Thời gian đặt bút ký đơn đề nghị hưởng BHXH một lần chỉ mất chưa đến một phút nhưng nó sẽ mất đi rất nhiều thời gian tham gia BHXH mà bạn đã tích lũy. Số tiền nhận về có thể giải quyết được một số khó khăn trước mắt nhưng bạn đã mất đi điểm tựa cho tuổi già. Vậy nên nhận BHXH một lần khi còn trẻ hay hưởng lương hưu và chăm sóc sức khỏe khi về già?
Chúng ta không thể dự đoán được mọi thứ xảy ra trong tương lai, nhưng chúng ta có thể chuẩn bị tốt cho bản thân mình khi về già bằng cách lao động và tích lũy, tích lũy bằng việc tham gia BHXH. Đó là một kênh tích lũy đơn giản và hiệu quả.
Nếu bạn là người lao động có hợp đồng lao động, bạn được tham gia BHXH bắt buộc, tỷ lệ đóng của người lao động hiện nay chỉ 10,5% mức lương, người sử dụng lao động đã đóng cho bạn 21,5%.
Nếu bạn là người lao động tự do, tham gia BHXH tự nguyện bạn có thể lựa chọn mức đóng phù hợp với điều kiện của mình, mức thấp nhất bằng chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn (hiện nay là 700.000 đồng); như vậy, với tỷ lệ đóng hàng tháng 22%, thì số tiền đóng mỗi tháng tương đương với 138.600 đồng (nhà nước đã hỗ trợ 10%), nhưng tỷ lệ hưởng lương hưu khi đến tuổi có thể đạt đến 75% bình quân mức đóng.
Ngoài ra, người hưởng lương hưu còn được cấp thẻ BHYT có mức hưởng 95% khi khám chữa bệnh đúng tuyến. Bên cạnh đó, người thân, người chăm lo cho người tham gia BHXH còn được hưởng chế độ tuất khi người tham gia BHXH qua đời.
Việc nhận BHXH một lần có thể giải quyết được một số khó khăn trước mắt, nhưng đồng nghĩa với việc bạn đang đánh mất cơ hội an sinh của tuổi già, cái tuổi dễ bị tổn thương nhất: Hệ miễn dịch suy giảm dễ mắc bệnh, sức khỏe suy yếu không thể lao động. Rất nhiều người khi đã nhận BHXH một lần lại muốn nộp lại tiền để phục hồi số năm đã tham gia BHXH cho đủ điều kiện hưởng lương hưu, nhưng không thể được.
Vì thế, để đảm bảo an sinh xã hội lâu dài, đảm bảo cuộc sống khi về già, bạn nên cân nhắc kỹ lượng trước khi quyết định hưởng BHXH một lần để có cơ hội hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động. Khi chúng ta còn trẻ, còn đủ sức khỏe để lao động thì chúng ta có nhiều cơ hội để vượt qua khó khăn. Hãy xem sổ BHXH là một tài sản, là khoản để dành nhất định ở tương lai; nếu ở một giai đoạn khó khăn chúng ta không đóng tiếp được thì hãy bảo lưu cho đến khi qua giai đoạn ấy, chúng ta sẽ tiếp tục tích lũy.
BHXH là chính sách an sinh của Đảng và Nhà nước không vì mục đích lợi nhuận. Chính vì thế mọi tính toán cho tỷ lệ đóng, mức đóng và thời gian đóng đều nhằm mục đích bảo vệ người lao động và hướng đến một xã hội an sinh để người già có khoản thu nhập ổn định, có cuộc sống tự chủ và hạnh phúc. Hãy vì cuộc sống của bản thân, cố gắng vượt qua mọi khó khăn khi có thể để giữ lại điểm tựa cho tuổi già, với những tháng ngày an vui, hạnh phúc.