Tiếp sức cho học sinh nghèo

GD&TĐ - Xã biên giới A Vao cách trung tâm huyện Đakrông (Quảng Trị) hơn 70km. Nơi đây có tới 97,8% đồng bào dân tộc thiểu số Pa Kô sinh sống. Kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn kéo theo giáo dục chậm phát triển. 

Gia đình ông Côn Nô xuống thăm CB, CS Đồn Biên phòng A Vao (BĐBP Quảng Trị) trong dịp nghỉ hè của con.
Gia đình ông Côn Nô xuống thăm CB, CS Đồn Biên phòng A Vao (BĐBP Quảng Trị) trong dịp nghỉ hè của con.

Trong nhiều năm gần đây, những người lính biên phòng đồn A Vao (Bộ Chỉ huy – BĐBP tỉnh Quảng Trị) qua chương trình “Nâng bước em tới trường” không chỉ góp phần ươm lớn những mầm xanh tương lai miền biên viễn mà còn tạo nên nhiều giá trị tốt đẹp cho cuộc sống người dân.

Hành trình xuống núi

Chỉ về phía ngọn núi cao dựng đứng, nơi có cột mốc mang kí hiệu 625 cách Đồn Biên phòng A Vao hơn 3 tiếng đồng hồ đường rừng, Trung tá Đinh Quang Duyên – Chính trị viên Đồn Biên phòng A Vao kể lại hành trình nhận nuôi 9 đứa trẻ trong gia đình ông Côn Nô - người dân tộc Pa Kô xã A Vao với chúng tôi.

Một năm trước, trong quá trình công tác, khảo sát, thăm bám địa bàn do đồn phụ trách (từ mốc 624 - 633), các chiến sĩ biết được hoàn cảnh sống vô cùng khó khăn của gia đình ông Côn Nô.

Ngôi nhà sàn cũ kỹ lọt thỏm trong rừng núi là nơi tá túc của gia đình ông Côn Nô với 9 con nhỏ. Cô con gái lớn nhất 15 tuổi, đứa nhỏ nhất 4 tuổi. Trong 9 đứa trẻ thì 7 đứa đã đến tuổi đi học nhưng chẳng đứa nào biết đọc, biết viết; chưa đứa nào được 1 ngày cắp sách tới trường do điều kiện gia đình quá khó khăn. Kiếm đủ miếng ăn hàng ngày cho bầy con thơ đã là một nỗ lực lớn đối với người đàn ông 45 tuổi, nhỏ thó, ốm yếu.

Có thể nói, 9 đứa trẻ sinh ra và phát triển khá hoang dã. Chẳng mấy khi chúng được bữa cơm ngon; quần áo không đủ mặc. Vào mùa nóng đứa có áo thì không có quần thì đứa mặc quần; thiếu áo; có đứa lại ở trần. Mùa đông, cố gắng lắm mỗi đứa có đủ 1 bộ bên trong, bên ngoài chiếc áo khoác mỏng manh. Đứa lớn hơn trông ẵm đứa nhỏ, đứa nào đủ sức thì đi rừng, nương rãy cùng bố mẹ trồng trọt và kiếm mây bán lấy tiền mua gạo.

Với tình thương và trách nhiệm, những chiến sĩ Đồn Biên phòng A Vao nhiều lần thuyết phục ông Côn Nô cho con đến trường nhưng đều thất bại với lý do “không có tiền”. Chẳng thể cứ đứng ngoài cuộc, cấp ủy, chỉ huy đơn vị đã quyết định phối hợp cùng chính quyền địa phương, Trường Mầm non, Trường Tiểu học xã A Vao cùng nhau nuôi và dạy 9 đứa trẻ.

Tổ công tác đã mời ông thăm tận nơi chỗ ăn ở, học hành, những bữa cơm bảo đảm chất dinh dưỡng cho các con. Được nhìn thấy tận mắt, khi ấy ông mới xuôi mà “gật đầu” cho con xuống núi đi học hòa nhập.

Tháng 10/2018, 9 đứa con của ông chính thức trở thành con nuôi của những người lính Đồn Biên phòng A Vao. Các em được thoát khỏi cuộc sống hoang dã nơi núi rừng để vui chơi, học tập, hòa mình với cuộc sống như bao đứa trẻ khác.

Trung tá Đinh Quang Duyên cho biết thêm: Nhằm tạo điều kiện cho 9 đứa trẻ được sinh hoạt cùng nhau như khi chúng ở nhà, đơn vị đã mượn lại một phòng học của trường mầm non xã. Đồn bỏ thêm kinh phí để gia cố, mua sắm chăn màn, quần áo, giày dép và những vật dụng sinh hoạt cơ bản cần thiết cho 9 đứa trẻ. Đồng thời cắt cử Thượng úy Hồ Văn Hùng, nhân viên đội Vận động quần chúng hàng ngày cận kề, trực tiếp quan tâm chăm sóc, giúp đỡ các cháu như người cha.

Mặt khác, để duy trì việc ăn học cho 9 đứa trẻ Trường Tiểu học A Vao hỗ trợ mỗi tháng 10kg gạo/cháu/tháng; các chiến sĩ Đồn Biên phòng A Vao phụ trách chăm lo thực phẩm, mua sắm vật dụng sinh hoạt, quản lý, chăm sóc, hỗ trợ tiền sinh hoạt vào khoảng 250.000 đồng/tháng/cháu.

Những người “cha nuôi” vùng biên viễn

A Vao – xã biên giới đặc biệt khó khăn huyện Đắkrong – tỉnh Quảng Trị
A Vao – xã biên giới đặc biệt khó khăn huyện Đắkrong – tỉnh Quảng Trị 

Nỗi lo lắng hơn cả với Thượng úy Hồ Văn Hùng khi chăm sóc 9 đứa trẻ thời gian đầu còn là chúng sẽ bỏ trốn bất kỳ lúc. “Đêm nào chúng cũng khóc nỉ non bởi lạ nhà, nhớ bố mẹ. Chúng đòi về rừng, không chịu ở lại cùng các chú bộ đội và cô giáo, bạn bè. Thậm chí vì xa nhà nên chúng chẳng thiết tha việc học hành…Nếu chúng bỏ trốn không những tôi không hoàn thành nhiệm vụ đơn vị giao phó mà còn nguy hiểm đến tính mạng khi đường về quá xa và hiểm trở. Nhiều đêm tôi chẳng thể chợp mắt hoặc có giấc ngủ sâu trọn vẹn bởi lo giữ chúng” - Thượng úy Hùng kể.

Thượng úy Hùng cũng cho biết, anh phải nghĩ và vận dụng nhiều cách để 9 đứa trẻ nhanh chóng làm quen và ổn định và hòa nhập cuộc sống. Ban ngày anh hướng dẫn chúng tập thể dục buổi sáng, tổ chức trò chơi để chúng cùng vui chơi với nhau. Anh dạy chúng biết cách tăng gia sản xuất từ mảnh vườn… Ban tối, việc học tập trên lớp chúng còn chưa hiểu chỗ nào anh lại giảng chỗ đó.

Cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng A Vao không chỉ hoàn thành nhiệm vụ giữ gìn đường biên cột mốc, sự bình yên cho đất nước, thông qua sự chung tay góp sức của mình, các anh còn mở ra tương lai tốt đẹp cho học sinh vùng biên và góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của toàn ngành Giáo dục.

Đến nay, dưới sự dạy bảo của cô giáo và chăm sóc của các chú bộ đội, 9 đứa trẻ đã có được những kĩ năng sống cơ bản. Các em biết cách giữ gìn thân thể sạch sẽ, mặc quần áo đầy đủ, ăn uống vệ sinh, đặc biệt biết cách trồng rau, nuôi gà cải thiện cho bữa ăn hàng ngày. Sau 1 năm học, trong 9 đứa trẻ “bắt đầu từ con số không” thì 7 đứa đã biết đọc, viết và được lên lớp 2.

Những ngày sắp bước vào năm học mới, ông Côn Nô lại đưa 9 đứa con xuống núi bàn giao cho chiến sĩ Đồn Biên phòng A Vao. Không giấu được sự vui mừng trong ánh mắt, ông nói: “Nghỉ hè được ở nhà với bố mẹ mà chúng cứ đòi về với các chú bộ đội, với cô giáo và các bạn. Nhà 9 đứa con, cả 9 đứa đều xuống núi để đi học, tôi cũng nhớ lắm. Nhưng được các chú bộ đội nuôi dạy, chăm sóc, cho ăn học… gia đình tôi yên tâm và biết ơn vô cùng”.

Được biết, không chỉ là “cha nuôi” của 9 đứa trẻ Pa Kô có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà 5 năm qua cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng A Vao đã thực hiện tốt chương trình “Nâng bước em tới trường”: Hỗ trợ cho 5 HS, mỗi tháng 500.000 đồng/học sinh, giúp các em có điều kiện hơn về vật chất trong quá trình học tập. Đáng nói, sự giúp đỡ cũng không chỉ dừng lại với hàng chục HS vùng cao biên giới người Việt Nam mà nhiều em HS nước bạn Lào tiếp giáp địa bàn do Đồn A Vao quản lý cũng nhận được hỗ trợ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ