Nhận biết gia súc bị bơm nước trước và sau khi giết mổ

Tình trạng bơm nước vào để tăng trọng các loại gia súc, gia cầm khiến dư luận bức xúc vì ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sản phẩm và đe dọa sức khỏe người tiêu dùng.
Nhận biết gia súc bị bơm nước trước và sau khi giết mổ
Chi cục Thú y Hà Nội khuyến cáo: Gia súc, gia cầm có biểu hiện bị bơm nước thường lừ đừ, mệt mỏi, thở gấp, bụng căng cứng bất thường, miệng nhỏ nhớt, dãi hoặc ói mửa nước vàng nhạt lẫn bọt, miệng hằn vết khớp mõm.
Với thịt gia súc, để xác định có bị bơm nước hay không, cần quan sát độ tươi, đàn hồi, độ dính, độ ngậm nước chứ không chỉ dựa vào màu sắc.

Một số đặc điểm về cảm quan để phân biệt thịt tươi ngon và thịt từ gia súc bị bơm nước như sau: Thịt tươi ngon sẽ có độ săn chắc nhất định, sờ vào thớ thịt cảm giác đàn hồi, khô và dính; miếng thịt có thớ nhỏ, ánh màu sáng, sờ tay có độ dẻo dính.
Tại các quầy kinh doanh thịt, có thể phân biệt bằng cách dùng ngón tay ấn lên miếng thịt, nếu thấy bề mặt tạo thành vết lõm và nhanh chóng phục hồi khi nhấc tay ra là thịt tươi ngon.
Còn thịt gia súc bị bơm nước trước khi mổ có màu nhạt hơn, để 1-2 giờ thịt rỉ nước ra nhiều hơn bình thường; thịt bị bơm nước thì không có độ dẻo, khi ấn tay vào thấy bùng nhùng, quan sát kỹ sẽ thấy nước rỉ ra.

Đối với cơ quan thú y cơ sở: Khi không bắt được quả tang hành vi bơm nước vào gia súc, nhưng nếu phát hiện con vật có biểu hiện đã bị bơm nước trước khi giết mổ, cán bộ thú y áp dụng biện pháp lưu giữ gia súc để theo dõi trong 6 giờ.
Trong quá trình lưu giữ, con vật nào yếu do bị bơm nước quá nhiều sẽ chết do ngột nước và được xử lý bằng biện pháp luộc chín trước khi xuất khỏi lò mổ.
Trường hợp những con vật còn sống, sẽ có thời gian thải bớt nước khỏi cơ thể. Nếu con vật vẫn trong trạng thái lờ đờ, mệt mỏi, có thể theo dõi thêm 6 giờ nữa để thải thêm nước và nếu chết, sẽ được xử lý tương tự.

Đối với thịt gia súc, hiện không có phương tiện, thiết bị xác định chính xác thịt gia súc, gia cầm đã bị đưa nước vào cơ thể trước khi giết mổ đang lưu thông trên thị trường mà chỉ dựa vào cảm quan, như hướng dẫn ở trên.
Tuy nhiên, khi nghi ngờ thịt gia súc, gia cầm bị bơm nước, cơ quan thú y có quyền lấy mẫu kiểm tra các chỉ tiêu vi sinh vật và chất tồn dư đối chiếu với quy định hiện hành của Bộ Y tế để xử lý theo quy định khi kết quả không đạt yêu cầu.
Theo hanoimoi.com.vn