Nhiều đại biểu thống nhất làm thẻ CCCD cho đối tượng dưới 14 tuổi

GD&TĐ - Nhiều đại biểu Quốc hội TP Hà Nội thống nhất cao với việc làm thẻ căn cước công dân (CCCD) cho đối tượng dưới 14 tuổi.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 1.
Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 1.

Giảm bớt thủ tục hành chính

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) tại phiên thảo luận tổ ngày 10/6, nhiều đại biểu Quốc hội TP Hà Nội thống nhất cao với việc làm thẻ căn cước công dân cho đối tượng dưới 14 tuổi.

Theo các đại biểu, việc làm này sẽ góp phần giảm bớt thủ tục hành chính, các loại giấy tờ và góp phần quản lý thông tin cho người dân được hiệu quả hơn.

Đề cập về thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được quy định tại Điều 10 của dự án Luật, đại biểu Nguyễn Thị Lan cho rằng, cần bổ sung vào kho lưu trữ dữ liệu để tăng cường dữ liệu quốc gia và hiệu lực quản lý thông tin.

Tuy nhiên, cần cụ thể thông tin, đối tượng nào bắt buộc phải đưa vào kho dữ liệu, đối tượng và thông tin nào thì không phải bắt buộc.

Ngoài ra, Điều 23 của dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) tích hợp thông tin vào thẻ căn cước để giảm bớt thủ tục giấy tờ, tránh thất lạc giấy tờ, thuận lợi cho cơ quan trong giao dịch, cải cách thủ tục hành chính và thuận lợi cho người dân trong việc giảm chi phí, thời gian đi lại.

Vì vậy, để đảm bảo an toàn, việc tích hợp này cần hạ tầng tốt để bảo vệ dữ liệu, tránh thất thoát, làm lộ bí mật thông tin của người dân.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan.

Đồng thuận với quan điểm bổ sung đối tượng được cấp thẻ căn cước công dân là người dưới 14 tuổi thực hiện cấp thẻ căn cước theo nhu cầu, đại biểu Nguyễn Hải Trung cho rằng, việc làm này rất thuận tiện cho các cháu dưới 14 tuổi trong việc kê khai giấy tờ khi đi học, khám chữa bệnh hay tham gia vào các hoạt động giao thông vận tải công cộng.

Việc làm thẻ căn cước công dân cho đối tượng này góp phần quản lý dữ liệu, thông tin cá nhân được tốt hơn bởi nếu dùng giấy khai sinh có thể bị hư hỏng, cũ nát nên dễ ảnh hưởng đến độ chính xác của thông tin cá nhân và người khác có thể sử dụng thay thế được. Để đảm bảo cơ sở dữ liệu thông tin được tốt hơn, đại biểu Nguyễn Hải Trung yêu cầu trong dự án Luật cần đề cập rõ hơn về hạ tầng để bảo mật dữ liệu cá nhân.

Về đối tượng áp dụng của dự án Luật, đại biểu Nguyễn Hải Trung đồng thuận với phần điều chỉnh là người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch. Việc làm này cũng góp phần đảm bảo việc quản lý những người này đang sinh sống, làm việc tại nước ta một cách khoa học hơn.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Trung.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Trung.

Sẽ thực hiện theo nhu cầu

Trước đó, trong phiên họp ngày 2/6, Quốc hội đã được nghe tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội về dự thảo Luật.

Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, dự thảo Luật đã bổ sung một Điều về giấy chứng nhận căn cước và quản lý người gốc Việt Nam; quy định việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho những người này.

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung nội dung thể hiện trên thẻ căn cước công dân theo hướng lược bỏ vân tay; sửa đổi quy định về thông tin số thẻ căn cước, dòng chữ “căn cước công dân”, quê quán, nơi thường trú, chữ ký của người cấp thẻ thành số định danh cá nhân, dòng chữ “thẻ căn cước”, nơi đăng ký khai sinh, nơi cư trú...

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) - chiều 2/6.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) - chiều 2/6.

Theo Bộ trưởng, việc thay đổi, cải tiến như trên để tạo thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình sử dụng thẻ căn cước, hạn chế việc phải cấp đổi thẻ căn cước và bảo đảm tính riêng tư của người dân.

Các thông tin căn cước của người dân cơ bản sẽ được lưu trữ, khai thác, sử dụng thông qua chíp điện tử trên thẻ căn cước. Những thẻ căn cước công dân đã cấp thì vẫn còn nguyên giá trị sử dụng, không bị tác động bởi quy định này.

Về người được cấp thẻ căn cước, dự thảo Luật bổ sung quy định về quản lý, cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi và cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của họ và phục vụ công tác quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, việc cấp thẻ cho người dưới 14 tuổi sẽ thực hiện theo nhu cầu, còn đối với người từ đủ 14 tuổi trở lên là bắt buộc.

Dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) gồm 7 Chương, 46 Điều, quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng luật; nội dung thể hiện trên thẻ căn cước, người được cấp thẻ căn cước, giá trị sử dụng của thẻ căn cước; độ tuổi đổi thẻ căn cước; căn cước điện tử, danh tính điện tử của công dân Việt Nam; trách nhiệm quản lý nhà nước về căn cước…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ