.

Nghiên cứu tập trung đánh giá tính đa dạng của các loài thực vật trong hệ sinh thái đất ngập nước tại VQG Xuân Thủy (Khu Dự trữ sinh quyển Châu thổ sông Hồng), đồng thời đánh giá hiện trạng các loài bản địa quý hiếm cần được bảo vệ. Bên cạnh đó, nghiên cứu còn khám phá giá trị tài nguyên thực vật rừng, đặc biệt là các loài cây có tinh dầu và cây thuốc, từ đó đề xuất các biện pháp sử dụng bền vững nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của những loài thực vật này.

Theo TS Lưu Đàm Ngọc Anh, rừng ngập mặn đóng vai trò quan trọng cả về sinh thái và kinh tế - xã hội, được ví như “trung tâm” của hệ sinh thái biển nhiệt đới. Đây là một trong những hệ sinh thái giàu đa dạng sinh học và di truyền nhất thế giới, nơi sinh sống của khoảng 90% sinh vật biển và là nguồn cung cấp tới 80% sản lượng thủy hải sản đánh bắt toàn cầu. Tuy nhiên, rừng ngập mặn cũng rất dễ bị tổn thương trước các tác động của con người và biến đổi khí hậu.

VQG Xuân Thủy chính thức được công nhận là vùng Ramsar - theo Công ước Ramsar về bảo vệ các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, đặc biệt là nơi cư trú của các loài chim nước. Đây không chỉ là điểm Ramsar đầu tiên của Việt Nam, mà còn là điểm Ramsar đầu tiên của Đông Nam Á và thứ 50 trên thế giới.

Hệ sinh thái đất ngập nước đóng vai trò quan trọng trong cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và mang lại nhiều lợi ích kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, chúng đang chịu áp lực lớn từ biến đổi khí hậu, nước biển dâng và hoạt động khai thác tài nguyên không bền vững. Sự suy thoái của các hệ sinh thái này kéo theo nguy cơ mất đa dạng sinh học nghiêm trọng.

Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã tiến hành khảo sát và kết quả cho thấy, có 201 loài thực vật bậc cao có mạch được ghi nhận tại VQG Xuân Thủy. Đáng chú ý, 2 loài thực vật quý hiếm đã được ghi nhận trong Sách Đỏ Việt Nam 2024, gồm loài Cỏ ngạn (Scirpus kimsonensis N.K.Khoi) thuộc nhóm Nguy cấp (EN) và loài Cóc đỏ (Lumnitzera littorea (Jack) Voigt) thuộc nhóm Sẽ nguy cấp (VU).

12 loài thực vật chứa tinh dầu kháng vi sinh vật

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành sàng lọc hoạt tính kháng vi sinh vật và kháng viêm của các loài cây trong khu vực. Kết quả cho thấy, cao chiết thô từ lá và tinh dầu của 12 loài thực vật có khả năng kháng vi sinh vật kiểm định. Đồng thời, dịch chiết từ lá của 22 loài thực vật cũng đã được kiểm nghiệm về khả năng kháng viêm.

Cụ thể, hoạt tính ức chế tụ cầu vàng kháng Methicilline (MRSA) của tinh dầu từ 4 loài thực vật tại rừng ngập mặn Xuân Thủy, bao gồm Sphagneticola trilobata, Vitex rotundifolia, Vitex trifolia và Annona glabra. Kết quả cho thấy tinh dầu từ S. trilobata có hoạt tính ức chế mạnh nhất.

Tụ cầu vàng kháng Methicilline (Methicillin-Resistant Staphylococcus aureus - MRSA) hiện là vấn đề y tế toàn cầu và là một thách thức trong điều trị. Hiện nay, MRSA đang gia tăng về tần suất và hiện hữu ở nhiều cơ sở y tế và cộng đồng.

Phân tích docking phân tử cũng chỉ ra một số hợp chất chính trong tinh dầu có liên kết mạnh với protein đích của S. aureus, mở ra tiềm năng ứng dụng trong phát triển chất kháng khuẩn từ thực vật ngập mặn.

TS Lưu Đàm Ngọc Anh cho biết, nghiên cứu đã đánh giá toàn diện về đa dạng thực vật tại VQG Xuân Thủy, bao gồm thành phần loài, tình trạng quý hiếm của các loài thực vật và tiềm năng sử dụng tài nguyên thực vật tại khu vực đất ngập nước ở Việt Nam và Belarus.

Những ghi nhận mới không chỉ cung cấp dữ liệu đa dạng sinh học, mà còn mở ra triển vọng sử dụng bền vững tài nguyên thực vật rừng ngập mặn tại VQG Xuân Thủy nói riêng và các khu vực ở Việt Nam nói chung.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và suy giảm đa dạng sinh học toàn cầu, việc nghiên cứu, quản lý hiệu quả các hệ sinh thái trọng yếu này là nhiệm vụ cấp thiết, góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên sinh học quý giá cho thế hệ tương lai. Đáng chú ý, sự phát triển mạnh của một số loài thực vật được bảo vệ nhưng có nguy cơ trở thành loài xâm hại đang đặt ra thách thức lớn trong công tác bảo tồn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh Trường Tiểu học và THCS Quang Trung tự hào vì thành quả từ bài học STEM. Ảnh: TT

Giáo dục STEM tại vườn trường

GD&TĐ - Nhiều trường học ở Đắk Lắk sáng tạo trong tiếp cận giáo dục STEM bằng cách tận dụng khoảng không gian xanh khuôn viên trường...