Một quán trà chén vỉa hè ở Hà Nội |
(GD&TĐ) - Nếu như người miền Nam có thói quen uống cà phê, thì đối với người miền Bắc trà chén như là một phần… tất yếu của cuộc sống. Những quán hàng trà chén vỉa hè đã trở nên quen thuộc đối với người dân từ thôn quê cho tới thành thị các tỉnh miền Bắc.
Một vốn bốn lời
Nói đến trà người ta thường nghĩ ngay đến những địa danh nổi tiếng về trà như Thái Nguyên, Tuyên Quang, Mộc Châu…
Tuy nhiên, để tiêu thụ thì phải nói đến một “kênh phân phối” rất hiệu quả với hệ thống các “đại lý” là các quán trà chén có mặt ở khắp nơi: Từ ngay trong ngõ nhỏ, nhà mặt đường cho tới vỉa hè, công viên, vườn hoa thậm chí có cả trên… mặt cầu, đường giao thông. Hệ thống “đại lý” này đang ngày càng gia tăng theo thời gian. Khu vực dân cư mở tới đâu thì “đại lý” mở tới đó…
Lý giải cho sự nở rộ của những quán trà chén, đa số đều cho rằng: “Ồ, cuộc sống khó khăn mà, người ta phải tìm cách mưu sinh thôi”.
Các hàng trà chén thường có mật độ dày đặc tại các khu vực đông người như: Bến xe, bệnh viện, công sở, các trường đại học, cao đẳng, các khu vực dân cư khác thì có ít hơn, nhưng nhìn chung là… đâu đâu cũng có!
Mặc dù đông như vậy, nhưng hầu hết các quán trà chén đều mang lại cho người kinh doanh một khoản thu nhập nhất định, có nhiều quán bán hàng liên tục từ sáng đến tối, mang lại lợi nhuận tới vài chục triệu mỗi tháng, nhưng cũng rất nhiều quán chỉ có thu nhập chừng dăm bảy chục nghìn đồng mỗi ngày.
Từ đây, có thể dễ dàng nhận ra một lượng khách hàng “khủng” đang ngày ngày… trà chén, và cũng có thể một độc giả nào đó đang đọc bài viết này tại…quán trà.
Một cốc trà chỉ 2.000 đồng, người ta sẵn sàng chi trả vì đó chỉ là tiền lẻ mà ít khi nghĩ đến sự đắt đỏ đến vô lý của nó.
Theo một số chủ quán bán trà chén lâu năm tính toán, thì 1 lạng chè khô giá khoảng 6.000 đồng, cứ cho là tiền nước thêm 3.000 đồng nữa là có thể pha được khoảng 60 chén trà, nhân với 2.000 đồng bằng 120.000 đồng, vậy là “1 vốn 14 lời”, tỷ lệ lãi mà các doanh nghiệp có “nằm mơ” cũng không thấy.
Ngoài bán trà chén, chủ quán còn có thu nhập gia tăng từ những mặt hàng bán kèm như kẹo lạc, hạt hướng dương, thuốc lá… một số quán còn kiêm thêm “đại lý” lô, đề.
Thêm vào đó, việc “đầu tư” cho một quán trà chén thì chẳng đáng là bao, hầu như ai cũng có thể làm được. Đây được cho là một lý do khiến cho các quán trà chén, đang không ngừng gia tăng về số lượng.
Nét đẹp phố phường tàn theo chén nước
Bác Tính, một cán bộ hưu trí ở quận Đống Đa cho biết: “Mỗi sáng, sau giờ tập thể dục, đi bộ, tôi thường uống một hai chén trà nóng được bán ngay trong công viên, cảm giác rất thú vị. Đối với tôi, uống trà mỗi sáng đã trở thành thói quen, dù có đi đâu hay bận việc gì, thì mỗi sáng cũng phải… uống trà”.
Còn anh Thành, nhân viên kinh doanh của một doanh nghiệp cho rằng, quán trà là phòng họp giao ban không chính thức của bộ phận kinh doanh trong công ty.
“Chúng tôi thường có mặt ở đây vào đầu giờ sáng hoặc sau giờ ăn trưa, thoải mái bày tỏ quan điểm và chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh, đôi khi còn là nơi gặp gỡ khách hàng.
Nhưng dù sao, cũng không nên quá lạm dụng về thời gian và tránh những câu chuyện tầm phào, vô bổ…”, anh Thành nói.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có sự nhìn nhận tích cực về những quán trà chén, bác Quý ở quận Thanh Xuân, Hà Nội bức xúc kể: “Quán trà ở đầu ngõ nhà tôi, là nơi tụ tập của đám thanh niên nhàn rỗi, họ có thể ngồi đó hàng giờ để tán chuyện, hút thuốc lào vặt, nói tục, chửi bậy kinh người.
Một vài chú thì ngồi co hai chân lên ghế chăm chú “nghiên cứu” như “giáo sư” để chiều đánh “con lô”, chứ “ăn đề… hơi khó”. Quán trà thế này, trông nhếch nhác vô cùng”.
Đến nay xã hội có nhiều thay đổi, nhưng những quán trà chén vẫn đang tồn tại đúng với bản chất ban đầu của nó.
Một số ý kiến cho rằng, khách du lịch đến Hà Nội nếu không một lần uống trà chén thì sẽ là uổng phí cơ hội trải nghiệm văn hóa đất Hà thành, thế nhưng một du khách nào đó bước vào quán trà như mô tả của bác Quý, thì chắc rằng họ sẽ phải thất vọng và chia tay với cái nhìn ít thiện cảm.
Anh Quang