Nhiều điểm mới, giảm được áp lực thi cử

Dự thảo phương án thi và công nhận tốt nghiệp THPT năm 2014 và những năm tiếp theo có những điểm mới, rất đáng chú ý.

Học sinh sẽ tăng cơ hội thể hiện mình thông qua chọn môn thi phù hợp
Học sinh sẽ tăng cơ hội thể hiện mình thông qua chọn môn thi phù hợp

Đưa ngoại ngữ thành môn tự chọn là phù hợp

Điểm thay đổi đầu tiên phải kể đến là giảm số môn thi. Thay vì 6 môn thi như hiện nay (trong đó có 3 môn bắt buộc và 3 môn được công bố vào cuối tháng 3 hằng năm), Bộ dự kiến sẽ chỉ còn 4 môn. 

Trong đó, 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn; 2 môn còn lại do thí sinh tự chọn trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý và Lịch sử. 

Điều đáng chú ý là môn Ngoại ngữ không nằm trong số môn bắt buộc cũng như tự chọn. Tuy nhiên, học sinh có thể đăng ký thi môn Ngoại ngữ để được cộng điểm khuyến khích vào điểm xét tốt nghiệp (tùy theo xếp loại của bài thi sẽ được cộng số điểm tương ứng).

Về điểm mới này, là cán bộ quản lý, thầy giáo dạy nhiều năm ở bậc THPT, tôi hoàn toàn nhất trí. Vì nó sẽ giảm được áp lực, căng thẳng cho học sinh, đỡ một phần tốn kém cho xã hội trong thi tốt nghiệp THPT. 

Về môn Ngoại ngữ, do hiệu quả, chất lượng dạy - học ở các vùng miền, địa phương chưa đồng đều; hơn nữa, cách thi lâu nay đã trở nên lạc hậu, chỉ kiểm tra, đánh giá được một phần kỹ năng viết và ngữ pháp nên chuyển môn Ngoại ngữ để cộng điểm khuyến khích, nếu có đăng ký thi là hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tế dạy - học môn Ngoại ngữ hiện nay.

Có người quan ngại, nếu không bắt buộc thi môn Ngoại ngữ thì chất lượng dạy - học sẽ giảm sút, đi xuống, vì đây là môn học công cụ cơ bản, rất cần thiết trong bối cảnh hội nhập. 

Chúng tôi thiết nghĩ, việc môn học này có thi hay không thi, không quan trọng. Cái cốt lõi, cái chính là ở chỗ nhận thức, thái độ, cách quản lý, đánh giá, kiểm tra của nhà trường, thầy cô giáo và học sinh, phụ huynh.

Cứ làm cho đúng, đánh giá cho chính xác theo quy định, chuẩn của Bộ đã ban hành thì liệu có học sinh nào dám chểnh mảng, lơ là việc học tập môn Ngoại ngữ nói riêng, các môn không thi tốt nghiệp nói chung không? 

Nhiều cơ sở giáo dục lâu nay làm không tới nơi, tới chốn, sính thành tích hay có những biểu hiện tiêu cực khác… nên thường đổ lỗi cho hiện thực khách quan: Không có thi nên học sinh không học, chất lượng đi xuống. Lỗi tại người lớn cả!

Mặt khác, việc để cho học sinh được toàn quyền lựa chọn 2 môn thi (trong các môn tự chọn) cũng là điều đáng mừng. Để học sinh được chọn lựa thi những môn mà các em học tốt, có thế mạnh, chứ không áp đặt, ấn định như trước đây vào cuối tháng Ba, làm tăng tính linh hoạt trong giáo dục, tính tự chủ trong từng học sinh, các em có điều kiện thể hiện khả năng của mình tốt hơn và kết quả sẽ cao hơn, hạn chế được tình trạng quay cóp, xem tài liệu trong phòng thi.

Làm đúng thì không lo tiêu cực

Một thay đổi nữa trong kỳ thi tốt nghiệp THPT là ngoài diện học sinh được miễn thi theo quy chế thi hiện hành, Bộ còn dự kiến miễn thi tốt nghiệp cho các học sinh có kết quả học tập, rèn luyện tốt. 

Theo kế hoạch, năm 2014, tỷ lệ miễn thi chung tối đa là 20%; trong các năm sau, có thể xem xét điều chỉnh tỷ lệ này. Cách đưa ra tỉ lệ như thế này cũng rất có cơ sở thực tế. Không giống như những năm trước đây, chỉ đưa ra một chuẩn duy nhất, dễ nảy sinh tiêu cực.

Xác định được 20% học sinh xuất sắc nhất là trách nhiệm thuộc về nhà trường, thầy cô giáo và cả học sinh. Muốn hạn chế được tiêu cực, có độ tin cậy, tính chính xác, đồng bộ trong đánh giá, phân loại diện học sinh được miễn thi tốt nghiệp, phụ thuộc rất nhiều vào trách nhiệm, vào năng lực quản lý, năng lực chuyên môn của các Sở GD&ĐT, đặc biệt là các cơ sở giáo dục. 

Dân chủ trong trường học cần phát huy hơn nữa, để thầy, cô giáo, học sinh, phụ huynh mạnh dạn, kịp thời phát hiện, tố giác những trường hợp có “vấn đề” tiêu cực.

Theo chúng tôi, để điểm mới này có tính khả thi hơn, Bộ cần xác định sẽ phải đưa ra những tiêu chí cơ bản nhất để xác định học sinh được miễn thi, làm cơ sở cho các Sở GD&ĐT xây dựng tiêu chí miễn thi cho các trường THPT. 

Tôi đề xuất, nên lấy kết quả học tập và hạnh kiểm cả 3 năm THPT, hạnh kiểm đạt loại tốt, học lực đạt loại khá trở lên, có điểm ưu tiên diện con em chính sách, những em tham gia công tác xã hội, hoạt động Đoàn, phong trào tập thể… nếu đồng kết quả thì tham chiếu thêm vào điểm trung bình học tập cả 3 năm.

Nếu từng nhà trường, địa phương làm tốt điểm mới này thì vừa giảm được số lượng học sinh tham gia thi tốt nghiệp vừa là nguồn động viên, khích lệ tinh thần, ý chí, phấn đấu học tập, rèn luyện của các em học sinh rất lớn.

Phương án 1: Thi 4 môn

2 môn bắt buộc: Toán và Ngữ văn. 2 môn còn lại: Thí sinh tự chọn trong số 5 môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử. Thí sinh có thể chọn môn Ngoại ngữ để được cộng điểm khuyến khích.

Phương án 2: Thi 5 môn

3 môn bắt buộc: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ. 2 môn khác: Thí sinh tự chọn trong số các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí và Lịch sử.

*****
Nhằm giúp Ngành Giáo dục có một phương án thi tốt nghiệp ổn định từ khi bắt đầu triển khai cho đến khi có lứa học sinh đầu học xong chương trình mới để thi theo phương án mới, vừa giảm áp lực cho học sinh vừa đảm bảo đánh giá thực chất hơn, báo GD&TĐ mở Diễn đàn đổi mới thi tốt nghiệp THPT 2014, đăng tải rộng rãi những ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, các nhà giáo, chuyên gia trong và ngoài ngành Giáo dục, các em học sinh và các bậc cha mẹ.

Mọi trao đổi, đóng góp xin gửi về: thitnpt@gmail.com 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ Ukraine trong một cuộc tập trận tại thao trường Yavoriv, phía tây Ukraine.

NATO hưởng lợi trong chiến sự

GD&TĐ - Binh sĩ Ukraine bị Nga bắt giữ tiết lộ các huấn luyện viên NATO cố gắng học hỏi lực lượng Kiev khi huấn luyện những người này.

Học sinh lớp 10A7 Trường THPT Lương Thế Vinh (Quảng Bình) tìm hiểu nhạc cụ dân gian trong tiết học Chuyên đề Ngữ văn 10. Ảnh: NVCC

Đưa trang văn gần với trang đời

GD&TĐ - Dạy học Ngữ văn chương trình mới, ngoài kiến thức cơ bản, nhiều giá trị văn học và tiếng Việt được tích hợp vào hoạt động đọc, viết, nói và nghe.