Từ công chúa Áo trở thành mạnh thường quân từ thiện số 1 nước Anh

GD&TĐ - Ở tuổi 92, cụ bà Lotti tin rằng không ai sống được trên đời này mà không cần ăn. Trước khi bước sang tuổi 95, cụ đặt ra mục tiêu sẽ tìm đủ 95 tình nguyện viên mới để giúp cụ xây dựng 950 kết nối làm từ thiện với các nhà doanh nghiệp. 

Cụ bà Lotti Henley đang cống hiến không mệt mỏi với tổ chức từ thiện Kế hoạch Zheroes
Cụ bà Lotti Henley đang cống hiến không mệt mỏi với tổ chức từ thiện Kế hoạch Zheroes

Chợ Borough ở thủ đô London vẫn tràn đầy năng lượng như ngày nào mới đi vào hoạt động. Các tình nguyện viên không ngơi tay gọt rau củ, băm nhỏ rồi đem xào ngay giữa một núi ra củ quả - những thứ bị các siêu thị từ chối do chất lượng chưa đạt hoặc không ngon miệng, tất cả được thu gom lại.

Các đầu bếp đang hối hả chuẩn bị một lượng thức ăn khổng lồ đủ để phục vụ cho hàng ngàn người vô gia cư và nghèo khổ. Bà Lotti Henley cảm thấy hài lòng khi biết rằng có hàng ngàn người sẽ được một bữa tối no nê, và quan trọng hơn, những nguyên liệu này không bị bỏ phí đi.

Ở tuổi 92, cụ bà Lotti Henley có thể đã quên đi mọi khốn khổ trong quá khứ để toàn tâm toàn ý làm việc không mệt mỏi cho Kế hoạch Zheroes - một quỹ từ thiện do cụ là một trong các đồng sáng lập. Nở nụ cười thật tươi, cụ nói: “Tôi muốn nuôi cả thế giới! Trong khi có nhiều thực phẩm bị vất bỏ hoang phí, thì vẫn còn đó nhiều người đói khổ lại chả có gì mà ăn”.

Thời thanh xuân đói khổ

Từng là một người di cư vào thời xảy ra cuộc chiến tranh thế giới thứ II, cô bé Lotti đã có lúc phải mút đá và nhai ngấu nghiến cỏ dại thay cho thức ăn. Từng là công chúa Windisch-Graetz của nước Áo, đói kém là một trải nghiệm đớn đau trong cuộc đời mà cụ không thể nào quên.

Tuổi thơ của cô bé Lotti từng có thời gian sống sung túc trong nhung lụa: sinh ra trong một tòa lâu đài với 80 căn phòng rộng thênh thang, Lotti và các chị em gái lớn lên ở một vùng nông thôn trong lành, mát mẻ, hàng ngày được ăn uống ngon lành với những thực phẩm rau trái được trồng ngay trong điền trang quanh tòa lâu đài.

Cuộc sống êm đềm, thơ mộng đó đột nhiên thay đổi khi chiến tranh thế giới thứ II tràn về ngôi làng của Lotti, đó là vào năm 1943. Hai người chú của Lotti bị giết, những binh sĩ lớp chết lớp bị thương nằm la liệt khắp lâu đài, mẹ của Lotti quyết định đưa người con gái đầu lòng lên tàu đi đến nơi mà cô sẽ học làm y tá.

Cụ Lotti nhớ lại: “Chúng tôi làm y tá chiến tranh ngay trên chiến trường ở miền Bắc nước Ý. Khi đó mới 19 tuổi thôi, nhưng tôi rất dũng cảm khi phải học cách để sinh tồn trong lúc bom rơi đạn nổ.

Tôi nhanh chóng quên đi tuổi thơ sung sướng để hòa vào hiện tại đẫm nước mắt. Tôi nhớ có lần ở trong phòng mổ các bác sĩ đang cắt cụt một cẳng chân bị hoại tử của một người lính. Các bác sĩ đưa cho tôi cái chân đầy máu me, và tôi còn nguyên cảm giác khiếp vía khi cầm nó”.

Lotti Henley làm y tá vào năm 19 tuổi

Lotti Henley làm y tá vào năm 19 tuổi

Khi chiến tranh thế giới thứ II kết thúc, những rắc rối trong cuộc đời của nữ y tá Lotti trở nên rõ rệt hơn. Cô và người em gái được phái tới một trại tạm cư của những người di tản chiến tranh ở Munich, do quân đội Nga quản lý.

Điều kiện sống ở đó thật khủng khiếp: những người di cư sống hàng ngày bằng việc ăn một chút xíu nước canh loãng, hoặc có khi được ăn 2 lần canh trong ngày; người ốm đói đầy rẫy quanh Lotti.

Để sống sót, hai chị em, Lotti và Ika buộc phải làm mọi thứ. Họ học cách mút đá từ những người lao động quanh mình. Không ai được phép rời khỏi trại di tản. Nhưng khi các binh sĩ nhìn thấy 2 cô gái với những cái tên gốc quý tộc, họ được thả ra.

Không đồng xu dính túi và sống xa nhà đến hàng trăm dặm đường, hai chị em Lotti và Ika bắt đầu cuốc bộ đến Salzburg (Áo), nơi họ hy vọng tìm được ai đó biết về gia đình mình.

Cụ Lotti nhớ lại: “Cách duy nhất để đến Salzburg là đi bộ, nhưng hơn 100 dặm đường lận. Chúng tôi cố gắng tránh bị lính địch bắt gặp, hoặc có khi chúng tôi giấu mình trong các thùng ở đằng sau xe cứu thương. Chúng tôi đi từ nước này sang nước khác mà không có giấy thông hành, vừa đi vừa vẫy tờ giấy trắng và hy vọng họ không hỏi thêm chuyện gì khác”.

Chuyến hành trình dài, đầy bụi bặm và kiệt sức. Hai chị em Lotti và Ika cố gắng đổi bớt một số tài sản ít ỏi để lấy thức ăn bao gồm cả hai đôi giày của hai chị em. Khi tài sản mang theo hết sạch thì cũng là lúc hai chị em chống chọi với cái đói khủng khiếp.

Cụ Lotti nhớ lại: “Tôi nhớ có lần đi ngang qua một ngọn đồi và thấp thoáng nhìn thấy một nông trại, tôi nghĩ có lẽ bác nông dân sẽ giúp cho bọn tôi được chút thức ăn lót lòng, nhưng không, ông ta giận dữ khi chúng tôi vừa mở miệng. Có một ổ bánh mì cũ ở bên cửa sổ cạnh ông ta, tôi đồ rằng ai đó đã bỏ quên nó khi cho gà ăn, và tôi không ngừng nhìn chằm chằm vào nó.

Ổ bánh mì khô khốc, để lâu ngày và dính cả mạng nhện, nhưng tôi đói lắm rồi. Lão ta cũng nhìn về hướng ổ bánh mì, nhưng bất ngờ lấy nó đưa cho chúng tôi: “Chậc, cầm lấy”. Chúng tôi vớ lấy ổ bánh mì, cạo bỏ lớp mạng nhện, dùng đá đập nó ra thành từng mẫu, nhúng vào nước mới ăn được. Ngon tuyệt!”.

Tấm lòng giúp người

Lần hồi mãi hai chị em Lotti cũng đặt chân tới Salzburg (Áo), ở đó họ tìm đến một khách sạn lớn là nơi hai chị em từng ở với gia đình nhiều lần trước khi chiến tranh diễn ra.

Cụ Lotti chớm nước mắt nhớ lại: “Tôi nói với người của khách sạn rằng mình là công chúa Windisch-Graetz nhưng tay lễ tân khách sạn phớt lờ, “chuyện này ai mà chả nói được”, và đuổi tôi như đuổi tà. Nhưng một người hầu phòng đã nhìn thấy tôi, anh ta cho tôi một ân huệ: ăn chung món canh rau ngay trong một căn phòng ở phía sau khách sạn”.

Rồi thì hai chị em cũng đoàn tụ với gia đình. Những người thân trong gia đình của Lotti đã chạy đến Ý, nơi đây họ có việc làm trong một quân y viện. Cụ nhớ lại: “Đoàn người tị nạn đứng xếp hàng bên cạnh bệnh viện, họ vớ lấy những thứ mà những người lính không ăn. Tôi đã dồn những thứ thức ăn bỏ đi ấy vào một cái đĩa lớn mang cho họ, song việc chia sẻ này cũng không kéo dài lâu vì đến lượt tôi cũng lâm vào cảnh đói khổ”.

Cũng tại quân y viện, tình cờ như duyên trời định sẵn, cụ Lotti gặp gỡ một người lính Anh tên là Tony. Họ đã phải lòng nhau, cưới nhau và cùng dọn tới London.

Bảy thập niên trôi qua, cụ Lotti đã sống một cuộc đời rất thoải mái ở Tây London. Thường xuyên thăm viếng cụ là 2 người con và 5 người cháu. Mặc dù vậy, chưa bao giờ cụ Lotti có thể quên đi quá khứ đói kém khốn cùng của mình. Cụ Lotti bộc bạch:

“Khi quý vị đói, quý vị chẳng còn nghĩ được thứ gì cả, không biết ngày mai sẽ ra sao. Cũng còn nhiều người đói khổ ở Anh, và ở xứ này cũng có nhiều thức ăn thừa bị vất. Hồi tôi còn trẻ, người nướng bánh mì thường sẽ vất bánh mì vào lúc 3 giờ sáng, ai cũng biết giờ đó, vì thế bọn trẻ thường phải thức dậy sớm để kiếm chác. Còn giờ đây, nhà hàng quá thừa thãi thức ăn, thức ăn bỏ đi rất nhiều. Thức ăn thừa còn nhiều hơn cả người đói khát”.

Chính thực trạng tưởng như vô lý này đã thôi thúc cụ Lotti và hai người bạn cùng nung nấu ý định thiết lập ra Kế hoạch Zheroes.

Nghĩ là làm, cụ Lotti đã đưa ra khái niệm về việc tạo ra một dạng bản đồ tương tác có liên kết với các trung tâm người tị nạn, những khu ở cho người vô gia cư và những nguồn thực phẩm để hình thành một nguồn cung thức ăn từ thiện cho nhiều người.

Chỉ trong vòng 3 năm qua, tổ chức từ thiện của cụ bà Lotti đã xử lý hơn 80 tấn thực phẩm thừa từ các nhà hàng, nông trại và siêu thị, rồi chế biến chúng thành nhiều món ăn để phục vụ cho vô số người có nhu cầu. Tổng cộng có hơn 160.000 suất ăn từ thiện chất lượng cao đã được phục vụ chu đáo.

Cụ Lotti cũng giúp thành lập một số khóa học về cách thức nấu nướng quy mô lớn, sử dụng nguồn thực phẩm thừa để tạo nên một chương trình giáo dục hiệu quả, như những sự kiện ẩm thực từ thiện tại chợ Borough - nơi mà cụ Lotti bắt tay hợp tác với Trường Wok để cung cấp 1.000 suất ăn từ thiện. Năm 2011, tổ chức từ thiện Kế hoạch Zheroes đã phục vụ 5.000 suất ăn từ thiện cho người nghèo tại Quảng trường Trafalgar.

Chia sẻ về hoạt động thiện nguyện giàu lòng nhân ái của mình, cụ Lotti Henley nói:

“Làm việc này rất mệt mỏi, tuy nhiên tôi không thể sống mà không tìm thấy niềm vui thích trong công việc mình làm. Ngoài ra, giấc ngủ của tôi cũng ngon hơn, dù đi đâu làm gì, tôi vẫn phải ngủ trưa trước đã”. Hiện thời, tổ chức từ thiện Kế hoạch Zheroes đang hoạt động ở London nhưng cụ bà Lotti đang nung nấu các kế hoạch lớn triển khai nó trên toàn cầu.

Lại nở một nụ cười tươi tắn, cụ Lotti kết thúc buổi trò chuyện bằng thái độ lạc quan: “Tôi không xem tivi, tôi tránh nhìn những hình ảnh gớm ghiếc về những người tị nạn sống ở Syria hay Myanmar, nhưng tôi chưa bao giờ quên đi hành trình sinh tồn của mình lúc tôi đi tị nạn. Tôi biết mình phải chăm lo cho những người khác. Thức ăn có rất nhiều trên thế giới, chúng tôi chỉ làm mỗi việc là kết nối giữa nơi thừa thãi và nơi thiếu hụt lại với nhau”. 

Theo MIRROR

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.