Andrew Pelling - một nhà sinh học người Canada mới đây đã đưa ra một dự án khiến cả nhân loại giật mình. Anh đã phá bỏ mọi rào cản nghiên cứu truyền thống, khi quyết định tạo ra một thế hệ bộ phận dự trữ cho cơ thể người từ... rác thải.
Pelling vốn đã luôn hướng đến ý tưởng tận dụng rác thải để mang lại một điều gì đó cho nhân loại - đến nỗi nhiều người gọi anh là một nhà khoa học... điên. Và lần này, "kẻ điên" ấy lại đang xây dựng một dự án trồng tai người từ tế bào của những lõi táo ăn dở. Cái tai này tất nhiên sẽ không thể nghe được, vì chỉ là vành tai, nhưng nó có kích cỡ giống hệt, đồng thời lại mang tế bào của con người, theo Trí Thức Trẻ.
Đầu tiên, nhóm nghiên cứu sử dụng lá cây, nhưng không khả thi. Sau cùng, Pelling nảy ra ý tưởng sử dụng táo: tách toàn bộ tế bào và ADN của táo, rồi cấy vào đó tế bào của người. Sản phẩm tạo thành chính là lớp cellulose này. Trước đó, nhóm nghiên cứu sẽ khoét quả táo theo hình dạng vành tai, rồi mới thay tế bào người vào đó. Chiếc tai người này có thể được sử dụng để cấy vào cơ thể người, theo như những gì họ công bố trên tạp chí PLOS One.
Khung cellulose từ táo được nuôi cấy mô tế bào sống của người. Ảnh: Andrew Pelling
Theo các chuyên gia, nghiên cứu này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, vì nó đem lại một nguồn cung bộ phận cho con người với cái giá rẻ hơn rất nhiều so với những phương pháp hiện nay. Pelling cho biết: "Các phương pháp nuôi cấy hiện nay khá đắt tiền và gặp nhiều vấn đề, vì họ lấy từ nguồn động vật hoặc các tử thi. Chúng tôi chọn táo, và táo vô cùng rẻ".
VnExpress dẫn theo Ideas.ted.com cho hay, dự án này có thể là nguồn cung cấp các bộ phận khác của con người như da, xương, mạch máu, nội tạng với chi phí thấp và vật liệu dễ tìm. Các nhà nghiên cứu từng thử nghiệm nuôi cấy tế bào trong phòng thí nghiệm, thậm chí nuôi cấy các cơ quan phức tạp hơn như thận và tim. Nhưng họ cần một loại vật liệu nền có khả năng lưu trữ tế bào sống.
Phương pháp phổ biến hiện nay là nuôi cấy tế bào trên khung có sẵn của bộ phận hiến tặng. Các nhà nghiên cứu thế tế bào của bệnh nhân vào khung protein của bộ phận hiến tặng. Do quá trình tương đối phức tạp, họ chỉ thành công với một vài bộ phận cơ thể đơn giản.
Phương pháp của Pelling là sử dụng cellulose trực tiếp từ táo đã qua xử lý. Khi nuôi cấy tai trên khung, các tế bào liên kết với nhau, phát tín hiệu đến nguồn cung cấp máu và trở thành một phần của cơ thể. Các nhà nghiên cứu cũng đang tiến hành thí nghiệm tương tự với các loại rau khác như lê, măng tây và nấm nhằm nuôi cấy xương, dây thần kinh và da.