Tôi “chạm ngõ” Báo Giáo dục và Thời đại vào mùa hè năm 1991 khi đang là sinh viên năm thứ ba khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1.
Một hôm, trên đường từ nhà ăn về ký túc xá, gặp cô bạn cùng lớp (vốn là học sinh chuyên, từng đạt giải Ba học sinh giỏi quốc gia môn Văn, tuyển thẳng đại học), bảo tôi: “Chị M, biên tập viên Báo Giáo dục và Thời đại đang nhờ tớ tìm giúp một số bài nghiên cứu khoa học của sinh viên khoa Văn để phục vụ chuyên mục. Cậu xem có bài nào không?”. Tôi bèn về phòng, chọn tiểu luận Lý tưởng anh hùng trong thơ văn Nguyễn Trãi là bài tập lớn của năm thứ hai, do thầy Lã Nhâm Thìn hướng dẫn, đưa cho cô bạn cùng lớp, nhờ chuyển đến tòa soạn. Thế là tôi trở thành CTV của báo ngành từ đó.
Sang năm thứ tư, phần vì bị cuốn vào chương trình thực tập, ôn thi tốt nghiệp, làm khóa luận… nên tôi không có thời gian nghĩ đến việc viết bài, cộng tác với Báo. Ra trường, tôi dạy học ở một trường vùng quê tại tỉnh Hải Dương. Đó là một trung tâm giáo dục thường xuyên của huyện. Hệ đào tạo theo chương trình bổ túc văn hóa của đơn vị, chỉ có trên dưới mười lớp (kể cả lớp dành cho đối tượng là cán bộ, công chức đang công tác). Tuy điều kiện về cơ sở vật chất, kinh phí còn nhiều khó khăn nhưng Chi bộ trung tâm và lãnh đạo đơn vị hết sức quan tâm đến việc cập nhật thông tin cho cán bộ, giáo viên.
Trong đó, ngoài Báo Nhân dân, Báo Hải Dương; một tờ báo không thể thiếu là Giáo dục và Thời đại (gồm: Báo Ngày, ấn phẩm Chủ nhật và ấn phẩm hàng Tháng). Vào khoảng cuối những năm 1990 đầu những năm 2000, khi Internet và mạng xã hội chưa bùng nổ và phát triển như hiện nay, đây thực sự là một nỗ lực, cố gắng rất lớn trong công tác tuyên giáo nói chung và công tác thông tin, tuyên truyền về lĩnh vực GD-ĐT nói riêng.
Trong sinh hoạt chuyên môn, chúng tôi luôn coi báo ngành là một trong những “cẩm nang” góp phần phục vụ nhu cầu tìm tòi tư liệu nghiên cứu, “túi khôn” tư vấn về những vướng mắc, điểm “nghẽn” trong tư duy liên quan đến nghề nghiệp… Riêng Giáo dục và Thời đại Chủ nhật thường có những bài viết chuyên sâu về các lĩnh vực khoa học xã hội, như: Văn học, lịch sử, văn hóa… Điều này đã có tác dụng thiết thực đối với các thầy, cô giáo hàng ngày đứng trên bục giảng như chúng tôi. Giúp chúng tôi nâng cao trình độ về chuyên môn. Các bài giảng, nhờ đó có chiều sâu hơn, thuyết phục hơn đối với học sinh.
Loại hình giáo dục thường xuyên có nét đặc thù là phạm vi giao tiếp xã hội rộng hơn so với loại hình chính quy. Vì vậy, giáo viên có thể cảm nhận thêm những cảnh ngộ cuộc đời, những số phận con người trong đời sống giáo dục. Không hiếm nét đẹp giữa đời thường, những câu chuyện cảm động liên quan đến sự nghiệp “trồng người” mà chúng ta chưa biết. Khi gặp đối tượng như thế, diễn đàn đầu tiên mà tôi muốn chia sẻ sự cảm nhận của mình chính là Báo Giáo dục và Thời đại.
Những tấm gương học sinh vượt khó, học giỏi; học sinh đặc biệt biết chiến thắng tật nguyền để hòa nhập đời sống cộng đồng với niềm tin và nghị lực mãnh liệt; những thầy, cô giáo dù cho còn bộn bề gian khó trong cuộc sống hàng ngày (nhất là nơi vùng cao biên giới hay hải đảo xa xôi), nhưng vẫn giữ được ngọn lửa niềm yêu nghề luôn cháy sáng… đã trở thành nguồn động viên cống hiến đối với hàng vạn giáo viên đang bám trụ trên mọi miền đất nước. Rất may mắn là một số bài viết về gương người tốt, việc tốt của tôi đã được tòa soạn sử dụng kịp thời nên hy vọng một phần nào đó, có sự khích lệ nhất định (chủ yếu là tinh thần) đối với các “đương sự” .
Và từ cái buổi “gặp gỡ” ban đầu dẫu là ở mức “từ xa”, qua bước “trung gian” nhưng không kém phần quyến luyến ấy với Giáo dục và Thời đại; mối lương duyên giữa tôi với báo ngành ngày càng bền chặt, gắn bó. Chính báo ngành đã góp phần nhân mãi niềm yêu nghề của các thầy, cô, trong đó, có tôi.