Vệ tinh GOES-16 của Cục Quản lý Khí quyển và Đại dương quốc gia (NOAA) đã theo dõi khi bóng của Mặt trăng đi qua Thái Bình Dương, các phần của Chile và Argentina và Đại Tây Dương trong lần nhật thực toàn phần duy nhất vào năm 2020. NOAA đã chia sẻ một video tuyệt vời về hình ảnh vệ tinh trên Twitter ngay sau khi xảy ra nhật thực.
Mặt trăng bắt đầu che khuất Mặt trời ở một số địa điểm vào khoảng 9 giờ 15 phút sáng EST, tạo ra hiện tượng nhật thực bán phần cho người xem ở các khu vực như Lima, Peru. Trong khi đó, những người xem ở dải gồm Chile và Argentina, có thể chứng kiến bầu trời tối dần vào khoảng 11 giờ EST trong hơn hai phút.
Các lượt xem từ GOES-16 mang đến cơ hội cho những người theo dõi bầu trời trên toàn thế giới thưởng thức nhật thực toàn phần. Bởi, việc tận mắt chứng kiến sự kiện này là vô cùng khó khăn do đường đi hẹp. Trong khi đó, cơ hội đi lại hiện bị hạn chế bởi sự bùng phát của đại dịch Covid-19.
Video của NOAA ghi lại cái nhìn chi tiết về các đại dương xanh thẳm của Trái đất, vùng đất màu nâu và xanh lục, cùng những đám mây trắng cuộn xoáy từ không gian. Đoạn clip được đăng tải cũng cho thấy Mặt trời mọc ở Nam bán cầu và bóng tối của Mặt trăng che phủ Thái Bình Dương. Sau đó, bầu trời tối dần trên Nam Mỹ, trước khi Mặt trăng tiếp tục băng qua Đại Tây Dương.
“Mặc dù hiện tượng này chủ yếu có thể được nhìn thấy từ Trái đất tại một số khu vực của Nam Mỹ, GOES East có một cái nhìn hoàn hảo về bóng của Mặt trăng di chuyển trên Trái đất”, NOAA cho biết trong một bài đăng khác trên trang cá nhân. GOES East là vị trí quỹ đạo mà GOES-16 đã chiếm giữ từ cuối năm 2017.
Hiện tượng đặc biệt xảy ra vào ngày 14/12 này là nhật thực cuối cùng cũng như nhật thực toàn phần duy nhất trong năm nay. NASA và các nguồn khác đã cung cấp những chương trình phát sóng trực tiếp về sự kiện. Nhờ đó, giúp bất kỳ ai hứng thú có thể theo dõi trực tuyến.
Nhật thực toàn phần tiếp theo được dự đoán sẽ xảy ra trên bán đảo Nam Cực vào ngày 4/12/2021.