Tuổi trẻ và những tháng ngày không quên

GD&TĐ - Ngoài nhiệm vụ chính là học tập, tích lũy kiến thức chuyên môn, sinh viên ngành y còn tích cực tham gia câu lạc bộ, chương trình vì cộng đồng do nhà trường định hướng.

Bùi Minh Vũ (Trường ĐH Y khoa Vinh) tham gia tình nguyện khám sức khỏe cho người dân các xã vùng sâu, vùng xa tỉnh Nghệ An.
Bùi Minh Vũ (Trường ĐH Y khoa Vinh) tham gia tình nguyện khám sức khỏe cho người dân các xã vùng sâu, vùng xa tỉnh Nghệ An.

Các hoạt động tình nguyện là dịp để sinh viên giúp đỡ người dân, bệnh nhân khó khăn bằng kiến thức, kỹ năng của mình. Qua đó vừa học hỏi thêm kinh nghiệm, vừa bồi đắp tinh thần trách nhiệm và y đức.

Học hỏi chuyên môn, bồi dưỡng y đức từ hoạt động tình nguyện

Năm 2021 là năm đáng nhớ đối với Bùi Minh Vũ – sinh viên năm cuối Trường ĐH Y khoa Vinh. Đặc biệt là thời điểm dịch bệnh bùng phát tại Nghệ An, nhiều trường ĐH, CĐ trên địa bàn chuyển sang dạy online, sinh viên tự học ở nhà thì Bùi Minh Vũ đã viết đơn tình nguyện, đồng hành với lực lượng tuyến đầu chống dịch.

“Em được bổ sung vào lực lượng tham gia công tác chống dịch từ tháng 6/2021. Lúc đó vào dịp nghỉ hè, đa số sinh viên nghỉ học hoặc học trực tuyến, các bạn ở lại trường không còn nhiều. Nhưng dịch bệnh đang nguy hiểm, việc tiêm vắc xin khi đó chưa phổ biến, nên em xung phong vào điểm nóng”, Bùi Minh Vũ nhớ lại.

Sinh viên Trường ĐH Y khoa Vinh lên đường làm nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm trong đêm dịp tháng 6/2021.
Sinh viên Trường ĐH Y khoa Vinh lên đường làm nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm trong đêm dịp tháng 6/2021.

Nhiệm vụ đầu tiên của Vũ là tham gia vào công tác lấy mẫu xét nghiệm ở huyện Diễn Châu – 1 trong những điểm bùng phát dịch trên diện rộng đầu tiên của Nghệ An. Thời gian gấp gáp, xe chở sinh viên Trường Y khoa Vinh và các nhân viên y tế tăng cường đi vào đêm khuya. Đến nơi, tất cả lao ngay vào công việc, không nghĩ gì đến mệt nhọc vất vả.

Sau này, dịch bệnh lan rộng ra nhiều địa phương khác, việc tiêm vắc xin chưa phổ biến, nên công tác xét nghiệm trên diện rộng trở nên bức thiết, toàn bộ lực lượng y tế đã được huy động. Ngoài các đợt lấy mẫu xét nghiệm lưu động, Bùi Minh Vũ có 2 tuần tham gia trực tiếp cùng với đội ngũ nhân viên y tế ở CDC tỉnh xử lý các mẫu xét nghiệm. Có những ngày đơn vị nhận trên 3.000 mẫu và việc trả kết quả phải chính xác nhưng cũng nhanh chóng để kị thời xác định F0. Mỗi ngày của em bắt đầu từ sáng sớm và đến khuya mới trở về.

“Đó là quãng thời gian rất vất vả nhưng em đã học hỏi được nhiều điều về tác phong làm việc, hiểu biết thêm về chuyên môn. Đặc biệt, được tiếp xúc với đông đảo người dân cũng là bài học lớn đối với sinh viên ngành y học cộng đồng như chúng em. Nhất là ý thức về vai trò, trách nhiệm của người là nghề y. Em thấy rất vui khi được góp sức bảo vệ sức khỏe người dân và phòng chống dịch”, Bùi Minh Vũ chia sẻ.

Bùi Minh Vũ - là 1 trong những cá nhân xuất sắc được công nhận Sinh viên 5 tốt tỉnh Nghệ An năm 2021.
Bùi Minh Vũ - là 1 trong những cá nhân xuất sắc được công nhận Sinh viên 5 tốt tỉnh Nghệ An năm 2021.

Năm 2021, với thành tích học tập và rèn luyện, tham gia hoạt động vì cộng đồng, Bùi Minh Vũ là một trong những cá nhân xuất sắc được nhận danh hiệu "Sinh viên 5 tốt" của tỉnh Nghệ An. Trước đó năm 2019, Vũ được Hội sinh viên tỉnh trao chứng nhận đạt giải thưởng “Sao tháng Giêng”.

"Đây là giải thưởng có ý nghĩa đặc biệt, giúp em thấy bản thân trưởng thành và từng bước thực hiện được mục tiêu của mình. Đây cũng là dấu mốc để đánh dấu thành công của quãng đời sinh viên. Tiếp động lực cho em cố gắng hơn nữa trong chặng đường sắp tới", Bùi Minh Vũ chia sẻ.

Bồi dưỡng y đức từ hoạt động cộng đồng

Theo bác sĩ Nguyễn Anh Đức - Phó Bí thư đoàn, Trường Đại học (ĐH) Y khoa Vinh (Nghệ An), năm vừa qua, có hơn 1.000 sinh viên các khoa gửi đơn tình nguyện tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19.

Nhà trường đã rà soát và lựa chọn SV năm cuối hoặc chuyên ngành gần với nhiệm vụ phòng, chống dịch như: Xét nghiệm, y học dự phòng, y tế cộng đồng... Các em có kiến thức, chuyên môn và kinh nghiệm thực tập nhất định để đáp ứng nhiệm vụ tại khu cách ly, vùng phong tỏa hay khu điều trị bệnh nhân.

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Anh Đức, để tạo điều kiện tốt nhất cho SV được lựa chọn tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống dịch, Trường ĐH Y khoa Vinh điều chỉnh thời gian học, thực hành lịch thi để những em này hoàn thành chương trình học, ra trường đúng hạn.

Ngoài công tác phòng chống dịch, Đoàn thanh niên, Hội sinh viên Trường ĐH Y khoa Vinh cũng có nhiều chương trình, hoạt động rèn luyện kỹ năng, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, lối sống cho các bạn trẻ.

Sinh viên Trường ĐH Y khoa Vinh tham gia dạy chữ cho trẻ tự kỷ tại trung tâm chuyên biệt.
Sinh viên Trường ĐH Y khoa Vinh tham gia dạy chữ cho trẻ tự kỷ tại trung tâm chuyên biệt.

Câu lạc bộ (CLB) Bloues trắng (ĐH Y khoa Vinh) có hơn 10 năm duy trì hoạt động với số lượng thành viên lúc đông nhất là khoảng 400 sinh viên. Đây cũng là CLB tiêu biểu với nhiều hoạt động nổi bật của nhà trường. Trong đó, nhiệm vụ chính của các thành viên là hoạt động giúp đỡ trẻ khiếm khuyết, tổ chức chương trình hướng đến cộng đồng.

Em Dư Thị Minh (SV ngành Điều dưỡng) – thành viên CLB Blouse cho biết: Có nhiều trẻ khiếm khuyết: Tự kỷ, bại não, đang phải điều trị phục hồi chức năng vận động…  Em muốn chia sẻ, làm được điều gì đó để giúp đỡ các bé trong vận động, hòa nhập. 

“Trước khi dịch bệnh bùng phát, em có thời gian hoạt động tình nguyện tại Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh Nghệ An. Công việc của em là trò chuyện, làm quen với các bé mắc hội chứng tự kỷ, chậm nói... Sau đó giúp tập luyện, phục hồi chức năng vận động cho các bé đang vật lý trị liệu”, Minh chia sẻ.

Thực tế sinh viên trường y có đặc thù hơn các trường khác, ngoài lịch học ở trường, mỗi tuần có khoảng 3 buổi lâm sàng ở bệnh viện. Vì thế, tham gia hoạt động tình nguyện sẽ rất vất vả. “Tuy nhiên, qua những hoạt động này, chúng em cũng học hỏi được rất nhiều. Hoàn thiện kỹ năng giao tiếp, rèn luyện chuyên môn về trị liệu, phục hồi chức năng và đặc biệt là y đức của mình”, Dư Thị Minh chia sẻ.

Bùi Minh Vũ cũng là thành viên kỳ cựu của CLB Blouse trắng. Nam sinh viên đã dành nhiều thời gian đến các trung tâm điều trị chuyên biệt để hỗ trợ giáo viên, y bác sĩ can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ, khiếm khuyết. “Là người trẻ, chúng em sẵn sàng tham gia phong trào tình nguyện, dành thời gian cho các hoạt động vì cộng đồng. Đây cũng là cơ hội để em kết nối mọi người, nâng cao hiểu biết xã hội, bồi đắp giá trị, nhận thức cho bản thân”, sinh viên 5 tốt tỉnh Nghệ An khẳng định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường Tiểu học Lê Đình Chinh với sáng kiến tổ chức cho học sinh viết thư “điều con muốn nói” gửi đến ba, mẹ trong buổi họp sơ kết học kỳ I năm học 2023 - 2024. Ảnh: PV

Chống 'sốc' cho giáo viên trẻ

GD&TĐ - Không chỉ gặp khó khăn về phương pháp sư phạm, nhiều giáo viên trẻ còn hạn chế trong kỹ năng quản lý lớp học, tương tác với phụ huynh, học sinh…