Nhiều giải pháp nâng chất lượng giáo dục Tiểu học ở tình miền núi

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Hàng loạt giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục Tiểu học đã được ngành giáo dục Lào Cai đưa ra để các nhà trường triển khai, tháo gỡ.

Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục Tiểu học.
Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục Tiểu học.

Sở GD&ĐT Lào Cai đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ lãnh đạo Phòng Giáo dục Tiểu học; Phòng GD&ĐT các thành phố/huyện thị xã; hiệu trưởng trường Tiểu học… xung quanh vấn đề: Xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường để dạy và học 2 buổi/ngày; Nâng cao chất lượng dạy và học môn tiếng Việt, môn Toán, môn tiếng Anh, tin học; Các điều kiện đảm bảo dạy và học 2 buổi/ngày. Từ đây nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục Tiểu học đã được ngành giáo dục đưa ra.

Nâng chất giáo dục tiểu học từ dạy học 2 buổi/ngày

Theo bà Dương Bích Nguyệt, Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai trong những năm qua việc tổ chức dạy và học 2 buổi/ngày tại các trường Tiểu học trên địa bàn tỉnh Lào Cai được xác định là giải pháp căn cốt để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cấp tiểu học; giảm áp lực dạy thêm, học thêm ở tiểu học những trường trung tâm thành phố, huyện, thị xã.

Đội ngũ cán bộ quản lí các cấp, giáo viên tiểu học tâm huyết, cống hiến công sức với sự nghiệp giáo dục, đặc biệt các giáo viên dạy học sinh là người dân tộc thiểu số học tiếng Việt là ngôn ngữ thứ hai, tận tụy vì học sinh.

Đến nay 100% các trường tiểu học tỉnh Lào Cai thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường để dạy học 2 buổi/ngày (9 buổi/tuần với 32 tiết/tuần hoặc 33 tiết/tuần và 10 buổi/tuần với 35 tiết/tuần) và tổ chức thực hiện dạy học các môn học/hoạt động giáo dục theo quy định của Chương trình và các hoạt động giáo dục tăng cường theo nhu cầu người học theo quy định.

Kết quả, năm học 2021 - 2022, có trên 97% học sinh tiểu học toàn tỉnh được đánh giá đạt phẩm chất, năng lực trở lên. Tuy nhiên, hiện nay đa số cơ sở giáo dục tiểu học Lào Cai không đảm bảo định mức giáo viên/lớp để dạy 7 tiết/ngày và học 9 đến 10 buổi/tuần.

Dạy học 2 buổi/ngày giúp học sinh được giáo dục và phát triển toàn diện.

Dạy học 2 buổi/ngày giúp học sinh được giáo dục và phát triển toàn diện.

Việc học nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ chưa đảm bảo tiến độ, kế hoạch đào tạo theo Đề án phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên giai đoạn 2020-2025.

Đồng loạt giải pháp cho thời gian tới

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai, để nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học thời gian tới, ngành sẽ tổ chức tập huấn, quán triệt sâu rộng các văn bản chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và Bộ GD&ĐT, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, dạy học 2 buổi/ngày.

Đồng thời tiếp tục tham mưu các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai chương trình GDPT mới; tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình GDPT mới theo lộ trình quy định tại Thông tư số 32, đảm bảo các điều kiện thực hiện dạy học 2 buổi/ngày.

Ngành cũng tiếp tục tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu giáo viên ở từng trường, môn học, lớp học. Từ đó chỉ đạo sắp xếp, bổ sung, điều chuyển, sử dụng đội ngũ giáo viên phù hợp với điều kiện vùng miền, ưu tiên giáo viên dạy tin học, tiếng Anh đảm bảo 100% học sinh lớp 3 được học.

Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và phối hợp với các trường đại học sư phạm đào tạo nâng cao trình độ đạt chuẩn giáo viên để thực hiện chương trình GDPT mới.

Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đạt chuẩn để thực hiện chương trình GDPT mới.
Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đạt chuẩn để thực hiện chương trình GDPT mới.

Việc chỉ đạo các cơ sở giáo dục điều chỉnh, sắp xếp để sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có được quan tâm. Bên cạnh đó xây dựng kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm bổ sung thiết bị dạy học để thực hiện chương trình GDPT mới, đảm bảo dạy học 2 buổi/ngày;

Sẽ tăng cường chỉ đạo phong trào tự làm thiết bị dạy học, xây dựng nguồn học liệu điện tử. Tiếp tục thực hiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp học, học sinh phù hợp đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, rà soát, sắp xếp đưa học sinh ở điểm trường lẻ về trường chính, trường hợp đặc biệt các cơ sở giáo dục báo cấp có thẩm quyền xem xét cụ thể.

Căn cứ vào điều kiện thực tế về giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, trình độ học sinh, các trường có thể sắp xếp kế hoạch dạy học, thời khóa biểu phù hợp giữa Chương trình của Bộ GD&ĐT với các hoạt động giáo dục tăng cường theo nhu cầu người học...

Đảm bảo chế độ chính sách cho đội ngũ nhà giáo dạy 2 buổi/ngày (9 đến 10 buổi/tuần), mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học, mỗi tiết học 35 phút. Cụ thể, đối với các trường tiểu học đủ định mức giáo viên/lớp để dạy 2 buổi/ngày thực hiện dạy 7 tiết/ngày, không thu tiền xã hội hóa để chi trả cho giáo viên trong 7 tiết. Các nội dung dạy học tăng cường ngoài 7 tiết/ngày thực hiện theo quy định của Nghị quyết số 11 của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Đối với các trường tiểu học không đủ định mức giáo viên/lớp để dạy 2 buổi/ngày sẽ thực hiện theo công văn số 1570 của UBND tỉnh về chế độ dạy thêm giờ đối với giáo viên trong các cơ sở giáo dục công lập; văn bản số 2579 của Sở Tài chính về kinh phí chi trả chế độ dạy thêm giờ đối với giáo viên trong các cơ sở giáo dục công lập.

Như vậy, giáo viên thực hiện dạy đúng, đủ số tiết trung bình/tuần các môn bắt buộc theo đúng quy định (không kể các môn học tự chọn), theo Thông tư số 32 của Bộ GD&ĐT; và Quyết định số 16 của Bộ GD&ĐT.

Số tiết/tuần còn lại ngoài chương trình của Bộ GD&ĐT, các cơ sở giáo dục căn cứ tình hình thực tế có thể thực hiện các dịch vụ giáo dục thực hiện theo quy định của Nghị quyết số 11 của Hội đồng nhân dân tỉnh. Nhà trường phối hợp cha mẹ học sinh để quản lý đảm bảo quyền lợi với học sinh không tham gia các dịch vụ giáo dục.

Ngành GD&ĐT sẽ tiếp tục đẩy mạnh truyền thông về dạy học 2 buổi/ngày tới phụ huynh; biểu dương kịp thời gương người tốt, việc tốt trong thực hiện đổi mới chương trình GDPT. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện, hàng năm…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ