Nhân rộng cách làm hay

GD&TĐ - Hiện nhiều đơn vị triển khai mô hình hướng nghiệp đưa học sinh đến trải nghiệm trực tiếp ở trường đại học (Campus Tour).

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Tại TPHCM, từ năm 2019, Campus Tour do Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TPHCM phối hợp với đơn vị thành viên và các trường uy tín khác thực hiện đã thu hút đông đảo học sinh thành phố và khu vực lân cận tham gia. Ở Đồng bằng sông Cửu long, Trường ĐH Trà Vinh, ĐH Kiên Giang… cũng là địa chỉ tham quan trải nghiệm hướng nghiệp thú vị của học sinh THPT trong vùng.

Không chỉ tổ chức những chuyến campus tour, nhiều trường ĐH còn mở cửa cho học sinh trung học tham gia một số học phần chương trình đại học. Theo cơ chế đặc thù được ĐHQG Hà Nội ban hành cuối năm 2021, học sinh THPT chuyên của đại học này và học sinh THPT chuyên trong cả nước từ học kỳ II lớp 11 được đăng ký học tích lũy trước một số học phần thuộc ngành đào tạo đại học của các trường thành viên.

Cơ chế này cho phép học sinh học vượt cấp để rút ngắn thời gian học đại học, tiếp cận sớm hơn với chương trình đào tạo nâng cao, chuyên sâu theo định hướng nghề nghiệp mà các em đam mê và muốn theo đuổi.

Trước đó, từ năm 2019, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cũng cho phép học sinh có nhu cầu được học môn Nhập môn Kỹ sư ngành, theo hình thức trực tuyến.

Môn học này có trong chương trình đào tạo của trường với hai tín chỉ, gồm giới thiệu tổng quát chương trình đại học, trang bị kiến thức, kỹ năng giúp người học hình dung sẽ học môn học nào, cần năng lực gì... Kết thúc môn học, học sinh sẽ thi hết môn, nếu đỗ được nhà trường công nhận điểm và miễn môn học này khi chọn học tại trường.

Mới đây, Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TPHCM) cũng tổ chức khóa học trải nghiệm hè “Em là kỹ sư Điện - Điện tử tương lai” cho học sinh đến từ các trường THPT. Chương trình giúp bạn trẻ có cái nhìn tổng quan hơn về ngành Kỹ sư Điện, Điện tử, từ đó đưa ra lựa chọn ngành học trong tương lai.

Cho học sinh trải nghiệm môi trường đại học, đặc biệt học trước một số phân môn là hoạt động phổ biến ở các nước có nền giáo dục phát triển. Tại Việt Nam, dù mới triển khai một vài năm gần đây nhưng xu hướng này được nhìn nhận là cách hướng nghiệp khá tích cực, hiệu quả.

Không phải là những thông tin “lớt phớt” kiểu cưỡi ngựa xem hoa, trải nghiệm môi trường đại học giúp học sinh có định hướng nghề nghiệp rõ ràng hơn. Đây cũng là hình thức học tập phù hợp với định hướng giáo dục nghề nghiệp bậc trung học của Chương trình GDPT 2018.

Tuy vậy, thực tiễn trải nghiệm môi trường đại học thời gian qua cho thấy học sinh vùng sâu, vùng xa khó tiếp cận mô hình này, do chi phí và điều kiện tổ chức. Phổ biến nhất vẫn là hình thức campus tour trải nghiệm đại học diễn ra trong khoảng 1 ngày, với sự chia sẻ kinh phí từ phụ huynh. Còn việc tổ chức cho học sinh học trước một số phân môn hay trải nghiệm hè dài ngày thì rất ít trường thực hiện và kén học sinh.

Như chương trình của ĐHQG Hà Nội chủ yếu thu hút học sinh chuyên tại Thủ đô, còn học trò chuyên các tỉnh khó theo đuổi vì nhà trường đào tạo trực tiếp. Điều kiện, nguồn lực của cơ sở đại học cũng vừa phải nên nếu học sinh đăng ký học phải đóng học phí; nơi nào miễn phí thì thực hiện cơ chế tuyển chọn với số lượng ít.

Để đông đảo học sinh, kể cả vùng sâu, vùng xa có thể trải nghiệm môi trường đại học thuận lợi, hướng nghiệp hiệu quả hơn, rất cần phát triển chương trình khám phá trải nghiệm trực tuyến, học trực tuyến miễn phí từ các trường đại học. “Virtual Tour - Chuyến tham quan trải nghiệm thực tế ảo” của Trường ĐH Phenikka đã làm trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hay học nhập môn Kỹ sư ngành theo hình thức trực tuyến như Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM làm, là những mô hình cần được nhân rộng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ