Nhập viện vì cắn móng tay: Lời cảnh tỉnh cho những ai đang có thói quen này

GD&TĐ - Cắn móng tay là thói quen nhiều người mắc phải. Hành động này tưởng chừng như vô hại nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe.

Nhập viện vì cắn móng tay: Lời cảnh tỉnh cho những ai đang có thói quen này

Nhập viện vì thói quen cắn móng tay 

Mới đây, bà Nguyễn Thị T. (Hà Nội) nhập viện trong tình trạng các đầu ngón tay sưng tấy, mưng mủ, đau nhức không chịu được. Nguyên do là từ bé đã có tật cắn móng tay, khiến móng tay lúc nào cũng cụt lủn không mọc được. Lần này, trong lúc vừa xem TV, bà vừa cắn móng đến mức mấy ngón tay bật máu.

Tưởng giản đơn bà cho qua và vẫn làm việc nhà như bình thường, thậm chí hôm đó bà còn ra đào đất trồng mấy cây hoa cảnh. Chẳng ngờ, sau đó, móng tay sưng to, đau nhức mưng mủ, người mệt mỏi, bà không chịu được phải vào viện. Bác sĩ chẩn đoán bà bị nhiễm trùng nặng phải nhập viện. 

Trả lời vấn đề này trên báo Khoa học và Đời sống, BS. Nguyễn Tiến Dũng, bệnh viện Bạch Mai cho biết, cắn móng tay không chỉ gây đau đớn, mắc các bệnh đường tiêu hóa, mà còn gây ra những tai nạn dở khóc dở cười như trường hợp bà T. kể trên.

Khi bị nhiễm trùng cần đến bệnh viện để sát trùng, dùng kháng sinh thích hợp, nếu để lâu sẽ chịu hậu quả khôn lường.

Đối với những người có tật cắn móng tay, trẻ nhỏ thì nên đi chữa sớm, người lớn biết rõ nhược điểm của mình không bỏ được thì cũng nên hạn chế.

Những tác hại của việc cắn móng tay

Các chuyên gia về sức khỏe cho rằng, những người thường xuyên cắn móng tay thì sẽ để lại những hậu quả nguy hiểm cho sức khỏe về sau.

Nhiễm khuẩn

Khu vực dưới móng tay là nơi chứa nhiều loại vi khuẩn có hại như khuẩn salmonella, E.Coli hay vi khuẩn gây cảm cúm. Khi bạn cắn móng tay, chúng có thể thâm nhập vào miệng và xuống dạ dày, gây bệnh cho cơ thể.

Gây suy yếu răng

Cắn móng tay gây áp lực lên răng của bạn. Ngoài ra, nó có thể khiến vị trí răng dịch chuyển, gây mẻ răng hoặc hỏng men răng.

Viêm mé móng.

Viêm mé móng.

Biến dạng lợi

Nếu muốn có nụ cười đẹp, bạn nên ngừng cắn móng tay ngay lập tức. Ngoài nguy cơ làm yếu răng, thói quen này còn có thể gây ra các bệnh về lợi và gây thụt lợi. Các góc cạnh của móng tay có thể đưa vi khuẩn vào kẽ răng, tạo thành các mô lợi bị nhiễm khuẩn và đau nhức.

Nhiễm trùng móng tay

Nếu lỡ miệng cắt mất một mảng móng tay lớn, bạn có nguy cơ mắc viêm mé móng. Bệnh này có thể kéo dài nhiều tuần, khiến mé móng tay đau nhức và sưng phù.

Viêm khớp

Nếu như hiện tượng nhiễm trùng chỉ xảy ra ở bên ngoài và có thể kiểm soát được thì một hậu quả khác của việc cắn móng tay thường xuyên là các khớp ở bàn tay sẽ bị viêm. Tình trạng này gọi chung là viêm khớp nhiễm trùng, rất khó chữa và đôi khi cần phải phẫu thuật.

Theo David Katz, giám đốc Trung tâm nghiên cứu phòng ở Đại học Yale cảnh báo bệnh viêm khớp tay cũng có thể dẫn đến tình trạng khuyết tật vĩnh viễn, thậm chí là nhiễm trùng toàn thân.

Nếu bạn đang có thói quen cắn móng tay, hãy từ bỏ ngay.

Nếu bạn đang có thói quen cắn móng tay, hãy từ bỏ ngay.

Nổi mụn

Những người thường xuyên cắn móng tay có nguy cơ nổi mụn nước xung quanh móng - thường do vi khuẩn HPV gây ra. Nếu bạn chạm ngón tay nhiễm khuẩn lên mặt, mụn sẽ có cơ hội lây lan trên da.

Móng tay quặp

Việc cắn móng tay tạo điều kiện cho móng mọc ngược vào trong, gây sưng tấy, đau đớn và có thể cần đến phẫu thuật nếu bị nhiễm trùng.

Hơi thở có mùi khó chịu

Vi khuẩn từ móng tay xâm nhập vào miệng khiến người có thói quen này dễ bị bệnh hơi thở có mùi hôi.

Làm thế nào để khắc phục tình trạng cắn móng tay?

Nếu đó đã là thói quen thì sẽ cần nhiều thời gian để khắc phục nhưng bên cạnh đó vẫn còn những giải pháp đơn giản bạn có thể thực hiện:

- Thường xuyên cắt móng tay cho gọn gàng, sạch sẽ.

- Sơn móng tay để cho chúng luôn mới và bạn sẽ không nỡ phá bỏ vẻ đẹp của lớp nước sơn.

- Nếu buồn miệng muốn nhai thứ gì đó, hãy dùng kẹo cao su.

- Mang theo kềm, dũa để sửa móng khi bị gãy.

Theo Giadinhmoi.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ