HS Trường phổ thông Nguyễn Siêu ( Hà Nội). Ảnh: gdtd.vn |
UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Quy định về mức thu, miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2014 - 2015, áp dụng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, có hiệu lực từ ngày 01/8/2010. Theo đó, mức thu học phí (áp dụng đối với loại hình trường công lập) được tính như sau:
Đối với trường mầm non không thực hiện bán trú: Khu vực thành thị (phường, thị trấn): 50.000 đồng/học sinh/tháng; khu vục nông thôn (xã): 25.000 đồng /học sinh/tháng. Đối với trường mầm non thực hiện bán trú: Khu vực thành thị (phường, thị trấn): 80.000 đồng/học sinh/tháng; khu vục nông thôn (xã): 40.000 đồng /học sinh/tháng.
Đối với các lớp phổ thông dạy chương trình đại trà, học phí tính theo vùng thành thị với mức từ 40.000 đến 60.000/tháng; vùng nông thôn từ 20-30 nghìn/tháng. Đối với trường chuyên THPT, học phí khu vực thành thị từ 60-70 nghìn/tháng; nông thôn từ 30-35 nghìn/tháng.
Trung tâm Giáo dục thường xuyên, khu vực thành thị từ 40-60 nghìn/tháng; khu vực nông thôn từ 20-30 nghìn/tháng.
Từ năm học 2011 – 2012 trở đi, học phí sẽ được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng tăng bình quân hàng năm do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo. Uỷ ban nhân dân Tỉnh sẽ xem xét trình Hội đồng nhân dân Tỉnh điều chỉnh cho phù hợp.
Ông Nguyễn Văn Tá - Giám đốc Sở GDĐT Phú Yên - thì cho biết, mức học phí mới của địa phương được điều chỉnh ở khoảng giữa của khung học phí mới do Chính phủ ban hành, cao nhất là 100.000 đồng/tháng ở bậc THPT. Cụ thể, cấp học mầm non, mức thu học phí khu vực thành thị, phường, thị trấn là 40.000/tháng; khu vực nông thôn: 20.000/tháng; khu vực miền núi: 10.000/tháng.
Đối với mầm non (lớp bán trú), mức học phí theo các khu vực như trên giảm dần từ 60-30 đến 15 nghìn đồng/tháng. THCS: 80-30-15 nghìn/tháng và THPT giảm dần từ 100-40-20 nghìn/tháng.
Ông Nguyễn Quý Đôn, Phó GĐ Sở GD&ĐT Cần Thơ cho biết, học phí mới được xây dựng trên cơ sở khung học phí mà Bộ GD&ĐT ban hành và đã được HĐND thành phố thông qua. So với mức học phí cũ, mức học phí mới dự kiến có tăng: Nhà trẻ mẫu giáo từ 7-15.000 đồng/ học sinh/ tháng thì nay tăng lên từ 40.000-130.000 đồng/ học sinh/ tháng; THCS từ 6-10.000 đồng/ học sinh/ tháng tăng lên từ 20.000-40.000 đồng/ học sinh/ tháng; THPT từ 12.000-20.000 đồng/ học sinh/ tháng tăng lên 30.000-50.000 đồng/ học sinh/ tháng; Bổ túc THCS, THPT từ 30.000-40.000 đồng/ học sinh/ tháng tăng lên 40.000-60.000 đồng/ học sinh/ tháng... Tuy nhiên, mức học phí cụ thể còn tùy thuộc vào địa bàn dân cư và loại hình trường, thí dụ như: trường trọng điểm, trường bình thường...
Mức học phí của Bình Định cũng vừa được HĐND tỉnh thông qua. Theo đó, bậc mầm non tăng cao nhất từ 30.000-75.000 đồng/HS/tháng ở vùng thành thị và thấp nhất từ 9.000-15.000 đồng/HS/tháng tại miền núi. Tương tự, mẫu giáo tăng từ 30.000 lên 60.000 đồng/HS/tháng ở thành thị và 9.000 lên 15.000 đồng/HS/tháng tại miền núi.
Bậc THCS tăng từ 20.000 đồng lên 50.000 đồng/HS/tháng tại thành thị; từ 10.000 đồng lên 25.000 đồng/HS/tháng tại nông thôn; từ 8.000 đồng lên 15.000 đồng/HS/tháng tại miền núi. Bậc THPT tăng từ 35.000 đồng lên 85.000 đồng/HS/tháng tại khu vực thành thị; từ 25.000 đồng lên 45.000 đồng/HS/tháng tại nông thôn; từ 15.000 đồng lên 25.000 đồng/HS/tháng tại miền núi.
HĐND tỉnh Phú Thọ đã ban hành Nghị quyết quy định mức thu học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh năm học 2010-2011. Theo đó mức thu học phí vùng thành, thị (các phường của thành phố Việt Trì và thị xã Phú Thọ) đối với nhà trẻ là: 110.000 đồng/học sinh/tháng; mẫu giáo 90.000 đồng/học sinh/tháng; THCS 70.000 đồng/học sinh/tháng; THPT, Bổ túc THPT 80.000 đồng/học sinh/tháng.
Mức thu vùng nông thôn và thị trấn các huyện đối với nhà trẻ là: 65.000 đồng/học sinh/tháng; mẫu giáo 50.000 đồng/học sinh/tháng; THCS 40.000 đồng/học sinh/tháng; THPT, bổ túc THPT 50.000 đồng/học sinh/tháng.
Mức thu vùng miền núi đối với nhà trẻ là: 25.000 đồng/học sinh/tháng; mẫu giáo 20.000 đồng/học sinh/tháng; THCS 20.000 đồng/học sinh/tháng; THPT, bổ túc THPT 25.000 đồng/học sinh/tháng.
Đối với nhà trẻ bán trú và mẫu giáo bán trú: Tính thêm 20.000 đồng/học sinh/tháng để chi phí cho tổ chức học bán trú. Đối với Trường THPT chuyên Hùng Vương: 150.000 đồng/học sinh/tháng.
Từ năm học 2011 – 2012 trở đi, học phí sẽ được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng tăng bình quân hàng năm do Bộ Kế hoạch và đầu tư thông báo.
UBND tỉnh Thái Nguyên cũng đã có văn bản về việc thực hiện Nghị định số 49 của Chính phủ về học phí. Văn bản nêu rõ: trong khi chờ Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 49 của Chính phủ, tiếp tục thực hiện mức thu học phí theo các quyết định hiện hành.
Cụ thể, mức thu đối với khu vực thành phố, thị xã, các cháu nhà trẻ là 100 nghìn đồng/tháng/cháu, mẫu giáo là 70 nghìn đồng/tháng/cháu; khu vực nông thôn, trung du, thị trấn miền núi nhà trẻ thu 60 nghìn đồng/tháng/cháu, mẫu giáo thu 30 nghìn đồng/tháng/cháu.
Đối với cấp THCS khu vực thành phố, thị xã thu 20 nghìn đồng/tháng/học sinh, khu vực nông thôn, trung du, thị trấn miền núi thu 10 nghìn đồng/tháng/học sinh. THPT khu vực thành phố, thị xã thu 35 nghìn đồng/tháng/học sinh; khu vực nông thôn, trung du, thị trấn miền núi là 25 nghìn đồng/tháng/ học sinh. Các lớp bán công trong trường công lập khu vực thành phố, thị xã thu 60 nghìn đồng/tháng/ học sinh; khu vực nông thôn, trung du, miền núi thu 45 nghìn đồng/tháng/học sinh. Các lớp bổ túc văn hóa từ lớp 10 đến 12 thu khu vực thành phố, thị xã thu 60 nghìn đồng/tháng/ học sinh; khu vực nông thôn, trung du, miền núi thu 45 nghìn đồng/tháng/ học sinh.
Đối với 79 trường mầm non vừa được HĐND tỉnh phê duyệt chuyển đổi từ mô hình bán công sang công lập, hiện đang trong quá trình chuyển đổi thì thực hiện mức thu theo quy định của trường công lập.
Theo đề án mức thu học phí mới đối với các trường mầm non và phổ thông công lập tại thành phố do Sở GD&ĐT Hải Phòng xây dựng, có 2 phương án điều chỉnh mức thu học phí từ năm học 2010-2011.
Ở phương án 1, mức thu học phí các bậc học ở thành thị tăng 0,14 đến 0,27 lần, ở nông thôn tăng 0,11 đến 0,28 lần so với trước.
Ở phương án 2, mức thu học phí bằng 150% những năm học trước cộng với 150% mức đóng góp xây dựng cơ sở vật chất thành phố cho phép thực hiện những năm trước. Theo đó, mức thu học phí các bậc học ở thành thị tăng 0,77 lần đến 1,62 lần; ở nông thôn tăng 0,33 đến 1,95 lần. Theo phương án này, mức thu cao nhất là nhà trẻ, với 160 nghìn đồng/trẻ/tháng (thành thị) và 80 nghìn đồng/trẻ/tháng (nông thôn). Học sinh bậc THPT có mức thu 105 nghìn đồng/người/tháng (thành thị), 62 nghìn đồng/người/tháng (nông thôn). So với đề xuất mức thu học phí của thành phố Hà Nội (tăng từ 2 đến 5 lần), đề án mức thu học phí của Hải Phòng có thể chấp nhận được.
Năm học mới này, Hà Nội chưa thay đổi mức học phí. Đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập, thực hiện thu chi học phí theo các quyết định thu chi học phí của từng địa phương đó ban hành trước khi hợp nhất. Đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục thường xuyên học phí được thu theo số tháng thực học. Đối với các cơ sở giáo dục phổ thông học phí được thu 9 tháng/năm. Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp học phí được thu 10 tháng/năm. Không thu tiền đóng góp xây dựng trường.
TP.HCM, theo ông Huỳnh Công Minh - Giám đốc Sở GDĐT thành phố, học kỳ I tới đây thành phố vẫn áp dụng mức học phí cũ, đồng thời tiếp tục nghiên cứu xây dựng học phí mới và sẽ áp dụng vào thời điểm hợp lý.
Một số tỉnh thành cũng cho biết chưa áp dụng khung học phí mới như Vũng Tàu, Tiền Giang, Trà Vinh, Hà Tĩnh... Một số trong các tỉnh này có thể sẽ áp dụng mức học phí mới trong học kỳ II của năm học.
Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo, tháng 12 năm nay các địa phương còn lại phải thực hiện xong nhiệm vụ điều chỉnh học phí theo nghị định của Chính phủ. Học phí mới phải thực hiện trên cơ sở huy động sự đóng góp của người dân và tuyệt đối không gây quá tải. Cùng với đó, các địa phương phải quyết liệt chấn chỉnh việc lạm thu. Đối với bậc tiểu học, theo quy định được miễn học phí thì ngân sách địa phương phải cân đối lại để đảm bảo đủ kinh phí hoạt động, tuyệt đối không để các trường tự ý đề ra các khoản thu.
Hiếu Nguyễn