Nhật Bản: Có dấu hiệu ổn định trong lò phản ứng hạt nhân

Nhật Bản: Có dấu hiệu ổn định trong lò phản ứng hạt nhân

(GD&TĐ) – Một trong những lò phản ứng hạt nhân bị hỏng do sóng thần dường như có dấu hiệu ổn định vào hôm nay (19.3), khi Nhật Bản chạy đua để khôi phục hệ thống điện dẫn vào nhà máy để làm mát và ngăn chặn thảm họa lớn hơn.

Các kỹ sư đã thông báo một vài thành công hiếm hoi sau khi xe tải phun nước trong 3 giờ liền vào lò phản ứng số 3, nơi được cho là nguy hiểm nhất tại nhà máy hạt nhân Fukushima do nó sử dụng lượng plutonium độc rất cao. “Tình hình ở đó đã ổn một chút” – Tổng thư ký nội các Yukio Edano nói tại một cuộc họp báo.

Nỗ lực làm mát lò phản ứng vẫn tiếp tục
Nỗ lực làm mát lò phản ứng vẫn tiếp tục

Trước đó, các kỹ sư đã nối một dây điện tới bên ngoài của nhà máy hạt nhân trong một nỗ lực duy trì lượng nước bơm vào nhằm làm mát cần nhiên liệu đang quá nóng và ngăn chặn sự rò rỉ phóng xạ chết người. Họ hy vọng điện sẽ tiếp tục có đến chủ nhật để chạy tới 4 lò phản ứng cách Tokyo 240km.

Ông Edano cũng cho biết mức phóng xạ đã có trong sữa từ một nông trại ở Fukushima, cách nhà máy hạt nhân 30km và có trong rau trồng ở Ibaraki, một quận bên cạnh. Mức phóng xạ ở rau và sữa đã vượt quá giới hạn mà chính phủ đã đề ra và đây là trường hợp nhiễm phóng xạ đầu tiên kể từ sau thảm họa kép động đất, sóng thần hôm 11.3. Tuy nhiên, ông Edino nói rằng, những lượng phóng xạ cao hơn này vẫn không nguy hại đến sức khỏe của con người.

Các quan chức đã nối một đường dây điện đến lò phản ứng số 2 và dự kiến sẽ thử điện ở lò phản ứng số 1,2,3 và 4 vào ngày mai.

Làm việc biên trong khu vực sơ tán 20km ở Fukushima, gần 300 kỹ sư đã có một máy phát điện diesel thứ 2 gắn với lò phản ứng số 6 đang hoạt động, cơ quan an toàn hạt nhân cho biết. Họ đã sử dụng điện để khởi động lại bơm làm mát ở lò phản ứng số 5.

Ông Eric Moore, một chuyên gia điện hạt nhân tại Tập đoàn tư vấn FocalPoint của Mỹ cho biết: “Nếu họ thành công trong việc khôi phục hệ thống làm mát, đây sẽ là một bước quan trọng tiến tới thiết lập sự ổn định”. Nếu thất bại, một lựa chọn là chôn nhà máy 40 năm trong cát và xi măng để ngăn chặn một thảm họa phóng xạ. Phương pháp này đã được dùng ở lò phản ứng Chernobyl năm 1986, nơi được coi là thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất thế giới.

Các gia đình đi sơ tán khỏi thị trấn nhà máy điện hạt nhân Fukushima
Các gia đình đi sơ tán khỏi thị trấn nhà máy điện hạt nhân Fukushima

Thủ tướng Nhật Naoto Kan, đang đối mặt với thảm họa lớn nhất Nhật Bản kể từ sau Thế chiến thứ 2 khiến gần 7.000 người được khẳng định là đã chết và biến nhiều thị trấn thành bãi rác. Khoảng 10.700 người khác vẫn mất tích, trong đó có khả năng nhiều người đã không thể sống sót.

Hà Châu (Theo Reuters)

 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ