Nhận biết phát ban do Covid-19

GD&TĐ - Người mắc Covid-19 có thể phát ban do nhiễm trùng trực tiếp mô da, hay hoạt động của hệ miễn dịch, hoặc ảnh hưởng của tình trạng tăng đông máu.

Người mắc Covid-19 có thể phát ban trong giai đoạn hồi phục.
Người mắc Covid-19 có thể phát ban trong giai đoạn hồi phục.

“Ban hồi phục”

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - chuyên gia dịch tễ, Phó Chủ tịch thường trực Hội Truyền nhiễm TPHCM cho biết, có nhiều virus gây phát ban như sởi, rubella, zika, sốt xuất huyết… Theo chuyên gia này, đa số người bệnh phát ban do virus ở giai đoạn khỏi bệnh và hồi phục.

Tình trạng này còn được gọi là ban hồi phục. Theo bác sĩ Khanh, Covid-19 cũng tương tự như vậy. Tình trạng phát ban có thể xuất hiện ở cả người lớn và trẻ em mắc Covid-19. Có nghĩa là khi phát ban, người bệnh đang ở giai đoạn hồi phục. Do đó, người bệnh không nên lo lắng.

TS.BS Hoàng Thanh Tuấn - Viện Bỏng Quốc gia dẫn chứng, một nghiên cứu phân tích 2.261 bệnh nhân nhiễm Covid-19 cho thấy, khoảng 1% người có triệu chứng về da. Một số triệu chứng chung liên quan đến phát ban trong Covid-19 bao gồm: Mất màu da, phù, ngứa,... Theo TS Tuấn, với người mất màu da, ban thay đổi màu so với vùng da xung quanh. Ở da trắng, ban trông đỏ, hồng hoặc sắc tím. Ở da đen, ban có thể màu tím, xám tro hoặc nâu đen.

Trong khi đó, người bệnh Covid-19 cũng có thể phù ở những vùng bị ảnh hưởng so với vùng da xung quanh. Ngứa cũng là tình trạng phổ biến về da ở người mắc Covid-19. Tuy nhiên, chuyên gia này lưu ý, không phải tất cả các loại ban Covid-19 đều gây ngứa.

“Trong một số trường hợp, ban xuất hiện lúc khởi phát triệu chứng Covid-19. Trong một số trường hợp khác, nó có thể xuất hiện nhiều ngày sau khi các triệu chứng khác đã tiến triển”, chuyên gia cho biết.

Ban xuất hiện dưới nhiều hình dạng

TS.BS Hoàng Thanh Tuấn cảnh báo, phát ban trên da còn có thể là biến chứng nghiêm trọng của Covid-19 ở trẻ em, gọi là hội chứng đáp ứng viêm đa cơ quan ở trẻ em (MIS-C).
Hội chứng gây hiện tượng viêm đa cơ quan. Các nhà khoa học vẫn chưa rõ cơ chế gây MIS-C. Các triệu chứng da của MIS-C bao gồm: Ban; đỏ da ở tay, chân hoặc cả hai; môi khô, đỏ và nứt nẻ.
Các triệu chứng tiềm tàng khác là: Mắt đỏ, sốt, rất mệt mỏi, đau bụng; triệu chứng tiêu hóa như nôn mửa và tiêu chảy; đau cổ...
Nếu trẻ có các triệu chứng của MIS-C, người nhà được khuyến cáo liên lạc y tế ngay.

Theo TS Tuấn, hình dạng chính xác của ban Covid-19 có thể thay đổi ở tùy cá nhân. Ban Covid-19 có thể xuất hiện dưới những hình dạng khác nhau. Ở dạng mày đay, ban Covid-19 có thể xuất hiện như những mảng gây ngứa. Mày đay thường ở vị trí chi và thân mình. Trong khi đó, một số người gặp tình trạng da rát và sẩn.

“Trong một vài trường hợp, ban Covid-19 có thể bao gồm những điểm ngứa phẳng hoặc dày lên. Loại ban này có thể ảnh hưởng thân mình”, TS Tuấn chia sẻ.

Ngoài ra, ban với bọng nước do Covid-19 có thể tương tự bệnh thủy đậu. Loại ban này thường xuất hiện ở thân mình và gây ngứa. Với dạng ren, một số ban Covid-19 có thể mang những vòng bạc màu sắc tố hình dạng ren hay lưới. Loại ban Covid-19 điển hình này thường xuất hiện ở chân.

Một số loại ban khác gồm các chấm điểm, ban ngón chân. Trong đó, người mắc Covid-19 có thể gặp các chấm điểm màu đen. Chân là vùng thường bị ảnh hưởng nhất. Ngoài ra, ban ngón chân còn được gọi là “ngón chân Covid-19”. Loại ban này có thể gây những mảng bạc màu và phù một hoặc nhiều ngón chân.

Nguyên nhân phát ban

Lý giải về nguyên nhân gây phát ban do Covid-19, TS.BS Hoàng Thanh Tuấn cho biết, một số cơ chế có thể là do nhiễm trùng trực tiếp mô da, hoạt động của hệ miễn dịch, ảnh hưởng của tình trạng tăng đông máu.

Chuyên gia chia sẻ, mọi người cũng có thể nổi ban sau khi tiêm phòng Covid-19. Nguyên nhân có thể do phản ứng dị ứng. Bởi, một số người dị ứng với vắc-xin Covid-19. Nếu tình trạng này xảy ra, ban và mày đay sẽ xuất hiện sau khi mọi người tiêm vắc-xin.

Người bệnh có thể điều trị ban tại nhà bằng cách chườm lạnh vùng ngứa và phù. Đồng thời, tắm trong dung dịch bột yến mạch. Phương pháp đó có thể giúp đỡ ngứa và kích thích da. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể sử dụng các loại thuốc không kê đơn được dùng tại chỗ như kem hydrocortisone và lotion chứa thành phần calamine. Lưu ý không nên gãi. Bởi, theo TS Tuấn, gãi sẽ gây ngứa và tăng nguy cơ sẹo, nhiễm trùng, thay đổi sắc tố vùng da đó.

“Nếu bị nặng, có thể cần sự trợ giúp của bác sĩ. Các thuốc kê đơn có thể bao gồm những thành phần có chứa corticosteroids uống hoặc tại chỗ”, TS.BS Hoàng Thanh Tuấn cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.