Điều này đồng nghĩa kinh phí cho NCKH của cán bộ và SV thấp hơn nhiều so với quy định.
Đầu tư không đồng bộ
Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga nêu quan điểm: Tăng nguồn thu từ hoạt động khoa học và công nghệ là một trong những dấu hiệu thể hiện sự phát triển của khoa học và công nghệ của một cơ sở giáo dục ĐH.
Thế nhưng, tình trạng mất cân đối thu – chi trong NCKH vẫn diễn ra ở nhiều cơ sở giáo dục đại học. Theo kết quả đánh giá và thẩm định 20 trường ĐH (trong năm 2016) của Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục – ĐH Quốc gia Hà Nội, “cân đối thu – chi từ khoa học công nghệ (KHCN) âm, tức là thu không đủ chi cho khoa học, lạm chi vào nguồn học phí và nguồn khác; Hầu hết các trường chưa có sản phẩm KHCN đem lại nguồn thu đáng kể”.
PGS.TS Võ Trung Hùng – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng) nhận xét: “Khâu yếu nhất của các trường ĐH hiện nay là mảng ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Chúng ta không có kinh nghiệm “bán hàng” nên để sản phẩm có thể ứng dụng phải thông qua các công ty, doanh nghiệp có thế mạnh về kinh doanh, có lượng lớn khách hàng mới đến tay người dùng. Tại các trường ĐH, viện nghiên cứu ở nước ngoài, mỗi lần có hội thảo NCKH là doanh nghiệp tự tìm đến, thấy đề tài nào có thể ứng dụng trong thực tiễn họ đặt vấn đề mua ngay. Ở Việt Nam, nếu giảng viên muốn đề tài nghiên cứu của mình được ứng dụng trong thực tế phải tham gia từ khâu nghiên cứu cho đến khi có sản phẩm hoàn chỉnh”.
Ở một góc độ khác, PGS.TS Nguyễn Đình Lâm – Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) cho rằng: “Một trong những khó khăn của công tác NCKH trong trường ĐH là kinh phí đầu tư của Nhà nước, nếu có, chỉ tập trung vào đầu tư thiết bị còn thiếu, hoặc không đồng bộ với chi phí cần thiết cho duy tu, bảo dưỡng.
Kinh phí đầu tư cho NCKH cơ bản và nghiên cứu phát triển, ứng dụng không tương xứng. Nhà nước đang tập trung nhiều cho nghiên cứu cơ bản nên đầu tư tài chính cho sự phát triển bền vững không đạt. Việc quản lý mua sắm vật tư, thiết bị phục vụ NCKH giống như quản lý mua sắm cơ sở vật chất; Thêm vào đó, thủ tục thanh quyết toán phức tạp đã không khuyến khích được giảng viên có trình độ cao thực hiện NCKH”.
Tăng cường mối quan hệ
Tăng cường mối quan hệ với các doanh nghiệp, kết hợp với địa phương trong hoạt động NCKH và chuyển giao công nghệ cũng như gắn hoạt động nghiên cứu với thực tiễn, tăng cường hợp tác quốc tế là “công thức” chung của các trường ĐH để tăng nguồn thu từ NCKH. Chỉ tính riêng trong năm 2019, doanh thu từ các trung tâm NCKH và chuyển giao công nghệ của ĐH Đà Nẵng đạt trên 40 tỷ đồng. Đây là cơ hội để ĐH Đà Nẵng đa dạng hóa ngân sách khi nguồn thu từ phí và lệ phí chỉ chiếm 55 - 57%.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho biết: “ĐH Đà Nẵng thiết lập được mối quan hệ chặt chẽ với chính quyền địa phương và doanh nghiệp trong vùng. Đặc biệt, trong lĩnh vực KHCN, ĐH Đà Nẵng đẩy mạnh hợp tác với sở, ban, ngành và doanh nghiệp lớn tại các tỉnh, thành miền Trung – Tây Nguyên triển khai nhiều đề tài nghiên cứu gắn với thực tiễn địa phương và doanh nghiệp, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực”.
Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) đã tiến hành sáp nhập các trung tâm chuyển giao KHCN của trường để thành lập Viện KHCN trường với một trong những nhiệm vụ hàng đầu là làm đầu mối để triển khai ứng dụng các kết quả NCKH. Trung bình mỗi năm, nhà trường nhận khoảng 1 tỷ đồng từ nguồn hỗ trợ, tài trợ quỹ NCKH từ các đối tác doanh nghiệp, hợp tác quốc tế. Riêng năm 2019, 2020, với tài trợ của Vingoup, con số này đạt xấp xỉ 5 tỷ đồng.
Theo PGS.TS Đoàn Quang Vinh – Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), cần có cơ chế quản lý và nghiệm thu đề tài theo sản phẩm đăng ký để đơn giản thủ tục mua sắm thiết bị, nghiệm thu để động viên, khuyến khích nhà khoa học, đặc biệt là nhà khoa học có trình độ cao, tham gia các đề tài NCKH. “Cần phải bảo đảm minh bạch trong sử dụng kinh phí NCKH, trả tiền công lao động, mua sắm trang thiết bị, vật tư thông qua chuyển khoản hoặc qua tài khoản của cơ quan”, PGS.TS Đoàn Quang Vinh đề xuất.
Khi xét duyệt đề tài, trường ưu tiên nhóm nghiên cứu liên ngành, liên trường. Nhờ vậy, nghiên cứu viên có cơ hội sử dụng phòng lab hiện đại của nhiều trường ĐH hàng đầu trong nước cũng như quốc tế. Chúng tôi có nhiều bài báo khoa học mà kết quả nghiên cứu có được là nhờ sử dụng phòng lab của trường ĐH ở Đài Loan, Hàn Quốc. Khi điều kiện cơ sở vật chất không cho phép, chúng tôi tìm cách vươn ra hợp tác quốc tế để tận dụng cơ sở vật chất của họ. - TS Võ Thanh Hải Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng)