Nhật Bản nhận sớm tên lửa Tomahawk

GD&TĐ - Nhằm đối phó với môi trường an ninh châu Á ngày càng nhiều rủi ro, Nhật Bản được cho là sẽ sớm nhận được tên lửa Tomahawk từ Mỹ.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Minoru Kihara (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin (phải) gặp nhau tại Lầu Năm Góc, ngày 4/10/2023
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Minoru Kihara (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin (phải) gặp nhau tại Lầu Năm Góc, ngày 4/10/2023

“Nhật Bản sẽ bắt đầu mua tên lửa hành trình Tomahawk từ Mỹ vào năm tài chính 2025, sớm hơn một năm so với dự kiến ban đầu, nhằm đối phó với môi trường an ninh châu Á ngày càng phức tạp.

Việc thay đổi lịch trình sẽ góp phần tăng cường mạnh mẽ khả năng phòng thủ của đất nước chúng tôi sớm hơn”, Bộ trưởng Quốc phòng Minoru Kihara phát biểu trước giới báo chí ở Washington ngày 4/10 sau khi ông có cuộc hội đàm trực tiếp đầu tiên với người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin.

Trước đó, theo các quan chức hai nước, trong buổi gặp mặt, cả Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản và Mỹ đã xác nhận mối quan tâm chung của họ trong việc tăng cường khả năng răn đe và phản ứng của liên minh Nhật Bản-Mỹ, đồng thời hiện đại hóa vai trò và nhiệm vụ của các đối tác, trong bối cảnh những thách thức an ninh ngày càng tăng trong khu vực.

Là một phần trong quá trình chuẩn bị để có được khả năng "phản công" hoặc khả năng tấn công các căn cứ của đối phương nếu cần, Nhật Bản có kế hoạch mua 400 tên lửa Tomahawk của Mỹ, có tầm tấn công khoảng 1.600 km.

Một quan chức Nhật Bản cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng hai nước chia sẻ sự công nhận rằng, việc mua tên lửa Tomahawk Block-4 sẽ được xúc tiến trong năm tài chính bắt đầu từ tháng 4/2025, đồng thời lưu ý rằng, việc mua bán vẫn cần được Quốc hội Mỹ thông qua.

Được biết, ban đầu, Nhật Bản dự định mua tên lửa Tomahawk Block-5 mới nhất trong năm tài chính 2026 và 2027 để triển khai chúng trên các tàu khu trục Aegis của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải.

Theo quan chức này, hiện nay, trong số 400 tên lửa do Mỹ sản xuất, Tokyo có kế hoạch mua tới 200 tên lửa thuộc phiên bản trước đó trong khoảng thời gian từ năm tài chính 2025 đến năm tài chính 2027.

Phần còn lại của giao dịch mua sẽ bao gồm các tên lửa mới hơn, dự kiến sẽ được chuyển đến Nhật Bản theo lịch trình ban đầu.

Để mua được Tomahawk, chính phủ Nhật Bản đã dành 211,3 tỷ yên (1,4 tỷ USD) trong ngân sách cho năm tài chính 2023 bắt đầu vào tháng Tư.

Vì khoảng một nửa số tên lửa được mua là phiên bản cũ hơn nên sự thay đổi này có thể sẽ làm giảm chi phí mua sắm.

Tomahawk, được sử dụng lần đầu tiên trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, có thể bao phủ các khu vực ven biển nhiều nước, và được các quan chức Nhật Bản coi là cần thiết để tăng cường khả năng phòng thủ của Tokyo cho đến khi nước này có thể giới thiệu tên lửa hành trình sản xuất trong nước.

“Đây là thời điểm có động lực lịch sử trong liên minh Mỹ-Nhật. Washington muốn hợp tác chặt chẽ với Tokyo để làm cho liên minh trở nên mạnh mẽ hơn nữa”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói khi chào mừng ông Kihara đến Lầu Năm Góc.

Theo các quan chức, trong cuộc họp kéo dài gần một giờ, Bộ trưởng quốc phòng hai nước cũng đã thảo luận về các ưu tiên của lực lượng Nhật Bản và Mỹ trong những năm tới, bao gồm cả cách tốt nhất để duy trì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cởi mở, tự do và dựa trên luật lệ.

“Nhật Bản và Mỹ cần tăng cường khả năng của liên minh để ngăn chặn và ứng phó trước bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực vì điều đó không thể được dung thứ ở bất kỳ đâu trên thế giới”, ông Kihara nói.

Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, hai bên đã đồng ý tăng cường hợp tác "hơn bao giờ hết".

Cuối năm ngoái, trong một sự thay đổi chính sách lớn theo Hiến pháp từ bỏ chiến tranh của Nhật Bản, Nội các của Thủ tướng Fumio Kishida đã phê duyệt kế hoạch tăng cường đáng kể khả năng phòng thủ của đất nước và tăng mạnh chi tiêu cho mục tiêu đó.

Mỹ hoan nghênh sự phát triển này, bao gồm cả việc có được khả năng phản công.

Được biết, ông Kihara, người đảm nhận chức vụ mới trong cuộc cải tổ Nội các vào giữa tháng 9/2023, đã đến Mỹ hôm 3/10 trong chuyến thăm ba ngày.

Theo Bloomberg

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ