Nhân lực công nghệ thông tin Việt: Yếu và thiếu

Chất lượng yếu, số lượng người làm việc được hạn chế, nguồn nhân lực CNTT tại Việt Nam vẫn là điều trăn trở cho những người đang hoạt động trong ngành này.

Nhân lực công nghệ thông tin Việt: Yếu và thiếu

Chất lượng yếu và thiếu

Tại hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực CNTT: Chuẩn hóa kỹ năng nhân lực CNTT” do Bộ Thông tin&Truyền thông tổ chức tại TPHCM ngày 6/6, đại diện các cơ quan Nhà nước và các hiệp hội cũng như doanh nghiệp đều bày tỏ sự băn khoăn về nguồn nhân lực CNTT tại Việt Nam.

Ông Tô Hồng Nam - Đại diện Vụ CNTT (Bộ TT&TT) - trong báo cáo tại hội thảo cho biết: Nguồn nhân lực CNTT tại Việt Nam hiện nay có số lượng rất hạn chế. 

Dự kiến đến năm 2020 nhu cầu về nguồn nhân lực CNTT lên tới 600.000 người, nhưng hiện chỉ có 2/3 số trường Đại học (trong số 400 trường) có đào tạo ngành này và đáp ứng được hơn 60% nhu cầu.

Việc tìm kiếm nguồn lao động chất lượng cao rất khó, điển hình như Tập đoàn Samsung cần 2.000 nhân lực công nghệ cao làm việc tại nhà máy nhưng vẫn chưa thể tìm được.

Bên cạnh việc số lượng hạn chế, về chất lượng nguồn nhân lực ông Tô Hồng Nam cũng nhận xét là rất yếu, cụ thể như khối xã, phường tại Hà Nội chỉ có 23,6% đơn vị có nhân lực CNTT đạt trung bình trở lên;

Hay Global Cybersoft hàng năm phỏng vấn 20 - 25% nhân lực CNTT nhưng chỉ 10% đáp ứng được yêu cầu; năng suất một nhân lực phần mềm tại Việt Nam hàng năm làm ra chỉ 13.000 USD, bằng 40% của Ấn Độ và 65% của Trung Quốc.

Nguyên nhân của sự yếu kém trên, theo ông Nam, là do công tác đào tạo không có chuẩn đầu ra chung, mỗi cơ sở đào tạo theo giáo trình khác nhau, chứng chỉ cũng khác nhau gây khó khăn cho người sử dụng lao động (phải kiểm tra, đào tạo lại…).

Ông Phí Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Tin học TPHCM (HCA) - cũng cho biết: Những khảo sát của HCA tại các doanh nghiệp IT, sử dụng IT (khối dịch vụ Tài chính), doanh nghiệp đào tạo CNTT cũng cho thấy, mặc dù được phân tích, mổ xẻ rất nhiều nhưng những khó khăn về nguồn nhân lực vẫn chưa được giải quyết.

Doanh nghiệp rất khó tuyển dụng khi đa số nguồn nhân lực được đào tạo đều thiếu kinh nghiệm, thiếu kỹ năng mềm, thiếu kiến thức chuyên môn và trình độ ngoại ngữ kém. 

Đặc biệt ở khối quản lý khi tuyển dụng tại các doanh nghiệp, tỷ lệ thiếu kỹ năng mềm lên tới 47,69%, còn ở chuyên viên phần mềm thì tỷ lệ thiếu kinh nghiệm, thiếu kỹ năng mềm và yếu ngoại ngữ đều trên 40%.

Ông Lê Quốc Cường - Phó Giám đốc Sở TT&TT TPHCM - chỉ ra nguyên nhân của việc nguồn nhân lực CNTT yếu và thiếu như trên: Công tác đào tạo hiện nay chưa thể yên tâm về chất lượng, chưa đáp ứng nhu cầu làm việc ngay tại các đơn vị tuyển dụng; 

Chương trình đào tạo còn tản mạn, chưa tập trung đến những nhu cầu cấp thiết của xã hội; Đào tạo chưa theo sát nhu cầu thực tế, giáo trình chưa cập nhật kịp thời với sự thay đổi và phát triển nền khoa học, công nghệ trên thế giới;

Đào tạo ngoại ngữ chuyên ngành chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường; Chưa hỗ trợ xác đáng cho sinh viên trong việc định hướng nghề nghiệp, có được cơ hội thực tế, nâng cao trình độ theo sát sự phát triển công nghệ...

Cần có chuẩn kỹ năng về CNTT

Trước tình trạng về nhân lực CNTT nêu trên, ông Tô Hồng Nam cho rằng, cần một tiếng nói chung trong thị trường nhân lực CNTT, cần một “thước đo” phẩm chất nhân lực được các bên tham gia thị trường nhân lực CNTT sử dụng đơn vị sử dụng lao động, cơ sở đào tạo, người lao động và cơ quan quản lý Nhà nước.

Chính vì thế việc xây dựng chuẩn kỹ năng CNTT tại Việt Nam là điều cấp thiết và nhằm cải thiện chất lượng nguồn nhân lực CNTT hiện nay, tránh tình trạng nguồn nhân lực được đào tạo ra nhiều, nhưng lại không đáp ứng nhu cầu và không được sử dụng lại trở thành thiếu.

Đồng quan điểm, ông Phí Anh Tuấn cũng cho rằng, việc chuẩn hóa nguồn nhân lực CNTT hiện nay là điều cấp thiết. Việc chuẩn hóa sẽ giúp doanh nghiệp không còn khó khăn trong công tác tuyển dụng, người học cũng định hướng được nghề nghiệp của mình rõ hơn và các đơn vị đào tạo cũng định hướng, thiết kế được những khung đào tạo theo nhu cầu thị trường.

Theo ITC News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nam Định FC thua đáng tiếc Thể Công Viettel trên sân Hàng Đẫy.

Nam Định thua sốc Thể Công Viettel

GD&TĐ - Xuất sắc đánh bại Nam Định trên sân nhà, Thể Công Viettel cải thiện đáng kể vị trí trên bảng xếp hạng sau vòng đấu thứ 19.