Nhiều dự án bất động sản tạm ngưng để "nghe ngóng" đợt bùng dịch thứ 2

Nhiều dự án bất động sản tạm ngưng để "nghe ngóng" đợt bùng dịch thứ 2

Từ thời điểm tháng 4, thị trường bất động sản có dấu hiệu khởi sắc khi đại dịch Covid-19 tương đối nằm trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, đợt bùng nổ dịch bệnh thứ hai đang khiến thị trường hoang mang.

Tại tọa đàm "Bất động sản trong vòng xoáy bất định: Xoay chuyển và thích nghi" diễn ra sáng 4/8, các chuyên gia cho biết thị trường vốn đã gặp nhiều khó khăn từ 2019 lại có thêm cú sốc từ Covid-19 nên bị đẩy vào tình thế "nội công, ngoại kích".

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, ngay từ khi Tết bắt đầu, đã có một loạt tín hiệu rất xấu, sau đó đến đại dịch Covid-19, thị trường bất động sản đình trệ nghiêm trọng.

"Đến tháng 4, Việt Nam đã có dấu hiệu kiểm soát được đại dịch Covid-19, thị trường bắt đầu có dấu hiệu hồi phục mạnh mẽ. Tuy nhiên, đến khi Covid-19 tái bùng phát, các dự án cũng phải tạm ngưng để nghe ngóng và xem xét", ông Đính cho biết.

Đồng tình với quan điểm của ông Đính, TS. Võ Trí Thành cũng cho rằng, hiện tại, thị trường bất động sản vẫn đang gặp nhiều vấn đề. Bên ngoài là dịch bệnh Covid-19, bên trong là những vấn đề liên quan đến chính sách, lệch pha cung cầu… Câu chuyện quan trọng là nguồn cung bị hạn chế chứ không phải lực cầu giảm, bởi ngay trong giai đoạn Covid-19 lực cầu vẫn có.

Theo khảo sát, tổng giá trị sang nhượng bất động sản đã giảm 0,4% so với cùng kỳ trong 7 tháng đầu năm trong khi giá cổ phiếu ngành giảm tới 16% so với đầu năm, là 1 trong 10 lĩnh vực có giá cổ phiếu giảm mạnh nhất (chỉ số VNIdex giảm 14% so với đầu năm).Đánh giá về mức độ tác động của dịch bệnh đến lĩnh vực bất động sản, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng thì cho rằng bất động sản là một trong 8 lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Trong khi đó, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh do Covid-19 tăng tới 98% so với cùng kỳ năm trước.

“Nói vậy để hiểu tác động của Covid -19 đối với doanh nghiệp bất động sản là rất lớn. Dù vậy, tôi cũng nhận thấy thị trường bất động sản cũng đang đối mặt với một số thách thức cũng như cơ hội mới”, ông Lực nhấn mạnh.

Theo TS. Cấn Văn Lực, cả nhà đầu tư và người dân đang dần thay đổi lối sống, tiêu dùng, khẩu vị rủi ro sau đại dịch. Họ trở nên thận trọng hơn. Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, họ sẽ đắn đo hơn khi xuống tiền.

Thứ hai là khung pháp lý cho bất động sản vẫn rất chậm, ví dụ như dòng sản phẩm condotel sau 4 năm vẫn chưa có khung pháp lý rõ ràng.

Thứ ba là thách thức đến từ các kênh đầu tư khác. Trong thời điểm hiện nay, xuất hiện nhiều kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn bất động sản, trong đó đáng chú ý là kênh đầu tư vào vàng. Từ đầu năm tới giờ, vàng thế giới tăng 27%, trong khi tại Việt Nam, giá kim loại quý cũng đã tăng tới 29%.

“Dù vậy, chúng tôi vẫn nhận thấy cơ hội ở ba lĩnh vực liên quan đến bất động sản”, chuyên gia Cấn Văn Lực đặt vấn đề.

Thứ nhất là cơ hội phát triển bất động sản công nghiệp nhờ việc dịch chuyển đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam. Thứ hai là logistics, trong một báo cáo mới công bố, Savills đánh giá Việt Nam là một trong ba thị trường hấp dẫn nhất châu Á về logistics. Thứ ba là nhu cầu về nhà ở với mức giá phải chăng hơn vẫn rất cao.

Theo zingnews.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ